Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch-những vấn đề cần quan tâm
Bài 2: Xuất nhập khẩu - động lực tăng trưởng kinh tế
Thứ hai: 01:00 ngày 04/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các sở, ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh đánh giá xuất khẩu có thể tiếp tục tăng trưởng nhờ các hiệp định thương mại tự do. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp được cơ quan quản lý, doanh nghiệp triển khai đồng bộ nhằm gia tăng kim ngạch, tăng tốc xuất khẩu.

Công nhân làm việc tại một công ty dệt may trên địa bàn huyện Bến Cầu.

Còn đó những khó khăn chung

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với những khó khăn, thách thức, đặc biệt là các doanh nghiệp phụ thuộc thị trường nước ngoài.

Tháng 9.2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khá so tháng trước khoảng 13,4%, nhưng giảm mạnh so với tháng cùng kỳ năm 2020 do dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong 9 tháng năm 2021, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm nhẹ so với cùng kỳ 2020.

Dù cơ quan Nhà nước tạo điều kiện và doanh nghiệp rất nỗ lực trong việc thực hiện phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, khó áp dụng trong thời gian dài; một phần là người lao động không thể đồng hành lâu dài cùng doanh nghiệp vì còn nghĩa vụ với gia đình, mặt khác, việc thực hiện “3 tại chỗ” đẩy chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng cao.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu dùng trên thế giới và trong nước sụt giảm nghiêm trọng, số lượng các đơn hàng giảm gần 40%. Nhiều doanh nghiệp phải sắp xếp lại lao động, chủ động tìm nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu từng bước ổn định lại sản xuất khi dịch bệnh được kiềm chế. Nhiều doanh nghiệp cho biết, nếu trước đây các đơn hàng doanh nghiệp nhận trước từ 3 - 6 tháng, thì hiện tại, đơn hàng may mặc gần như chậm lại.

Theo một công ty may mặc (KCN Thành Thành Công, thị xã Trảng Bàng), sản phẩm may mặc phần lớn phụ thuộc vào thị trường thế giới. Khi dịch bệnh bùng phát, phía đối tác cũng hạn chế nhập khẩu sản phẩm. Để duy trì sản xuất, công ty bố trí công nhân làm việc tại chỗ và mở rộng khâu tiêu thụ sản phẩm ở các nước khác. Bởi thực tế, nếu không duy trì việc làm cho lao động, đến khi kiểm soát được dịch bệnh, việc thu hút lao động trở lại sẽ gặp khó khăn.

Trước những khó khăn do dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may tìm hướng đi riêng, thay đổi cơ cấu sản xuất, tăng cường liên kết chuỗi trong sản xuất để các đơn vị trong chuỗi cùng ổn định và phát triển.

Trước thời điểm dịch Covid bùng phát tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, Tây Ninh có 268 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh với khoảng 133.693 lao động. Khi dịch xuất hiện trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, có 168 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất “3 tại chỗ” với tổng số lao động 42.000 người. Tính từ đầu dịch đến nay, có 112 doanh nghiệp ngừng hoạt động và khoảng 106.693 lao động nghỉ việc.

Triển khai các giải pháp, tháo gỡ khó khăn

Theo đại diện Công ty TNHH may mặc First Team Việt Nam (KCN Thành Thành Công, thị xã Trảng Bàng): “Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh luôn tích cực hỗ trợ cho hoạt động của công ty. Đặc biệt, trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để công ty mua nguyên vật liệu sản xuất, kinh doanh”.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn. Trong đó, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, nâng cao tay nghề đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các ngành hàng xuất khẩu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp tiếp cận với các thị trường mới, tiềm năng...

Sở khuyến cáo doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các chính sách của Nhà nước để sớm tiếp cận với chính sách mới, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; chủ động tổ chức lại sản xuất, đa dạng hoá nguồn nguyên liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ… bảo đảm sản xuất kinh doanh ổn định.

Theo Cục Hải quan Tây Ninh, để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thông quan hàng hoá cho cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19, Cục Hải quan tỉnh chỉ đạo cho các Chi cục Hải quan trực thuộc triển khai, niêm yết công khai nội dung Thông tư số 47/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ và hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hoá nhập khẩu áp dụng trong giai đoạn dịch viêm đường hô hấp cấp gây ra bởi virus Corona tại trụ sở cơ quan Hải quan nơi đăng ký thủ tục hải quan, đồng thời thông báo đến cộng đồng doanh nghiệp biết.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư 38/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính, người khai hải quan phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá (gọi tắt là C/O) tại thời điểm làm thủ tục hải quan để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định; trường hợp chưa có C/O tại thời điểm làm thủ tục, người khai hải quan phải nộp thuế theo thuế suất nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc (MFN) hoặc thông thường.

Hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền cấp C/O nước xuất khẩu đều truyền C/O điện tử thông qua cơ chế một cửa ASEAN đến Hải quan Việt Nam, hoặc cung cấp cổng thông tin để cơ quan Hải quan tra cứu chứng từ và giải quyết hồ sơ.

Những thuận lợi trên đã giúp cho cộng đồng doanh nghiệp được kéo dài thời gian chậm nộp C/O để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt lên đến 180 ngày, giảm bớt chi phí đi lại và còn giúp hoạt động nghiệp vụ của cơ quan Hải quan thuận lợi rất nhiều trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, Cục Hải quan Tây Ninh còn thành lập các tổ nghiệp vụ theo dõi ảnh hưởng của dịch Covid 19 và xử lý những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan theo thẩm quyền.

Nhi Trần

Tây Ninh đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn để duy trì và khôi phục sản xuất sớm nhất trong tình hình mới, hỗ trợ doanh nghiệp được nhập khẩu nguyên vật liệu kịp thời, bảo đảm không bị đứt gãy chuỗi sản xuất.

Cụ thể, ngành Giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận chuyển tiêu thụ hàng hoá trong nước cũng như xuất khẩu. Ngành Điện lực tiếp tục duy trì công tác cung cấp điện an toàn, ổn định, bảo đảm đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng; tiếp tục thực hiện giảm giá điện, tiền điện cho các khách hàng để đẩy mạnh việc tái sản xuất.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Tây Ninh tiếp tục chỉ đạo, giám sát các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất, giãn nợ. Các ngân hàng thương mại cần có cơ chế giãn nợ, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, giúp cho doanh nghiệp duy trì sản xuất; đẩy mạnh giải ngân các gói cho vay ưu đãi cho doanh nghiệp; tiếp tục triển khai các gói vay ưu đãi khác cho doanh nghiệp.

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục