Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tây Ninh trên hành trình xây dựng nông thôn mới
Bài 2: Vùng biên chuyển mình
Thứ hai: 08:21 ngày 13/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Điểm nổi bật nhất sau 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Tây Ninh là 20/20 xã biên giới đều đã hoàn thành xây dựng NTM và đang trên đà xây dựng NTM nâng cao.

Ông Dương Văn Lượng bên đàn bò của gia đình.

Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp đối với sự nghiệp phát triển ở khu vực biên giới, vừa là nâng cao đời sống thu nhập của người dân nông thôn, vừa củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc ở biên giới.

Xã nghèo “thay áo” mới

Hơn 10 năm về trước, khi nhắc đến xã Tân Đông, ai cũng nghĩ tới mảnh đất nghèo khó nơi biên cương. Đường sá đi lại hết sức khó khăn, đời sống người dân thiếu thốn đủ bề, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mang nặng tính tự cung tự cấp.

Năm 2020, xã Tân Đông được công nhận đạt chuẩn NTM. Theo UBND xã Tân Đông, để thành công trong xây dựng nông thôn mới, ngoài việc phát huy tối đa các nguồn lực từ Trung ương, địa phương trong đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu thì nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân đã được Đảng uỷ, chính quyền địa phương quan tâm, triển khai các chương trình hỗ trợ giảm nghèo, giải ngân các nguồn vốn vay hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.

Đặc biệt, địa phương quan tâm tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị; chọn đầu tư những cây trồng, vật nuôi chủ lực theo hướng giảm giá thành, gắn sản xuất với tiêu thụ, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản thông qua việc ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào trong sản xuất.

Hoạt động từ năm 2021, hiện nay hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và Thương mại dịch vụ Thiên Phú đang triển khai mô hình chăn nuôi dê sinh sản và bò vỗ béo theo quy mô trang trại khép kín, qua đó đàn vật nuôi được chăm sóc và kiểm soát bệnh tật tốt, nhờ vậy hiệu quả chăn nuôi cũng tăng cao.

Những cánh đồng xanh ngát ở xã biên giới Phước Chỉ.

Ông Bùi Danh Quân- Giám đốc HTX cho biết: “Chúng tôi học hỏi nhiều rồi thì thấy phải chăn nuôi quy mô lớn mới phát huy hiệu quả. Hiện nay, mỗi đợt chúng tôi nuôi từ 200 – 300 con dê, bò cũng đang tăng số lượng”.

Bên cạnh đó, với phương châm “Lấy sức dân để lo cho dân”, xã Tân Đông tích cực vận động nhân dân góp sức người, sức của, cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới và được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.

Ông Dương Văn Ngọ, ngụ ấp Đông Hà là người đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn tại địa phương cho biết, ban đầu con đường chỉ rộng khoảng 3m, người dân vận chuyển nông sản rất khó khăn.

“Khi xã mở rộng đường lên 6m thì tôi hiến hơn 1.000m2, khi thấy tôi hiến đất thì các hộ phía trong cũng ủng hộ. Nhờ vậy mà con đường bây giờ là rộng 6m nên  xe ô tô tải lớn vào được, vận chuyển nông sản, phân tro thuận lợi nên là bà con rất phấn khởi” - ông Ngọ chia sẻ.

Từ những kết quả đạt được, xã Tân Đông đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tiến tới xây dựng nông thôn kiểu mẫu. Qua rà soát, đến cuối năm 2022, xã đã có 7 chỉ tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 

Chăn nuôi trang trại quy mô lớn là mô hình giúp nhiều người ở xã Tân Đông thoát nghèo.

Đời sống nhân dân được nâng lên

Điểm cốt yếu của xây dựng nông thôn mới là đời sống người dân được nâng lên cả về vật chất và tinh thần. Vì vậy, xác định lợi thế, tổ chức lại sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu mà Tây Ninh đã và đang thực hiện.

Từ khi triển khai thực hiện xây dựng NTM, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển ở các địa phương vùng biên. Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng qua 12 năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của tỉnh, trong đó có vùng biên đã khoác lên một diện mạo mới khang trang, sạch, đẹp. Thu nhập bình quân đầu người tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm.

Điều đó thể hiện sự đồng lòng và quyết tâm của người dân cùng chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình trên tuyến biên giới, góp phần xây dựng vùng biên vững mạnh.

Xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng được bao bọc bởi hệ thống sông, rạch, phần lớn người dân sống bằng nghề nông, đời sống còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, từ khi bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM, không chỉ bộ mặt nông thôn của địa phương ngày một khởi sắc, đổi thay mà đời sống người dân cũng ngày một được nâng lên.

Năm 2020, xã Phước Chỉ được công nhận đạt chuẩn NTM với thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 59,2 triệu đồng/người/ năm, thì chỉ sau 2 năm thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 80 triệu đồng/người/năm.

Có được thành quả này là nhờ Đảng ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng và phát triển bền vững”, tăng cường hỗ trợ liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Trường Giang- Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp nuôi trồng thuỷ sản Tràm Cát cho biết: “Xây dựng NTM, đường xá ở địa phương đi lại thuận tiện hơn rất nhiều, nếu trước đây chúng tôi phải trung chuyển thủy sản nhiều lần mới ra được đến chợ thì nay chúng tôi chuyển hàng rất dễ dàng,  tiêu thụ ổn định hơn. Nhờ vậy mà thu nhập của thành viên HTX cũng tăng cao”.

Ông Dương Văn Lượng, ngụ ấp Phước Mỹ cũng cho biết: Từ khi xã xây dựng NTM, đường giao thông, điện lưới quốc gia, trường học... được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư. Nhờ vậy mà việc vận chuyển nông sản, kinh doanh buôn bán của người dân thuận tiện hơn. Việc học tập, khám chữa bệnh, văn hoá thể thao cũng ngày một được nâng cao.

Nhờ chung tay thực hiện chương trình xây dựng NTM, những năm qua diện mạo nông thôn ở Tây Ninh có nhiều khởi sắc. Từ những kết quả  đạt được, các địa phương tăng cường triển khai các giải pháp phát triển đồng bộ và bền vững trên tất cả các lĩnh vực, qua đó làm cơ sở phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Vũ Nguyệt

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục