Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chiến thắng 30.4.1975 trở thành điểm khởi đầu cho một hành trình mới mang tên khát vọng phát triển hùng cường và thịnh vượng.

Thế nhưng, những người chiến sĩ đã đi qua cuộc chiến tranh khốc liệt ấy đã không cầm được nước mắt khi 50 năm sau trở về chiến trường xưa, được hoà vào sự hùng cường, thịnh vượng của cả dân tộc.
Nước mắt những người anh hùng
Sáng 30.4, trên hàng ghế danh dự của đại lễ kỷ niệm tại Thành phố Hồ Chí Minh, khi bài hát “Viết tiếp câu chuyện hoà bình” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cất lên: “Xin tri ân những người chiến sĩ quên đi niềm riêng, quên đi cả bản thân mình”, chúng tôi bắt gặp khoảnh khắc một người cựu chiến binh, tóc bạc, tay run run lau đi giọt nước mắt còn vương trên mắt- đó là Đại tá Nguyễn Văn Tàu, bí danh Tư Cang, chiến sĩ tình báo huyền thoại, người đã sống 28 năm trong bóng tối của nội thành Sài Gòn để bảo vệ ánh sáng của cách mạng.
Trong hồ sơ mật của địch, ông chỉ là một cái bóng: “Người trắng, cao, bắn súng hai tay, thích văn nghệ. Quê quán: chưa xác định. Gia đình: chưa xác định”.
Ông Tư Cang là người điều hành cụm tình báo chiến lược H.63, nơi sản sinh những huyền thoại như Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo… Trong gần ba thập kỷ, ông đổi tên, đổi nhà, đổi thân phận, sống dưới hàng chục lớp vỏ bọc và chưa một lần để lộ mình đã có vợ, có con, có mái ấm ngay giữa lòng Sài Gòn. Chỉ đến tối 30.4.1975, khi chiến tranh kết thúc, ông mới quay trở về.
Có lẽ rằng vì là người đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Chứng kiến sự tàn ác của chiến tranh và bao người đồng đội đã ngã xuống mà người chiến tình báo ấy đã lặng lẽ lau nước mắt khi câu hát “Xin tri ân những người chiến sĩ quên đi niềm riêng, quên đi cả bản thân mình” vang lên.
Theo dõi chương trình qua màn hình led, chị Mai Trang đã không khỏi xúc động khi thấy hình ảnh ấy. Chị cho biết: “Tôi đã từng nghe câu chuyện về bác Tư Cang qua những thước phim tài liệu, qua sách báo.
Biết đến sự kiên cường, mưu trí của bác và của những người lính tình báo năm xưa nhưng khi câu hát ấy vang lên, bác Tư Cang khóc thì tôi và mọi người lặng người và nói với nhau bác khóc vì đồng đội của mình và vì hoà bình độc lập. Chúng con xin hứa sẽ viết tiếp câu chuyện hoà bình bằng sự cố gắng, nỗ lực của bản thân mình”.
Chị Kim Phượng lặng lẽ ôm di ảnh của người bác - liệt sĩ Bùi Quốc Thái để được chứng kiến hoà bình, độc lập của dân tộc.
Trở về Thành phố Hồ Chí Minh sau 50 năm, nhìn những chiếc trực thăng mang cờ Việt Nam tung bay phấp phới, ông Nguyễn Đình Thuận- cựu chiến binh của đơn vị pháo binh F400, hiện đang sinh sống tại thành phố Hà Nội đã không khỏi xúc động. Đôi mắt rưng rưng, ông nói: “Hoà bình đẹp quá, đất nước mình đẹp quá. Trong chiến thắng ấy có sự góp sức của tôi và những người đồng đội đã ngã xuống”.
Hoà trong dòng người chào đón thời khắc kỷ niệm ngày đất nước thống nhất, chị Kim Phượng, ngụ quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh thất thần ngồi ôm di ảnh của người bác- liệt sĩ Bùi Quốc Thái, hy sinh năm 1973 tại Bình Định. Sau 52 năm hy sinh, đến nay hài cốt của liệt sĩ Thái vẫn chưa được tìm thấy.
Chị Phượng xúc động: “Bác ơi! Đất nước hoà bình thật rồi bác ạ. Bác đã nhìn thấy hoà bình chưa bác? Hoà bình đẹp lắm phải không bác? Con đưa bác đi xem đất nước mà bác lấy thân mình bảo vệ đẹp làm sao. Cảm ơn bác, cảm ơn những người lính Bộ đội Cụ Hồ”.
Ngồi phía đối diện, theo dõi lễ diễu binh, anh Lê Hải đã không khỏi xúc động, lau giọt nước mắt nói: “Sau 50 năm thống nhất đất nước, nhưng vẫn còn những người chiến sĩ đã ngã xuống mà hài cốt chưa được tìm thấy. Đây có lẽ là trăn trở không chỉ của người thân trong gia đình mà còn là trăn trở của thế hệ hôm nay. Xin cho tôi được cảm ơn những anh hùng, liệt sĩ đã không tiếc máu xương vì độc lập tự do của dân tộc”.
Khóc nơi “lịch sử không ngủ quên”
Trong không khí rộn ràng của lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều người tìm đến các bảo tàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như một cách để nhìn lại lịch sử, lắng nghe ký ức và thầm tri ân những hy sinh đã làm nên ngày hoà bình hôm nay.
Tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh, không cần thuyết minh viên, từng bức ảnh, từng mảnh bom, từng dòng mô tả khắc lên tim người xem một cảm xúc không thể gọi tên. Bức ảnh “Em bé Napalm” Phan Thị Kim Phúc chạy giữa đường Trảng Bàng - Tây Ninh vẫn còn đó; phòng giam giả lập kiểu “chuồng cọp” nằm lặng im một góc; hình ảnh nỗi đau chất độc màu da cam… tất cả như nói thay tiếng khóc của những năm tháng đầy máu và nước mắt.
Ông Steven Payne- một du khách đến từ Australia đã không khỏi xúc động khi nhìn thấy sự tàn khốc của chiến tranh, sự kiên cường, quật khởi của người dân Việt Nam. Ông Payne nói: “Chiến tranh thật tàn khốc, nhìn những em bé mặt hoảng hốt tháo chạy trên đường, người mẹ ôm con trong tay cho con bú trước khi bị xử tử… tôi đã khóc. Tôi từng đọc về chiến tranh Việt Nam, nhưng khi đến đây, được nhìn con người Việt Nam anh dũng tôi mới hiểu ra: hoà bình không phải thứ tự nhiên mà có. Người Việt Nam rất kiên cường”.
Không xa trung tâm, Bảo tàng lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh những ngày này càng đông người đến tham quan, đặc biệt là các đoàn cựu chiến binh và học sinh. Nơi đây lưu giữ những dấu ấn của Chiến dịch Hồ Chí Minh- đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc bằng sự kiện ngày 30.4.1975 - giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bảo tàng được chia thành nhiều không gian: Từ kế hoạch chiến lược, bản đồ tác chiến, cho đến các hiện vật vũ khí, thư tay, khẩu lệnh, và cả những dòng nhật ký của người lính. Mô hình cán bộ ta bàn kế hoạch tác chiến… được dựng lại đầy ấn tượng. Một chiếc máy bộ đàm cũ kỹ đặt trong tủ kính, từng là phương tiện truyền lệnh thần tốc trong giờ phút lịch sử cuối cùng.
Cựu chiến binh Mai Văn Đường (ngụ quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội) trong chuyến thăm Bảo tàng lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh đã lặng lẽ đứng trước khu trưng bày hình ảnh Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Đôi mắt của ông đỏ hoe khi nói về những người đồng đội của mình đã ngã xuống chỉ vài phút trước khi Dương Văn Minh đầu hàng, hoà bình được lập lại trên mảnh đất hình chữ S.
Chỉ tay vào tấm hình trắng đen với dòng chú thích Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 đánh chiếm Trường Sĩ quan Thiết giáp tại căn cứ Nước Trong ngày 28.4.1975, ông Đường cho biết đó là đơn vị của ông. Vào đúng 17 giờ ngày 26.4, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Pháo binh của Quân đoàn 2, Quân đoàn 4 và Quân khu 7 đồng loạt nổ súng trút bão lửa vào Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hoà, Nước Trong, Long Thành, Ðức Thạnh, Bà Rịa... Mũi Sư đoàn 304 của ông Đường tiến công trường thiết giáp, trong vòng chưa đầy 2 giờ, Sư đoàn chiếm được nơi đây, một phần của căn cứ Nước Trong. Sáng 28.4, Quân đoàn 2 dứt điểm căn cứ Nước Trong, diệt và bắt gần 3.000 tên, đóng góp không nhỏ cho chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
“Thời gian đó, chúng tôi sống và chiến đấu chỉ với một niềm tin giản dị: đất nước phải thống nhất, nhân dân phải được sống trong hoà bình. Nhưng có những người đã nằm lại trên đèo cao, rừng sâu. Có những người vẫn mãi chưa được quy tập về với đồng đội”- ông Đường lặng người nói.
Ngày 30.4.1975 không chỉ là ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn là biểu tượng của khát vọng hoà bình. Những bước chân đi qua bảo tàng, những ánh mắt đỏ hoe trước tấm ảnh người mẹ ôm xác con, những ánh mắt tự hào bên bản đồ hành quân - tất cả là những lời nhắc nhở âm thầm nhưng bền bỉ: quá khứ không bao giờ được quên, và hoà bình phải luôn được giữ gìn như một báu vật.
Từ những bức tường im lặng của bảo tàng, chúng ta nghe rõ hơn bao giờ hết: Hoà bình là điều thiêng liêng nhất. Và đôi khi, lịch sử không cần nói lớn - chỉ cần một nơi để lặng lẽ mà nhớ.
Vũ Nguyệt
(còn tiếp)