Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hoà bình cho tổ quốc toàn vẹn và phát triển
Bài 2: Vai trò tiên phong của đối ngoại
Thứ ba: 21:47 ngày 30/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII đã nêu rõ về vị trí, vai trò của từng trụ cột đối ngoại.

Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên xác định xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, gồm ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Sau đại hội, Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII đã nêu rõ về vị trí, vai trò của từng trụ cột đối ngoại.

Một thầy đồ tại đền Ngọc Sơn tặng bức thư pháp với dòng chữ: "Hoà bình, hữu nghị cùng phát triển" cho Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 11.2022

Ba trụ cột đối ngoại

Đối ngoại Đảng đóng vai trò nòng cốt trong định hướng chiến lược chủ trương, đường lối đối ngoại. Nhờ đó, công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng. Quan hệ giữa Đảng ta với các đảng cộng sản, công nhân và các chính đảng khác tiếp tục được củng cố và phát triển thông qua các hoạt động trao đổi đoàn, trao đổi lý luận và tiếp xúc tại các diễn đàn đa phương.

Ngoại giao Nhà nước đóng vai trò nòng cốt trong thể chế hoá và tổ chức thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng. Đối ngoại của Quốc hội cũng được triển khai ngày càng chủ động, tích cực, thúc đẩy quan hệ với quốc hội, nghị viện nhiều nước đi vào chiều sâu và nâng cao vị thế, uy tín của Quốc hội nước ta tại các diễn đàn quốc tế, nhất là trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (AIPA), Liên minh Nghị viện thế giới (IPU).

Đối ngoại Nhân dân đóng vai trò nòng cốt trong tăng cường hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước, tạo nền tảng xã hội tích cực, thuận lợi và hỗ trợ cho đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước. Công tác đối ngoại Nhân dân được triển khai với nhiều hình thức, nội dung ngày càng đa dạng, phong phú và thực chất, góp phần mở rộng, tăng cường quan hệ hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, tranh thủ nguồn lực và sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, tác giả - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng về công tác đối ngoại, ngoại giao, trong gần 40 năm qua, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng: phá thế bị bao vây, cấm vận, tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá, thuận lợi cho công cuộc đổi mới, tạo dựng được môi trường quốc tế thuận lợi và huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Đối ngoại, ngoại giao đóng vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Vị thế và uy tín quốc tế của nước ta trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm vào việc giữ vững hoà bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. Bởi vậy, trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, bên cạnh các cuộc chiến đấu ngoan cường bảo vệ, giành lại giang sơn, độc lập, chủ quyền, ông cha ta luôn luôn chú trọng hoạt động đối ngoại, lấy hoà bình, hoà hiếu và hữu nghị làm cốt lõi, đề cao lòng nhân ái, vị tha và bao dung, tạo dựng nên những truyền thống và bản sắc độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam đầy hào khí, giàu tính nhân văn. Truyền thống và bản sắc của ngoại giao Việt Nam thể hiện ở sự kiên định về mục tiêu và nguyên tắc; linh hoạt và trí tuệ trong mọi hoạt động ngoại giao; kiên trì thực hiện phương châm giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Tinh thần yêu nước và ý chí vươn lên tự do, độc lập, yêu chuộng hoà bình và đấu tranh cho hoà bình, thuỷ chung và hoà hiếu, gây dựng và củng cố hữu nghị, đấu tranh cho lẽ phải, công lý và chính nghĩa đã tạo nên hồn cốt và khí phách cho đối ngoại, ngoại giao Việt Nam.

Hồ Chí Minh là sự kết hợp của văn hoá Đông - Tây, với tư tưởng phải “luôn luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ”, “phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ”, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”, “giúp bạn là tự giúp mình”, vì hoà bình, hợp tác và tiến bộ của nhân loại. Nét nổi bật trong nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh là khả năng tạo dựng thời cơ và tận dụng chớp thời cơ, là ngoại giao “tâm công”, thu phục lòng người bằng chính nghĩa, tình người, lẽ phải và đạo lý. Đặc biệt, cách ứng xử khéo léo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quan hệ với các nước lớn nhằm bảo vệ lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc trong bối cảnh đất nước ở thế “ngàn cân treo sợi tóc” chính là bài học vô giá về sự uyển chuyển trong ứng xử tình thế cho cách mạng Việt Nam. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã kiên định vận dụng, phát triển tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, đạt những thành tựu quan trọng, toàn diện, đóng góp tích cực và hiệu quả vào công cuộc xây dựng đất nước. Thế giới ngày nay đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Bên cạnh những thuận lợi cũng xuất hiện nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: “Cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm; các nước lớn vẫn hợp tác, thoả hiệp, nhưng đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn”. Tình hình thế giới thời gian qua còn diễn biến phức tạp, nhanh chóng hơn so với dự báo.

Chủ động, linh hoạt

Năm 1986, trước những biến động lớn của tình hình quốc tế và để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, bắt đầu từ đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế. Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá VI (năm 1988) khởi đầu cho quá trình đổi mới tư duy và đường lối đối ngoại đã chủ trương xây dựng “một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh, một nền đối ngoại rộng mở”. Bước chuyển quan trọng đó là tiền đề cho những đột phá trong hoạt động đối ngoại, là cơ sở xây dựng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá và hội nhập quốc tế.

Đại hội XIII đã xác định đối ngoại, ngoại giao là giữ vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Tiên phong trước hết cần thể hiện trong tư duy, nhận thức; tiên phong trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; tiên phong kiến tạo cơ hội để thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc; tiên phong trong kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là gắn kết sức mạnh cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước. Nguyên tắc nhất quán của đối ngoại là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc. Lợi ích cao nhất của quốc gia - dân tộc chính là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định. Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá. Độc lập, tự chủ đồng nghĩa với việc mọi quyết định phải trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc và các nguyên tắc chung của cộng đồng quốc tế. Cần kết hợp sức mạnh đất nước và điều kiện quốc tế thuận lợi để tạo cục diện có lợi cho môi trường an ninh, phát triển của đất nước, xác định nguồn lực bên trong là cơ bản, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, cần thiết. Độc lập, tự chủ là cơ sở để huy động ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo sức mạnh tổng hợp, qua đó giúp củng cố độc lập, tự chủ. Độc lập, tự chủ được hiểu một cách biện chứng, linh hoạt, trong đó hội nhập quốc tế là chấp nhận có nghĩa vụ, ràng buộc nhất định, nhưng luôn bảo đảm sự độc lập, tự chủ của quốc gia trên tất cả các mặt kinh tế và quốc phòng, an ninh và đối ngoại, văn hoá và xã hội. Phương châm triển khai công tác đối ngoại, ngoại giao là vận dụng nhuần nhuyễn và khéo léo bài học “dĩ bất biến ứng vạn biến”, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ giữa mục tiêu chiến lược với tính linh hoạt, uyển chuyển của sách lược tuỳ theo vấn đề, tuỳ từng thời điểm và đối tượng hay đối tác. Kiên trì mục tiêu “bất biến” là độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, kiên định mục tiêu xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng. “Vạn biến” trong phương cách thực hiện mục tiêu, linh hoạt, năng động thích ứng với môi trường khu vực và quốc tế, với các xu thế toàn cầu mới cũng như trong tìm kiếm biện pháp hoá giải các thách thức từ bên ngoài.

Việt Đông

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục