Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh còn lạc hậu, canh tác theo kiểu truyền thống, chủ yếu là trồng cây lúa, mía, cao su. Tuy nhiên, trong những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, từ nền nông nghiệp lạc hậu, năng suất thấp, đến việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Quyết định lịch sử
Sau 30.4.1975, Tây Ninh đã bước đầu giải quyết được nạn đói, khắc phục tình trạng thiếu lương thực triền miên do hậu quả chiến tranh để lại, mở ra triển vọng mới trong mặt trận sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Để thực hiện tốt thâm canh tăng vụ, tăng diện tích, tăng năng suất lúa và các loại cây trồng, năm 1976, Tỉnh uỷ chỉ đạo các cấp vận động quần chúng tham gia làm thuỷ lợi. Cuộc vận động trở thành phong trào sôi nổi trong Nhân dân.
Ngày 18.5.1979, luận chứng kỹ thuật được Chính phủ phê duyệt. Khu đầu mối công trình được xây dựng trên vùng đất của huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) và một phần của huyện Bến Cát (Bình Dương), với mặt nước rộng 27.000ha, chứa 1,5 tỷ mét khối nước.

Vào ngày 29.4.1981, công trình chính thức được khởi công. Đây được xem là một sự kiện lịch sử tạo ra bước ngoặt quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Tây Ninh và các tỉnh, thành lân cận. Chỉ 4 năm sau, ngày 10.1.1985, hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng chính thức mở nước phục vụ tưới tiêu cho khoảng 58.000 ha đất ruộng đồng trên địa bàn tỉnh. Nhiều cánh đồng “ngàn năm hoang hoá” đã biến thành những vùng sản xuất nông nghiệp trù phú.
Chỉ tay về cánh đồng lúa tươi tốt, ông Lại Văn Phúc, ngụ ấp Bàu Dài, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu cho biết, trước đây khi Phước Ninh chưa có kênh thuỷ lợi, mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa, nhưng vất vả, thu nhập bấp bênh. Từ khi có kênh mương về, người dân chuyển đổi cây trồng năng suất cao, tận dụng nguồn nước để nuôi thuỷ sản, nhờ đó mà thu nhập ngày một nâng cao, đời sống ổn định hơn.
Để mở rộng diện tích tưới tiêu từ công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng, ngày 27.4.2018, tại ấp Trường, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, dự án thuỷ lợi tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông chính thức được khởi công. Dự án bao gồm các hạng mục: kênh chuyển nước, kênh chính và hệ thống kênh cấp 1 với tổng chiều dài hơn 117km.
Công trình lấy nguồn nước từ lòng hồ Dầu Tiếng thông qua hệ thống kênh Tây để về tưới cho những cánh đồng thuộc hai huyện Châu Thành và Bến Cầu. Trong tương lai, dự án này sẽ cung cấp nước cho đô thị, các hoạt động kinh doanh và kể cả cho khu công nghiệp tại Mộc Bài.

Ông Nguyễn Thành Văn, Chủ tịch UBND xã Long Khánh, huyện Bến Cầu cho biết: “Việc thực hiện chủ trương đưa nước vượt sông Vàm Cỏ là một chủ trương lớn đúng, trúng, hợp lòng dân để bảo đảm nước sản xuất. Đến nay, giai đoạn đầu đã thi công xong, lúc trước đơn vị vận hành có vận hành đưa nước về thử trên địa bàn Long Khánh, Nhân dân rất mừng. Hiện đơn vị thi công đang thực hiện giai đoạn 2 để bê tông tuyến kênh chính này, khi dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần giúp người dân nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng".
Đầu năm 2023, giai đoạn 1 của dự án thuỷ lợi tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Cũng trong năm 2023, tỉnh tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án nhằm bê tông kiên cố hoá kênh chính, xây dựng các tuyến kênh thứ cấp 1, 2, 3 để hình thành mạng lưới dẫn nước đến các cánh đồng.
Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: “Dự kiến giai đoạn 2 sẽ đầu tư khoảng 600 tỷ để kiên cố hoá các kênh mương hiện có. Tới khoảng hết mùa khô năm nay, chúng ta sẽ giải quyết được một phần của giai đoạn 2, tôi hi vọng rằng sẽ tiếp tục đẩy nhanh giai đoạn còn lại vào dịp cuối năm”.
Dấu ấn nông nghiệp công nghệ cao
Toàn tỉnh hiện có hơn 1.740 tuyến kênh tưới các cấp và 365 tuyến kênh tiêu, với tổng diện tích thiết kế tưới tiêu khoảng 67.000ha. Nhờ hệ thống thuỷ lợi được đầu tư đồng bộ, trong những năm gần đây, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá, có giá trị và hiệu quả cao.
Một số vùng chuyên canh cây trồng như: cao su, mía, mì, mãng cầu, lúa, rau màu đã hình thành và phát triển ổn định. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản đến nay đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Hợp tác xã (HTX) cây ăn trái Bàu Đồn thuộc ấp 7, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2020. Từ khi thành lập đến nay, HTX tạo chuỗi liên kết đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật trồng sầu riêng, tổ chức thu mua, bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tìm thị trường bền vững cho sản phẩm sầu riêng Bàu Đồn.
Đến nay, HTX cây ăn trái Bàu Đồn có 62 thành viên, tổng diện tích sản xuất 115ha sầu riêng. Trong những năm gần đây, giá bán sầu riêng liên tục ở mức cao, doanh thu của HTX năm 2024 ước đạt 132,5 tỷ đồng.
Ông Phan Hoài Thịnh- Giám đốc HTX cho biết, thời gian qua, thành viên HTX đã thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và được cấp mã số vùng trồng. Hiện nay, sầu riêng của HTX đã có mặt tại các cửa hàng, hệ thống siêu thị trên toàn quốc, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và hướng đến xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Trong định hướng phát triển ngành Nông nghiệp, Tây Ninh đặt mục tiêu phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm đóng góp vào việc nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao lên trên 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.
“Chúng tôi định hướng là đưa những yếu tố về chuyển đổi số, càng ngày càng tự động hoá các dây chuyền cho ăn, uống cho đến khâu quản lý vận chuyển, giết mổ, truy xuất được nguồn gốc là sản phẩm này nuôi ở trang trại nào, theo tiêu chuẩn nào và đi qua những công đoạn nào để đến được bàn ăn của người dân. Làm được việc này chúng ta sẽ làm tăng được giá trị sản phẩm.
Chúng ta áp dụng được những tiêu chuẩn như: VietGAP, Global GAP, hay tiêu chuẩn hữu cơ để bảo đảm sản phẩm được an toàn, được thị trường tiếp nhận với giá trị tốt”- ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Tây Ninh cũng đang tích cực thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao khi có nhiều doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu, đầu tư và xây dựng chuỗi liên kết nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại. Trong đó có thể kể đến Tập đoàn Hùng Nhơn - một trong những doanh nghiệp hàng đầu cả nước về chăn nuôi thời gian qua đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư vào Tây Ninh với các dự án chăn nuôi khép kín tại các huyện Tân Châu và thị xã Trảng Bàng.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết: "Chúng tôi nhận thấy cơ hội và thời cơ cho doanh nghiệp trong năm 2025 và những năm tiếp theo rất lớn. Do đó, chúng tôi đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để kịp thời triển khai các dự án cũng như tháo gỡ khó khăn để các dự án nhanh chóng đi vào hoạt động. Trong năm 2025 và 2026, chúng tôi đang gấp rút thực hiện đầu tư dự án nhà máy giết mổ và nhà máy thực phẩm tại Trảng Bàng để phục vụ đầu ra bao tiêu chăn nuôi và xuất khẩu đi châu Âu".
Từ một tỉnh bị tổn thương nặng nề do chiến tranh, nông nghiệp Tây Ninh đã có sự vươn mình vượt bậc. Những nỗ lực trong việc chuyển đổi công nghệ, đầu tư vào hạ tầng và áp dụng khoa học kỹ thuật đã giúp Tây Ninh không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng nông sản mà còn mở ra những cơ hội mới cho người dân và nền kinh tế địa phương. Với đà phát triển hiện nay, Tây Ninh chắc chắn sẽ tiếp tục là một điểm sáng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở khu vực Đông Nam Bộ và cả nước trong tương lai.
Vũ Nguyệt
(Còn tiếp)