Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sau 10 năm thực hiện Kết luận 16, công tác thông tin đối ngoại đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Những bước tiến và đột phá thể hiện ở sự thống nhất về tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, đồng bộ khi triển khai và nhịp nhàng, hài hoà trong phối hợp.
Đại sứ Đặng Đình Quý cắm Quốc kỳ Việt Nam vào hàng cờ của các nước Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 2.1.2020
“… Ông cha ta đã luôn luôn chú trọng hoạt động đối ngoại, tạo dựng nên những truyền thống và bản sắc riêng, rất độc đáo của nền ngoại giao và hoạt động đối ngoại Việt Nam: Đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hoà hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân mà thay cường bạo!”; “Dập tắt muôn đời lửa chiến tranh/ Mở nền muôn thủa thái bình!” (“Bình Ngô đại cáo” - Nguyễn Trãi)”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến những biến động to lớn, phức tạp của thế giới và khu vực. Mặc dù hoà bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, song những thay đổi nhanh chóng, đa chiều, chưa từng có tạo ra những thuận lợi xen lẫn khó khăn, thách thức đối với sự phát triển của mỗi quốc gia- đặc biệt là các quốc gia vừa và nhỏ, trong đó có Việt Nam. Thực tế chứng minh, chiến tranh không chỉ bom rơi đạn nổ, kỷ nguyên công nghệ số còn cho ra đời loại hình chiến tranh thông tin.
THẾ GIỚI NGHE THẤY, BIẾT ĐẾN VIỆT NAM
Đóng góp vào thành công to lớn đó có vai trò quan trọng của công tác thông tin đối ngoại. Kể từ năm 1945 lịch sử, khi bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được phát đi trên sóng của Đài phát sóng Bạch Mai (Hà Nội) bằng hai thứ tiếng nước ngoài là tiếng Anh và tiếng Pháp, đánh dấu bản tin đối ngoại đầu tiên của nước Việt Nam tự do, độc lập, vang vọng khắp năm châu, mang theo khát vọng cháy bỏng của cả một dân tộc, cổ vũ và hiệu triệu lương tri của nhân dân yêu chuộng hoà bình và công lý trên toàn thế giới.
Từ đó đến nay, thông tin đối ngoại đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong tư tưởng và công tác đối ngoại, đóng góp tích cực vào việc nâng cao vị thế, uy tín chính trị quốc tế của Việt Nam; phục vụ nhiệm vụ bảo vệ và phát triển đất nước, đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Nhận thấy rõ sự cần thiết, tính thiết yếu của công tác thông tin đối ngoại, Đảng và Nhà nước đã sớm quan tâm, tạo điều kiện để không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin.
Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá VII) ban hành Chỉ thị số 11/CT-TW ngày 13.6.1992 về “Đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại”. Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) ban hành Chỉ thị 26-CT/TW ngày 10.9.2008 về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới”.
Tiếp theo, ngày 14.2.2012, Bộ Chính trị (khoá XI) ban hành Kết luận số 16-KL/TW về “Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020”. Kết luận 16 đánh dấu lần đầu tiên Đảng ta có chiến lược về công tác thông tin đối ngoại, khẳng định sự cần thiết cần phải đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, sức chiến đấu của công tác thông tin đối ngoại đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Sau 10 năm thực hiện Kết luận 16, công tác thông tin đối ngoại đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Những bước tiến và đột phá thể hiện ở sự thống nhất về tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, đồng bộ khi triển khai và nhịp nhàng, hài hoà trong phối hợp.
Trước hết, công tác thông tin đối ngoại có được sự định hướng, chỉ đạo tổng thể, thống nhất, xuyên suốt trong cả hệ thống chính trị, đồng bộ và hiệu quả trên tất các lĩnh vực. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thông tin đối ngoại ngày càng hoàn chỉnh.
Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin đối ngoại, quy định thẩm quyền và trách nhiệm cụ thể của các ban, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương. Việc thành lập ban chỉ đạo ở một số ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã nâng cao hiệu quả trong chỉ đạo, phối hợp định hướng, đặc biệt là trong xử lý thông tin về các vấn đề quan trọng, nhạy cảm, phức tạp, mới nảy sinh.
Từ đó, nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác thông tin đối ngoại được nâng cao, coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng. Đó là yếu tố then chốt góp phần nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm công tác thông tin đối ngoại. Chính sự thống nhất đó đã tạo nên một chất keo gắn kết mạng lưới thông tin đối ngoại từ trong đến ngoài nước, tạo nên hiệu ứng lan toả thông tin thông suốt, hiệu quả và rộng khắp.
Nội dung thông tin đối ngoại cơ bản có sự đổi mới, phong phú và thực chất hơn, được thể hiện dưới nhiều hình thức bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Việc triển khai thông tin theo từng năm, từng giai đoạn với kế hoạch, chương trình cụ thể thể hiện rõ tính tiên phong, phương châm “đi trước mở đường”, kiến tạo môi trường dư luận trong và ngoài nước thuận lợi cho các công tác, hoạt động đối ngoại của ta.
Trong bối cảnh không gian thông tin đa chiều, công tác thông tin đối ngoại là bệ phóng, là tiếng chuông để mọi người dân trong và ngoài nước, cũng như bạn bè quốc tế nghe thấy, biết đến, hiểu rõ chủ trương, quan điểm chính thức của Đảng và Chính phủ ta- nhất là chính sách đối ngoại, các vấn đề quốc tế và khu vực; giới thiệu đến bạn bè quốc tế một Việt Nam đổi mới, giàu tiềm năng, chính trị ổn định, luôn nỗ lực vì hợp tác, hoà bình trên thế giới và khu vực.
Nội dung thông tin đối ngoại không dừng lại ở việc lan toả thông tin tích cực của Việt Nam ra thế giới mà còn truyền tải kinh nghiệm, tinh hoa văn hoá nhân loại được tiếp thu có chọn lọc vào Việt Nam.
Từ đó, chủ động đấu tranh ngăn chặn thông tin độc hại, tư tưởng sai trái từ bên ngoài. Đáng chú ý, thông tin, tuyên truyền những đánh giá, bình luận tích cực của dư luận quốc tế về đất nước, con người Việt Nam, về môi trường kinh tế, thu hút đầu tư; những dấu ấn của Việt Nam trên các lĩnh vực từ nghiên cứu khoa học, y tế, đến văn hoá, thể thao trên trường quốc tế.
Một trong những thành tựu nổi bật của công tác thông tin đối ngoại thời gian qua là sự tham gia của nhiều thành phần, lực lượng, tổ chức trong và ngoài nước- nhất là sự tham gia của quần chúng nhân dân trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Có thể khẳng định, việc triển khai tích cực Kết luận 16 góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong 10 năm qua. Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, theo đánh giá của các cơ quan quản lý, vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển nhanh chóng của tình hình trong nước và quốc tế cũng như yêu cầu, nhiệm vụ của giai đoạn mới.
Nổi bật như năng lực phân tích, dự báo, chủ động chiếm lĩnh mặt trận dư luận chưa thực sự đáp ứng được những chuyển biến nhanh chóng và khó lường của tình hình quốc tế. Trước những vấn đề lớn, phức tạp, mới nảy sinh còn chậm, công tác thông tin đối ngoại có lúc còn bị động, lúng túng, chưa có phương án thông tin tuyên truyền mang tính chiến lược.
Nội dung, phương thức thông tin, tuyên truyền chưa tiếp cận được với nhiều nhóm đối tượng người nước ngoài, chưa thực sự tạo được chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân một số nước về Việt Nam.
KHÔNG ĐỂ BỊ KÍCH ĐỘNG
Trước tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, thông tin đối ngoại cần đổi mới mạnh mẽ tư duy cả về mục tiêu, quan điểm, nội dung và phương thức, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.
Công tác thông tin đối ngoại cần phát huy vai trò là lực lượng “tiên phong” trong công tác tư tưởng, đối ngoại, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài của cả hệ thống chính trị với mục tiêu bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, phục vụ nhiệm vụ củng cố môi trường hoà bình, ổn định, giữ vững trật tự an toàn xã hội, an ninh và chủ quyền đất nước. Tranh thủ tối đa mọi nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước, là cầu nối đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới và mang tinh hoa thế giới về với Việt Nam; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
“Bám sát và quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế và nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện cơ chế phối hợp, kiểm tra, giám sát, đánh giá, khen thưởng và phân vai trách nhiệm cụ thể giữa các lực lượng thông tin đối ngoại ở Trung ương, địa phương, cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, phải nhận thức sâu sắc, quán triệt đầy đủ quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về thông tin đối ngoại, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Từ đó, xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện, huy động tối đa nguồn lực để triển khai hiệu quả công tác thông tin đối ngoại. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức bộ máy từ trung ương đến cơ sở.
Huy động mọi nguồn lực trên cả ba phương diện nhân lực, vật lực và tài lực trong nước và nước ngoài, phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại, trong đó đặc biệt là quảng bá hình ảnh đất nước”- lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo như thế tại hội nghị toàn quốc về công tác thông tin đối ngoại.
Công tác thông tin đối ngoại đòi hỏi lực lượng cán bộ có trình độ chuyên môn, có tầm nhìn sâu rộng, khả năng thích ứng với sự phát triển của công nghệ thông tin, khả năng thuyết phục và am tường về công luận quốc tế.
Vì vậy, cần có cơ chế thu hút và đãi ngộ nhân tài, người có năng lực, thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng, tạo mọi điều kiện thuận lợi về tài chính, cơ sở vật chất, môi trường công tác, hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ cán bộ phát huy hết năng lực.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Bảo đảm tính chủ lưu của dòng thông tin tích cực; kiên quyết khắc phục tình trạng các cơ quan báo chí trong nước đăng tải các thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, không để báo chí nước ngoài khai thác, lợi dụng, kích động dư luận.
Việt Đông