PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong văn kiện đại hội XIII của Đảng
Bài 3: Khoa học và công nghệ
Thứ sáu: 10:36 ngày 17/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Khoa học và công nghệ có vai trò rất quan trọng trong lịch sử văn minh nhân loại. Sự phát triển của khoa học và công nghệ luôn gắn với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của các nền kinh tế trên thế giới, đưa loài người tiến lên những nấc thang cao hơn.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển khoa học và công nghệ đã được hình thành và định hướng từ trước đổi mới (1986). Trải qua nhiều kỳ đại hội, nhận thức của Đảng về phát triển khoa học và công nghệ đã có những bước tiến mới mang tính đột phá, sáng tạo không chỉ phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước mà còn phù hợp với tiến trình phát triển khách quan của thời đại. Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam là Đại hội tổng kết 35 năm đổi mới, 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2021. Đại hội cũng đưa ra những quan điểm chỉ đạo toàn diện cho sự phát triển đất nước, trong đó có quan điểm về phát triển khoa học và công nghệ.

Khoa học và công nghệ là nguồn lực quan trọng, đóng vai trò to lớn đối với phát triển kinh tế. Một quốc gia có nguồn lực khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại thì sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh so với các nước khác trên thế giới. Khoa học và công nghệ góp phần quyết định tăng trưởng kinh tế trong dài hạn và chất lượng tăng trưởng.

Trong lịch sử phát triển của mình, nhân loại nhờ có khoa học và công nghệ mà tiến lên những nấc thang ngày càng văn minh hơn thủ công, cơ khí, tự động hoá. Mỗi công nghệ mới ra đời, đánh dấu một bước tiến mới trong việc sản xuất máy móc. Các Mác đã phân tích vai trò của khoa học và công nghệ trong việc chuyển đổi từ nền sản xuất giản đơn sang nền đại công nghiệp: Nền đại công nghiệp phải nắm lấy những tư liệu sản xuất đặc trưng của nó, tức là bản thân máy móc và dùng máy móc để sản xuất ra máy móc. Nhờ thế, nó đã tạo ra cho mình một cơ sở kỹ thuật thích hợp và đứng vững trên đôi chân của mình. Như vậy, trong cái vòng xoáy “dùng máy móc để sản xuất ra máy móc” đã tạo nên nền sản xuất đại công nghiệp như ngày nay và hình thành cái cốt vững chắc cho nền kinh tế hiện đại.

Lịch sử của loài người đã chứng minh rằng công cụ lao động đóng vai trò quyết định trong phát triển kinh tế, nó có mối liên hệ mật thiết với năng suất lao động. Công cụ càng hiện đại thì năng suất lao động càng cao. “Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì, mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào” (C. Mác và Ph. Ăngghen, 1993, tập 23, tr.269). C. Mác đã từng nói: “Cái cối xay quay bằng tay đưa lại xã hội có lãnh chúa, cái cối xay chạy bằng hơi nước đưa lại xã hội có nhà tư bản công nghiệp”.

Khi bàn đến các yếu tố cấu thành của lực lượng sản xuất, C. Mác đã khẳng định vai trò quyết định của nhân tố người lao động trong sản xuất: Người lao động là những người có khả năng lao động, tức là phải có cả sức mạnh cơ bắp và sức mạnh trí tuệ mà C. Mác đã gọi cụ thể là có “đôi bàn tay” và “đầu óc”. Nếu trước đây, người lao động chỉ chủ yếu dựa vào “đôi bàn tay”, thói quen, thể lực thì ngày nay, dưới sự tác động mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, người lao động phải có tri thức, hiểu biết để thực hiện quá trình sản xuất. Do đó, người lao động ngày càng trở nên khéo léo, linh hoạt, năng động và sáng tạo hơn.

Thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đã tác động đến sự phát triển của lực lượng sản xuất như: làm cải tiến công cụ lao động, tạo ra những đối tượng lao động mới có tính bền vững và thân thiện với môi trường, hiện đại hoá các phương tiện sản xuất... Do đó, người lao động phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ và tay nghề để bắt kịp với những tiến bộ trong thời đại mới. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ làm cho lực lượng lao động có sự chuyển dịch, lực lượng lao động không chỉ là những người lao động phổ thông mà còn bao gồm cả nhóm lao động chuyên gia kỹ thuật, kỹ sư và cán bộ khoa học chuyên ngành tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất. Lực lượng lao động có chất lượng càng cao thì càng đem lại sự tăng trưởng mạnh cho nền kinh tế.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (năm 1996) đã khẳng định, khoa học và công nghệ phải trở thành nền tảng và động lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đảng nhấn mạnh để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chúng ta phải dựa vào khoa học và công nghệ. Khoa học và công nghệ là nội dung then chốt trong mọi hoạt động của tất cả các ngành, là nhân tố chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và củng cố an ninh quốc phòng; phát triển khoa học và công nghệ đi liền với bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái.

Cương lĩnh năm 2011 khẳng định “khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại... Phát triển khoa học và công nghệ nhằm mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phát triển kinh tế tri thức, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới”. Văn kiện Đại hội lần thứ XI khẳng định rằng đẩy mạnh đầu tư vào xuất khẩu các mặt hàng có hàm lượng khoa học và công nghệ cao là nhiệm vụ ưu tiên nhằm phát triển kinh tế. Nghị quyết số 20 của Hội nghị Trung ương 6 khoá XI “về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” tiếp tục khẳng định, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội XII tiếp tục khẳng định rõ nét hơn nữa về tầm quan trọng của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển kinh tế đất nước thời kỳ mới. Đại hội khẳng định lấy khoa học và công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu; thu hút công nghệ từ bên ngoài và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động trên đất nước ta.

Tại Đại hội XIII, Đảng khẳng định hơn nữa tầm quan trọng của khoa học và công nghệ thông qua văn kiện Đại hội. Tại 10, mục IV- Định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tiêu đề được xác định là: phát triển khoa học và công nghệ thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững. Để thực hiện tốt vấn đề này, cần xác định trọng tâm hoạt động khoa học và công nghệ là để phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển theo chiều sâu góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Nhằm phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, nhiệm vụ đặt ra là phải nâng cao năng lực khoa học và công nghệ của đất nước. Muốn làm được như vậy, cần tận dụng hiệu quả cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, tập trung đầu tư cho các sản phẩm mang hàm lượng khoa học và công nghệ cao, huy động mọi nguồn lực xã hội, nhất là của các doanh nghiệp. “Tập trung nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Tạo áp lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh để thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng công nghệ, tăng năng suất lao động” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021).

Đứng trước tác động và sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng xác định cần phải tranh thủ cơ hội, nắm bắt thời cơ để tận dụng tất cả thuận lợi trong phát triển kinh tế, đồng thời có chiến lược phù hợp để vượt qua thách thức.

Văn kiện Đại hội XIII nêu “quan tâm, đầu tư đúng mức nghiên cứu khoa học cơ bản... Cơ cấu lại, nâng cao năng lực, hiệu quả các cơ sở nghiên cứu; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ trong các doanh nghiệp, trường đại học, cơ sở đào tạo gắn với nhu cầu thị trường. Tăng cường liên kết doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học, trong đó tập trung vào nâng cao năng lực của doanh nghiệp về tiếp thu, làm chủ và từng bước tham gia tạo ra công nghệ mới”.

Cơ sở vật chất của nước ta còn hạn chế so với các nước phát triển trên thế giới. Chính vì vậy, hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ đã trở thành một yếu tố quan trọng trong kinh tế đối ngoại và phát triển kinh tế của nước ta giai đoạn hiện nay. Hợp tác quốc tế có thể giúp các khám phá khoa học diễn ra nhanh hơn, vì mỗi quốc gia đều có thế mạnh riêng về kiến thức và năng lực để đóng góp vào công việc chung.

Nhiệm vụ đặt ra là phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về kinh tế thông qua các công cụ kinh tế, pháp luật, hành chính. Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và phát triển công nghệ. Ngoài ra, để tạo động lực sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ, Đại hội XIII khẳng định thực hiện tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; mở rộng và nâng cao hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục