Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp - Tây Ninh thực hiện như thế nào?
Bài 3: Đã qua cảnh "chợ chiều"
Thứ hai: 14:10 ngày 14/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Suốt thời gian dài, mô hình trung tâm giáo dục thường xuyên lâm vào cảnh “chợ chiều” vì quá ít học sinh theo học, thậm chí, có đơn vị số giáo viên còn đông hơn học sinh.

“Phát triển giáo dục thường xuyên đa dạng về nội dung và hình thức, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân… Tiếp tục phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, gắn với thị trường lao động, chú trọng cả số lượng, cơ cấu, chất lượng đào tạo, quan tâm công tác đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động để thích ứng với sự thay đổi của nhu cầu thị trường và công nghệ sản xuất.

Tăng cường định hướng nghề nghiệp cho thanh thiếu niên ngay từ bậc học phổ thông, đẩy mạnh phân luồng, tăng số lượng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp; thực hiện đào tạo nghề, dạy văn hoá, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quan tâm đầu tư, phát triển một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngành, nghề đào tạo đạt trình độ tương đương với khu vực và thế giới” - Kết luận 91 của Bộ Chính trị yêu cầu như trên.

“Hồi sinh” và không muốn sáp nhập

Suốt thời gian dài, mô hình trung tâm giáo dục thường xuyên lâm vào cảnh “chợ chiều” vì quá ít học sinh theo học, thậm chí, có đơn vị số giáo viên còn đông hơn học sinh. Còn nhớ, năm 2015, toàn tỉnh chỉ có 1.179 học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 đang theo học ở 9 trung tâm giáo dục thường xuyên. Con số vừa nêu không bao gồm các lớp trung cấp hoặc dạy nghề được thực hiện bằng hình thức liên kết.

Trong một lớp học tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Gò Dầu.

Như vậy, nếu lấy con số 1.179 trừ đi 450 học sinh ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP. Tây Ninh (thời điểm năm 2015) thì 8 trung tâm giáo dục thường xuyên còn lại chỉ còn hơn 700 học sinh. Con số này chỉ tính bình quân, vì có những trung tâm rất ít học sinh.

Ví dụ, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành (lúc này chưa gắn cụm từ giáo dục nghề nghiệp) chỉ có 3 lớp 10, 11 và 12 với khoảng 90 học sinh, không tính một số lớp trung cấp được thực hiện bằng hình thức liên kết. Năm học 2014 - 2015, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành chỉ tuyển được 9 học sinh vào lớp 10, sau đó tăng thêm 4. Số học sinh ngày càng ít, tuyển sinh năm sau khó hơn năm trước nhưng cơ ngơi mới của trung tâm lại có quy mô quá lớn. Đây chính là nguyên nhân để các cấp có thẩm quyền quyết định đưa Trường THPT Châu Thành về “sống chung” với trung tâm.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã thay đổi. Ông Nguyễn Thanh Bình- Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tân Biên thông tin, những năm gần đây, lượng học sinh đăng ký học ở trung tâm tương đối ổn định và tăng hơn so với những năm trước. Điều này xảy ra là do chính sách, chủ trương phân luồng của cấp trên. Năm học 2024 - 2025, Trung tâm GDNN - GDTX Tân Biên có 8 lớp, tổng cộng 297 học sinh.

“Học sinh đăng ký học tại đây được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, cụ thể là các em vừa học văn hoá, vừa học các lớp nghề tại trung tâm không phải đóng học phí về học nghề. Học xong chương trình văn hoá lớp 11 là các em đã hoàn thành lớp nghề. Sau đó khi học lớp 12, các em có thời gian để ôn thi tốt nghiệp THPT. Tốt nghiệp, các em có thể liên thông lên bậc học cao đẳng hoặc đại học, liên thông ở bậc học chính quy.

Học sinh Trung tâm GDNN - GDTX huyện Gò Dầu.

Học sinh tăng chúng tôi rất phấn khởi, nhưng, trung tâm gặp khó khăn về đội ngũ, cụ thể là thiếu giáo viên. Theo quy định, chúng tôi cần ít nhất 18 giáo viên nhưng hiện tại chỉ có 10 giáo viên. Do đó, chúng tôi phải thỉnh giảng 12 giáo viên ở các trường phổ thông trên địa bàn huyện. Trước những khó khăn đó, trung tâm rất mong muốn có đủ số lượng giáo viên theo biên chế mà cấp trên giao”- ông Nguyễn Thanh Bình phát biểu.

Có nên xem xét sáp nhập ba trung tâm GDNN - GDTX các huyện Dương Minh Châu, Tân Châu và Tân Biên không? “Việc sáp nhập các trung tâm thực hiện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước là đúng đắn, tuy nhiên, điều đó chỉ phù hợp khi khoảng cách giữa các đơn vị gần nhau về địa lý.

Đối với ba trung tâm nêu trên, có thể phải cân nhắc kỹ lưỡng vì khoảng cách quá xa nhau. Từ Tân Biên qua Tân Châu khoảng 17 cây số, và nếu xuống huyện Dương Minh Châu còn xa hơn nhiều, trên 40 cây số. Như vậy, đi lại rất khó khăn, giáo viên gặp khó trong việc sắp lịch dạy ở các nơi, đoạn đường di chuyển xa dẫn đến hiệu quả giảng dạy không cao”- ông Bình trả lời.

Ông Trần Triều Văn- Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Gò Dầu thông tin, từ năm 2018, Trung tâm GDTX được đổi tên thành Trung tâm GDNN-GDTX. Bên cạnh chức năng dạy văn hoá, học sinh được tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, định hướng cho các em có tay nghề tốt hơn. Năm 2019, số lượng học sinh ở đây chỉ có 30 em; năm học 2023-2024, trung tâm có 311 học sinh.

Hiện tại, trung tâm liên kết với Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh, các em có thể yên tâm vừa học văn hoá vừa học nghề. Phụ huynh tán thành với quan điểm này, đổi lại, học sinh phải đi học nhiều hơn, bắt buộc phải tăng giờ vì học song song 2 chương trình. Các em chấp nhận lịch học như vậy để hoàn thành việc học văn hoá và học nghề.

Giáo viên thỉnh giảng tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Gò Dầu.

“Tôi được biết, có em học sinh của trung tâm học nghề điện dân dụng, sau khi tốt nghiệp em đi làm ở Bệnh viện Xuyên Á. Em có tâm sự với tôi rằng em cảm thấy loại hình vừa học nghề vừa học văn hoá là đúng đắn. Hiện tại, em chuyển công tác về TP. Hồ Chí Minh để phát triển sự nghiệp”- ông Trần Triều Văn cho biết.

Theo ý kiến này, phân luồng cho học sinh học nghề là chủ trương đúng, vì các em học hết THPT rồi mới học nghề mất nhiều thời gian hơn. Học ở trung tâm rút ngắn được thời gian cho các em, để có thể đi làm đóng góp cho xã hội sớm hơn.

“Theo tôi, vấn đề sáp nhập ba trung tâm ở khu vực thành phố thì phù hợp vì khoảng cách địa lý ba nơi đó gần. Việc sáp nhập còn tăng nguồn lực đầu tư, bố trí, điều động giáo viên thuận lợi. Nhưng nếu sáp nhập các trung tâm ở Gò Dầu với Bến Cầu và Trảng Bàng, khoảng cách địa lý xa hơn nhiều, gây trở ngại cho giáo viên khi ở địa phương này nhưng đến công tác ở địa phương khác”- ông Trần Triều Văn bày tỏ quan điểm khi được hỏi có nên xem xét sáp nhập ba trung tâm GDNN - GDTX phía Nam tỉnh hay không.

Một điều không thể không quan tâm, đó là Trung tâm GDNN - GDTX huyện Gò Dầu hiện… không có giáo viên cơ hữu. Tất cả giáo viên dạy tại đây đều là giáo viên thỉnh giảng (thuê giáo viên từ nhiều trường phổ thông khác nhau). “Số lượng giáo viên của chúng tôi thỉnh giảng đông, các cơ quan chủ quản đã có kế hoạch tuyển dụng, không sớm thì muộn sẽ bảo đảm về mặt giáo viên” - ông Trần Triều Văn nói thêm.

Không “ra phố” vẫn học được nghề

Em Lê Quang Phước (Trung tâm GDNN - GDTX Tân Biên) hiện sống ở chùa Phước Hưng, huyện Tân Biên. Hằng ngày em đi học bằng xe đạp điện, đường đến trung tâm cũng không quá xa. Phước cho biết, năm lớp 9 em có ý định nghỉ học nên không nộp đơn vào trường THPT. Sau đó thầy em động viên đi học trở lại nên em đăng ký vào Trung tâm GDNN - GDTX của huyện. Sau khi học hết lớp 12, em dự định học ở Trường trung cấp Phật học. Em muốn đi theo con đường Phật giáo để nối nghiệp sư phụ của em.

Em Trần Thảo Vy, học sinh lớp 11A3 kể, nhà em ở thị trấn Tân Biên, do thi không đủ điểm vào lớp 10, nên em quyết định học ở Trung tâm GDNN-GDTX huyện. Theo nhận xét của Thảo Vy, chương trình học cũng nhẹ nhàng, có những bài giảng nếu không hiểu em có thể tra cứu thêm trên mạng internet để bổ sung kiến thức.

Ngoài học văn hoá, em còn đang theo học lớp nghề ngành nông nghiệp, sáng học phổ thông, chiều học nghề: “Gia đình em làm nông nên em quyết định theo ngành này. Ngoài buổi học văn hoá, một tuần em học nghề 4 buổi”.

Em Huỳnh Ngọc Trân, học sinh lớp 10D, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Gò Dầu thông tin, em dự định tiếp tục học lên đại học để làm giáo viên. Hiện tại, em vừa học văn hoá vừa học nghề quản trị máy tính. “Sau khi học xong lớp 9, em vào đây học văn hoá kết hợp học nghề điện.

Học xong em dự định xin làm ở Khu công nghiệp Phước Đông - Bời Lời”- Nguyễn Phước Thành, học sinh lớp 11, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Gò Dầu nói. Tương tự, Đinh Nguyễn Minh Đăng, lớp 11, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Gò Dầu cho hay, em đăng ký vào trung tâm học vì muốn học văn hoá song song với học nghề.

Một vấn đề không thể không nêu ra: cơ chế, chính sách nào để vừa tinh gọn hệ thống giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp lại vừa bảo đảm cho loại hình giáo dục này phát triển?

Việt Đông - Hoàng Yến

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục