Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, xã Tân Lập, huyện Tân Biên là một trong các địa phương trên địa bàn tỉnh gánh chịu không ít bom đạn của kẻ thù. Đất nước thống nhất chưa được bao lâu thì vùng biên giới này lại rền vang tiếng súng xâm lược của bọn diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary.
Người dân Tân Lập chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế.
Ký ức đau thương
Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cách mạng chuyển sang giai đoạn mới, tình hình trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia nảy sinh những diễn biến phức tạp.
Từ tháng 5 đến tháng 12.1975, Pol Pot đã gây ra 17 cuộc xung đột vũ trang qua biên giới Tây Ninh ở các điểm Lò Gò, Tà Nông, Chàng Riệc. Đêm 24 rạng 25.9.1977, chúng dùng một lực lượng tương đối lớn gồm Sư đoàn 3, 4, Trung đoàn 306 đặc nhiệm và quân địa phương vùng 20, 21, 23 đồng loạt tấn công một số khu vực thuộc hai huyện Tân Biên, Bến Cầu.
Chúng tàn sát, đốt phá, cướp bóc một cách dã man, gây nhiều thiệt hại về người và của. Riêng ở xã Tân Lập, huyện Tân Biên, quân phản động Pol Pot – Ieng Sary đã sát hại 506 người, làm 135 người bị thương, trong đó có 20 gia đình bị giết hại hoàn toàn.
Bà Sáu, một tiểu thương buôn bán ở chợ Tân Lập chia sẻ, đến trung thu là nhiều gia đình ở xã Tân Lập làm đám giỗ cho những người bị quân Pol Pot – Ieng Sary giết hại và họ gọi đó là ngày "hội giỗ".
Tấm bia chứng tích tội ác của tập đoàn Pol Pot nằm sát bên quốc lộ 22B (Tây Ninh) ghi rõ: "Lúc 0 giờ 15 phút ngày 25.9.1977 quân Pol Pot - Ieng Sary đã xâm lược biên giới Việt Nam tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. 592 người đã bị cướp đi mạng sống".
Từ cuối năm 1978 đầu 1979, Tân Lập là một trong những xã trọng điểm xây dựng làng chiến đấu, vừa chiến đấu bảo vệ sản xuất, vừa ổn định việc ăn ở của người dân. Năm 1979, chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, huyện Tân Biên bắt tay vào công cuộc xây dựng và phát triển với nhiều hậu quả nặng nề.
Tân Lập từ đau thương vươn mình phát triển.
Khoác áo mới cho vùng quê anh hùng
Trải qua những đau thương trong chiến tranh, sau ngày sạch bóng quân thù, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Tân Lập đã bắt tay vào xây dựng lại vùng quê thân thương, quyết tâm đưa Tân Lập sớm trở thành một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh Tây Ninh hoàn thành mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào năm 2015; đến năm 2022 xã tiếp tục cán đích nông thôn mới nâng cao.
Đến nay, kinh tế trên địa bàn xã phát triển khá đồng bộ, đời sống văn hoá tinh thần của người dân cũng không ngừng nâng cao. Đường giao thông nông thôn đã được trải nhựa và bê tông hoá; trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho Nhân dân.
Ông Phạm Văn Trại, ngụ ấp Tân Đông 2, xã Tân Lập, huyện Tân Biên cho biết: “Từ vùng đất chịu nhiều tổn thương qua những cuộc chiến tranh, thì ngày nay khi xây dựng nông thôn mới, đường sá trên địa bàn xã Tân Lập đi lại thuận lợi hơn; trạm y tế cấp thuốc đầy đủ cho bà con. Tân Lập là xã An toàn khu, người dân nơi đây đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế 100%”.
Từ mảnh đất với đầy rẫy những hố bom ngày nào, giờ đây Tân Lập đã hồi sinh với bạt ngàn màu xanh của cây cao su, cây mì, đặc biệt nhiều hộ dân trên địa bàn xã mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng có giá trị thấp sang trồng cây ăn trái; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại, nhờ đó thu nhập ngày một nâng cao.
100% đường trục ấp, liên ấp trên địa bàn xã đã cứng hoá và bảo đảm sáng - xanh - sạch - đẹp; các tuyến đường ấp, liên ấp thường xuyên được kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, bảo trì, không để xảy ra tình trạng lầy lội, đọng nước, bảo đảm an toàn giao thông; thu nhập của người dân tăng đều qua các năm; nhà văn hoá và chợ được đầu tư xây dựng theo định hướng nâng cao, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, giao thương của Nhân dân, bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan; an sinh xã hội được bảo đảm; tình hình an ninh chính trị, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.
49 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, những trận địa, chiến hào trên mảnh đất Tân Lập anh hùng ngày nào nay đã phủ màu xanh của ruộng vườn, cây trái. Truyền thống lịch sử anh hùng đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho người dân dựng xây cuộc sống mới ngày càng phồn vinh.
Vũ Nguyệt
Còn tiếp