Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Những người không được nhìn thấy đất nước trong ngày ca khúc khải hoàn
Bài 2: Viết tiếp câu chuyện về hai người lính
Thứ sáu: 08:35 ngày 24/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chị Nguyễn Thị Dung, hiện ngụ huyện Tân Biên cho biết năm 1970, hai người anh trai của chị tham gia kháng chiến. Sau đó, cả hai anh đều không trở về. Một người có giấy báo tử của đơn vị, người còn lại không có giấy tờ gì, chỉ nghe tin là đã hy sinh tại một địa danh có tên gọi là Quảng Lợi.

Chị Dung thắp hương tại ngôi mộ mà chị nghĩ rằng là anh trai mình nằm dưới đó (ảnh chụp ngày 26.7.2019).

NỖI ĐAU CÒN MÃI…

Quê gốc của gia đình chị Dung ở Hà Đông, Hà Nội. Do những biến động của thời cuộc, của lịch sử đất nước, cha mẹ chị sang Campuchia sinh sống từ rất lâu. Tại nước này, cha mẹ chị Dung làm ăn khấm khá. Nơi gia đình cư trú, cộng đồng người gốc Việt rất đông.

Những năm 70 của thế kỷ XX, gia đình chị trở thành địa chỉ hỗ trợ cho cán bộ, chiến sĩ tham gia kháng chiến. Bà Nguyễn Thị Chi- mẹ chị Dung là người trực tiếp tiếp tế, nuôi quân, giúp đỡ cán bộ cách mạng. Bà làm việc này một cách bí mật.

Năm 1969, tại đất nước Chùa Tháp, hai người chị gái của chị Dung vào quân đội, hoạt động trong ngành Quân y. Phát hiện gia đình bà Chi có người tham gia kháng chiến, lực lượng thù địch tới nhà lục soát, dò xét, tra khảo và yêu cầu khai báo. Do không chịu khai báo, cha chị Dung bị quân địch dùng báng súng đánh trọng thương, rồi mất.

Sau khi cha chết, năm 1970, hai người anh trai của chị Dung tên là Nguyễn Văn Thức (thứ 6 trong gia đình) và Nguyễn Văn Bảy (thứ 7 trong gia đình) cũng gia nhập đội quân kháng chiến. Anh Thức lúc đó đang học tại một ngôi trường mang tên Hữu Nghị.

Theo trí nhớ của chị Dung, khoảng năm 1971-1972, khu vực nơi gia đình chị sinh sống bị ném bom dữ dội. Chị cũng bị thương trong một trận bom. Đúng lúc đó, lực lượng bộ đội người Việt đến dập lửa cứu dân. Tình hình lúc đó hỗn loạn đến mức, sau trận bom ấy, chị Dung và mẹ lạc mất nhau. Chị được bộ đội đưa vào chữa trị tại một cơ sở quân y có tên gọi là K53 (nay là Bệnh viện 175 của Bộ Quốc phòng). Tại đây, chị Dung may mắn gặp được chị gái của mình.

Ông Phạm Thành Rui, nhân chứng kể về trường hợp hy sinh của Nguyễn Văn Thức (ảnh chụp qua màn hình điện thoại).

Sau ngày 30.4.1975, chị Dung được chị gái cùng đơn vị đưa về TP. Hồ Chí Minh. Lúc này, mẹ con chị Dung hoàn toàn mất liên lạc với nhau. Mãi sau, mấy chị em mới biết mẹ mình cùng một số người thân được tổ chức cách mạng đưa về Việt Nam sống tại tỉnh Bình Dương.

Sinh sống tại Việt Nam một thời gian, gia đình chị Dung nhận tin báo anh Thức và anh Bảy hy sinh. Chứng kiến và trải qua nhiều đau thương, mất mát của gia đình, bà Chi phát bệnh rồi bỏ nhà đi lang thang. Những người con còn lại toả ra đi tìm mẹ nhưng không thấy. Mãi sau này, chị em chị Dung tìm thấy bà Chi trong chùa Vĩnh Nghiêm. Lúc này, đôi mắt của bà Chi đã mù loà…

Theo lời chị Dung, từ khi hai anh trai tham gia cách mạng, gia đình không nhận được tin tức nào. Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, những người trong gia đình mới nhận được tin rằng cả hai anh đều ở cùng một đơn vị có tên gọi Đoàn 180 thuộc Công an nhân dân vũ trang bảo vệ căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

Cả nhà cũng chỉ biết có vậy. Phải rất lâu sau ngày hoà bình lập lại, người chị của chị Dung công tác tại Bệnh viện 175 nhận được thông tin, thi hài của anh Thức được an táng tại một địa điểm thuộc tỉnh Long An. Mấy chị em lập tức xuống Long An tìm thì được báo tin, ngôi mộ này đã được Bộ Công an chuyển về Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên.

Cả nhà chị Dung đến nghĩa trang và tìm thấy đúng ngôi mộ mang tên anh mình nhưng lại mang họ Lê, không phải họ Nguyễn. Chị Dung tìm hiểu thì được biết, khi cất bốc ngôi mộ này, trên bia chỉ ghi có mỗi cái tên người mất, không có họ; trong khi đó, người cất bốc ngôi mộ là họ Lê.

Người này làm một động tác có tính tâm linh và xin người đã khuất cho phép ghi họ Lê. Kết quả, ngôi mộ của anh Thức mang họ Lê. Tuy nhiên, chị Dung cũng nói rằng, chị không chắc chắn người nằm dưới mộ là anh trai mình. Mặc dù vậy, hằng năm vào ngày 27.7 hay ngày lễ, tết, chị đều ra thắp hương và coi đó là anh mình.

Về phần anh Nguyễn Văn Bảy, chị Dung cho biết, gia đình chỉ biết tin anh hy sinh tại một nơi là Quảng Lợi, không rõ thuộc tỉnh, thành phố nào hiện nay, ngoài ra không có bất kỳ tin tức, manh mối gì. Chị Dung kể, gia đình nhận được giấy báo tử của anh Thức và cũng chỉ mới nhận được cách nay khoảng 5-6 năm.

Giấy báo tử của anh Thức ghi, nguyên văn: “Bộ Nội vụ, Bộ Tư lệnh công an nhân dân vũ trang, Tiểu đoàn II, số 49. Chúng tôi xin kinh báo đến bà Nguyễn Thị Chi ở 18, Dầu Tiếng, Thủ Dầu Một. Là cha mẹ ruột và thân nhân đồng chí Nguyễn Văn Thức, tự là Nguyễn Văn Hải, nhập ngũ năm 1970, Tiểu đội phó thuộc đơn vị C2 - D2. 

Đã hy sinh trong trận chiến đấu ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại Mỹ Hạnh - Hậu Nghĩa - Long An. Tập thể và đồng đội chúng tôi vô cùng thương tiếc đồng chí và sẽ tổ chức nhiều đợt chiến đấu, tiêu diệt nhiều địch để trả thù cho đồng chí và gia đình.

Nay chúng tôi chính thức báo tin đến gia đình và gửi lời chia buồn đến gia đình. Kính gửi: gia đình để biết ơn; chính quyền địa phương để được công nhận gia đình liệt sĩ. Ngày 21.7.1976, Tiểu đoàn II” (không đọc được tên người ký, vì chữ quá mờ - PV).

Trước khi nhận được giấy báo tử của anh Thức, chị Dung bỏ công sức, thời gian đi liên hệ nhiều nơi nhưng không tìm ra được manh mối nào về người anh của mình. Hiện, chị Dung còn giữ được hai tấm ảnh, một của anh Thức, một của anh Bảy. Trong hai tấm này, chị Dung cho biết, có một tấm ảnh của anh Thức chụp tại địa điểm nay là khu vực Xa Mát, xã Tân Lập, huyện Tân Biên.

HÀNH TRÌNH “TÌM LẠI TÊN ANH”

Trường hợp của anh Thức, anh Bảy vẫn còn nhiều nhân chứng- những người cùng thời sống bên Campuchia. Một trong số đó là ông Phạm Văn Quynh, sinh năm 1947, nguyên Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Tân Biên.

Trong giấy xác nhận, ông Quynh viết: “Năm 1970, tôi là Bí thư chi bộ đồn điền cao su Bến Két, trực thuộc Đảng bộ Việt kiều tỉnh Kongpongcham, Campuchia. Tôi xin chứng nhận đồng chí Nguyễn Văn Thức, sinh năm 1953, nhập ngũ năm 1970, thuộc đơn vị C2 - D2 - Bộ Tư lệnh công an nhân dân vũ trang…

Đồng chí Nguyễn Văn Thức hy sinh ngày 30.4.1975, có giấy báo tử của đơn vị nhưng bị thất lạc. Khi bà Nguyễn Thị Chi qua đời, không có người làm hồ sơ để cấp bằng Tổ quốc ghi công cho đồng chí Thức và gia đình để thờ cúng liệt sĩ.

Nhà bà Nguyễn Thị Chi có bốn người con tham gia quân đội, gồm Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Văn Thức và Nguyễn Văn Bảy. Chị Nguyễn Thị Dung là em ruột đồng chí Nguyễn Văn Thức. Tôi xin cam đoan những lời khai trên đây là đúng sự thật”.

Nhân chứng thứ hai viết giấy xác nhận cho anh Thức là ông Trần Văn Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên, hiện giữ chức Chủ tịch Hội Khuyến học Tân Biên. Trong giấy xác nhận, ông Thanh cam kết, bà Nguyễn Thị Dung là em ruột của anh Nguyễn Văn Thức (hy sinh, có giấy báo tử). Sau năm 1973, gia đình chị Dung được đưa về sống tại vùng giải phóng ở miền Nam (huyện Tân Biên).

Sau khi báo đăng câu chuyện nêu trên, chị Nguyễn Thị Dung đã sang tỉnh Bình Dương để hỏi chính quyền sở tại (theo địa chỉ ghi trong giấy báo tử) để hỏi xem chính quyền nơi đây đã bao giờ làm thủ tục hay trợ cấp gì cho mẹ mình- bà Nguyễn Thị Chi với tư cách mẹ liệt sĩ hay chưa.

Kết quả, chính quyền địa phương xác nhận, bà Nguyễn Thị Chi từng có thời gian sinh sống ở địa chỉ ghi trong giấy báo tử của người con trai, chính quyền cũng chưa từng thực hiện chính sách, chế độ gì đối với bà Chi (lúc còn sống).

Sau đó, theo yêu cầu, chị Nguyễn Thị Dung làm lại hồ sơ về anh trai mình- Nguyễn Văn Thức để nộp cho UBND thị trấn Tân Biên. Ngày 19.7.2020, đại diện Ban Chỉ huy Quân sự huyện cho biết, cơ quan này đang hoàn thiện hồ sơ về trường hợp quân nhân Nguyễn Văn Thức và sẽ nộp về cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Theo ý kiến này, Nguyễn Văn Thức đã có giấy báo tử, đây là căn cứ quan trọng để cấp bằng Tổ quốc ghi công. Nhưng khi nào được cấp thì phải chờ các cấp thẩm quyền xem xét quyết định.

Cũng ngày 19.7.2020, thêm một nhân chứng lên tiếng về trường hợp Nguyễn Văn Thức. Nhân chứng này tên Phạm Thành Rui, 71 tuổi, hiện ngụ tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Ông Rui xác nhận, trong thời kỳ chiến tranh, ông và Nguyễn Văn Thức cùng chung một trung đội nhưng hai người ở hai tiểu đội khác nhau, anh Thức ở tiểu đội 9, ông Rui tiểu đội 7.

Tất cả đơn vị vừa kể thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 180 An ninh nhân dân vũ trang (sau này là Bộ đội Biên phòng). Thời điểm tổng tấn công mùa Xuân 1975, Nguyễn Văn Thức cùng nhiều người tham gia trận đánh ở Hậu Nghĩa, đúng như thông tin ghi trong giấy báo tử.

Riêng ông Rui cùng một số người tiếp tục ở lại khu vực rừng Lò Gò, huyện Tân Biên, không tham gia trận đánh. “Ngoài Nguyễn Văn Thức, người đại đội trưởng kiêm chính trị viên của tôi cùng với mười mấy người nữa cũng hy sinh trong trận này. Anh em có đi tìm xác nhưng không thấy”- ông Rui kể.

Ông Rui cho biết, ở Long An còn có ba cựu chiến binh ngụ huyện Cần Đước, trong đó có một người mang cấp hàm đại tá cũng biết người lính Nguyễn Văn Thức. Theo ông Rui, không chỉ ông mà ba đồng đội khác cũng sẵn sàng xác nhận cho trường hợp Nguyễn Văn Thức.

Đối với trường hợp Nguyễn Văn Bảy (em ông Nguyễn Văn Thức), ông Rui kể rằng ông có nghe nói người này mất sau ngày 30.4.1975. Còn theo lời kể của chị Nguyễn Thị Dung (em gái ruột) thì cách nay ít lâu, chị có nhận được thông tin anh trai mình mất tại tỉnh Bình Phước ngay sau chiến tranh. Người này qua đời khi lái xe đi thu chiến lợi phẩm (vũ khí) và chiếc xe bất ngờ phát nổ. Tuy vậy, đây chỉ là thông tin ban đầu, chưa xác minh được.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục