Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp
Bài 3: Gỡ khó để thu hút các dự án đầu tư tiên tiến, thân thiện với môi trường
Thứ sáu: 00:18 ngày 01/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp mới và mở rộng Khu công nghiệp Thành Thành Công là cần thiết, để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; đồng thời, nhằm chuẩn bị quỹ đất thu hút đầu tư trong tình hình mới đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ

Cần khắc phục khó khăn trong phát triển khu, cụm công nghiệp.

Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng, bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan.

Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng mạnh trong những năm gần đây. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu hút và giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tây Ninh có nhiều cơ hội thuận lợi để đẩy mạnh thương mại, dịch vụ, công nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 khu công nghiệp (KCN), các KCN là động lực lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tỉnh trong thời gian qua.

Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, công nghiệp xây dựng chiếm 51%-52%, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn từ 36% trở lên so với GDP, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15,5% trở lên.

Như vậy, tỉnh đã xác định đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp tăng dần tỷ trọng công nghiệp trong nền kinh tế chính là định hướng để phát triển bền vững, tăng tính hội nhập với kinh tế vùng và cả nước. Để thực hiện định hướng này, việc quy hoạch phát triển các KCN mới, KCN mở rộng, tầm nhìn đến năm 2030 đến năm 2050 là rất quan trọng.

Ông Trịnh Ngọc Phương- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện tỉnh có quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó đặt ra các vấn đề về các khu, cụm công nghiệp (CCN) trên cả vùng Đông Nam bộ để cho thấy sự kết nối; quy hoạch biên giới Việt Nam - Campuchia, đây là điều kiện thuận lợi mở cửa thông thương phát triển khu, CCN trên địa bàn tỉnh, đặc biệt thông qua 3 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam đã được quy hoạch và điều chỉnh, trong đó, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh định hướng KCN dịch vụ mang tầm quốc tế, đây là bước tiến để phát triển đô thị và công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các hiệp định thương mại tự do tạo điều kiện cho tỉnh có được sự thông thương kết nối kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Trong quá trình phát triển khu, CCN được quan tâm thực hiện, mặc dù hệ thông giao thông được đồng bộ, nhưng việc đầu tư hạ tầng chưa được đồng bộ, nhất là đối với các CCN đầu tư ở các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, cho nên giao thông chưa được kết nối xa với trung tâm, do đó, để thu hút đầu tư rất khó, nên các CCN này đa số phục vụ các ngành có sẵn nguồn nguyên liệu tại địa phương; nguồn nhân lực chất lượng cao, có tay nghề hiện nay chưa được đào tạo.

Trong việc thu hút đầu tư tỉnh còn một số vướng mắc về thủ tục đất đai khi triển khai, khiến các nhà đầu tư băn khoăn khi tiếp cận để hình thành và phát triển các khu, CCN theo quy hoạch.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng thiết yếu để phục vụ cho các KCN như nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà văn hoá thiết yếu như: trung tâm sinh hoạt cho công nhân chưa được đáp ứng đầy đủ. Đây là cái khó đang được UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chia sẻ và quyết tâm hỗ trợ nhà đầu tư góp phần ổn định cuộc sống cho công nhân.

Ông Đặng Thủ Thừa- Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu cho biết, bên cạnh sự tác động tích cực của KCN, huyện cũng còn một số khó khăn cần được tháo gỡ trong công tác quản lý nhà nước. Đối với chính quyền địa phương, thời gian qua do nhu cầu thu hút lao động đối với các tỉnh nên vấn đề an ninh trật tự diễn biến phức tạp; tại các khu nhà trọ công nhân cũng có các thành phần tham gia vào tệ nạn, dẫn đến các tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng.

Bên cạnh đó, vấn đề về môi trường tại các nhà trọ công nhân, việc xử lý rác thải nơi sản xuất tại KCN chưa được bảo đảm môi trường sống của các hộ dân trong khu vực.

Hiện nay, còn một số tồn tại mà chính quyền địa phương đang phối hợp với các ngành để có hướng giải quyết như: đối với khu vực tái định cư cho các hộ có đất thu hồi để thực hiện dự án, quá trình đầu tư và quá trình sử dụng đến thời điểm hiện nay, qua khảo sát thực tế hệ thống đầu tư vào hạ tầng đã xuống cấp, hư hỏng nặng hệ thống điện chiếu sáng, đèn giao thông, hệ thống thoát nước, hệ thống cấp nước sạch cho các hộ gia đình, ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân trong khu vực tái định cư.

Đối với nhà ở xã hội cho công nhân, trong dự án có triển khai thực hiện, nhưng qua khảo sát, hiện nay, việc đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân triển khai không đạt yêu cầu, chưa đáp ứng được, ảnh hưởng rất lớn đến công nhân tham gia sản xuất tại KCN.

Đối với trường mẫu giáo cho con em công nhân cũng không đạt yêu cầu, các phòng xây dựng không bảo đảm, dẫn đến việc công nhân có con nhỏ gặp khó khăn.

Trước những khó khăn, tồn tại trên, huyện Dương Minh Châu có giải pháp đối với khu tái định cư mà huyện làm chủ đầu tư, giao lại cho huyện quản lý sử dụng, huyện đã có kế hoạch rà soát, cũng như đề xuất hỗ trợ nguồn vốn để tổ chức triển khai xây dựng và sửa chữa các hệ thống đang hư hỏng để phục vụ tốt cho các hộ dân trong khu tái định cư.

Đối với nhà ở xã hội, trường mẫu giáo, chợ KCN, huyện cũng đề xuất với Ban Quản lý Khu kinh tế sớm tham mưu với các ngành chuyên môn của tỉnh, cũng như UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị sớm triển khai thực hiện các hạng mục, để công nhân có nhà ở xã hội, cũng như trường mẫu giáo để công nhân gửi con em và yên tâm sản xuất.

Ngoài ra, huyện kiến nghị với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh có kế hoạch thường xuyên theo dõi, giám sát, phối hợp với địa phương trong quá trình xử lý rác thải, chất thải đối với KCN, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm cuộc sống của người dân trong khu vực.

Đồng thời tổ chức, tuyên truyền giáo dục pháp luật cho các doanh nghiệp, nhằm nâng cao ý thức, bảo đảm công tác vệ sinh môi trường theo đúng quy định trong quá trình sản xuất.

Sớm hoàn chỉnh quy hoạch phù hợp với thực tế

Với phương châm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, hiệu quả; khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu ngân sách; cải thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao thu nhập của người dân. Phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước.

Về giải pháp thu hút đầu tư, ông Lê Thanh Kiệt cho biết, trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan cùng với các chủ đầu tư khu kinh tế hạ tầng  KCN đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để mời gọi đầu tư, nâng cao tỷ lệ lấp đầy tại các KCN.

Ban Quản lý ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có sử dụng công nghệ tiên tiến, các dự án thân thiện với môi trường, đặc biệt là các dự án đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hạn chế tối đa thu hút các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, các dự án nhiều lao động.

Ông Trịnh Ngọc Phương- Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào khu, CCN giai đoạn 2022-2025, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp- trong đó Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu có giải pháp để thu hút đầu tư.

Trước hết, Sở tham mưu giải pháp về hoàn thiện quy hoạch phát triển khu, CCN trong năm 2022, đáp ứng điều kiện kêu gọi đầu tư và xây dựng khu, CCN hoàn chỉnh theo đúng quy hoạch.

Ngoài việc thực hiện quy hoạch, Sở hoàn thiện các quy trình đầu tư để kêu gọi và thu hút đầu tư; xây dựng các chỉ số cải cách hành chính, chỉ số PCI để tạo sức hút cũng như cải thiện môi trường đầu tư và cải cách thủ tục hành chính để nhà đầu tư tiếp cận.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư; hoàn thiện trung tâm xúc tiến đầu tư và kêu gọi đầu tư để các doanh nghiệp tiếp cận môi trường đầu tư, kêu gọi các lĩnh vực đầu tư tiên tiến.

Việc bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp mới và mở rộng Khu công nghiệp Thành Thành Công là cần thiết, để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; đồng thời, nhằm chuẩn bị quỹ đất thu hút đầu tư trong tình hình mới đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Do đó, việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Tây Ninh theo đề án là cần thiết và phù hợp xu hướng chung của cả nước.

Nội dung điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử sụng đất tại địa phương và các tiêu chí theo quy định tại Nghị định số 82/2018/NQ-CP ngày 22.5.2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục