Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cách mạng tháng Tám: Không bàn tay nào che nổi “Mặt trời chân lý”
Bài 3: Không ai đảo ngược được dòng chảy lịch sử
Thứ sáu: 15:08 ngày 15/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sự so sánh nào cũng khập khiễng nhưng cũng cần dẫn ra đây để chứng minh rằng, Cách mạng tháng Tám 1945 là cuộc cách mạng nhân văn, gần như không đổ máu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và công dân Vĩnh Thuỵ (Bảo Đại) năm 1946

Không chỉ các nhà nghiên cứu, giới sử học phương Tây hoặc những người Việt Nam từng ở bên kia lên tiếng vì sự thật lịch sử của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, ngay cả chính khách hàng đầu của những cường quốc muốn kiểm soát, muốn chia cắt Việt Nam cũng thừa nhận: họ không có chủ bài trong tay, trong tay họ chỉ là những con bài tầm thường.

 

Nhà vua chỉ là “vật trang trí”

Trong hồi ký mang tên "No More Vietnam" (Không có thêm Việt Nam) của mình, cựu Tổng thống Richard Nixon đánh giá thấp về vua Bảo Đại. Để sòng phẳng, khách quan, không mang tiếng “dìm hàng”, xin trích dẫn một số ý của người từng đứng đầu nước Mỹ đánh giá về vị vua cuối cùng của Việt Nam (thời điểm gặp Bảo Đại, Richard Nixon còn trong vai trò Phó Tổng thống Mỹ).

Ông ta viết: “Bảo Đại hiếm khi tiếp những người nước ngoài, nhưng khi tiếp tôi (Nichxon) ở Sài Gòn, ông ta mời tôi đến thăm ông ta trong một nhà nghỉ mát xa hoa tại miền núi Đà Lạt… Chúng tôi thăm Campuchia, Lào, và Việt Nam, ba nước Đông Dương qua sáu ngày quyến rũ và bực tức.

Vào thời kỳ này Việt Nam với hình thái thuần tuý là quân chủ lập hiến, nắm quyền là vua Bảo Đại do người Pháp đặt lên ngôi lại hoàn toàn là trang trí vào năm 1949, coi như có chủ quyền…” (Hồi ký Nichxon, bản tiếng Việt, NXB CAND).

Chúng ta hãy xem cựu Tổng thống nói gì trong thời gian trực tiếp thị sát Điện Biên Phủ: “Khi tôi làm quen với những sĩ quan Pháp, một người trong bọn họ dẫn tôi tới mép một mảnh đất và giới thiệu với tôi những đồng đội Việt Nam (tức lính quốc gia của Bảo Đại nằm trong Khối Liên Hiệp Pháp đồn trú tại Điện Biên Phủ) của họ.

Tôi hiểu ngay một trong những vấn đề cơ bản của chiến tranh, những người Pháp không dấu diếm sự coi khinh người Việt của họ…”. Sau đó, ông ta kể tiếp rằng, trong bữa ăn, sĩ quan Pháp được ưu tiên món thịt bò và rượu vang, còn lính người Việt (đánh thuê cho Pháp) thì “khi đến gần lều ăn, tôi ngửi thấy nặng mùi lợm giọng.

Họ nấu món gì thế -  tôi hỏi. Một sĩ quan Pháp hít mũi ngửi với vẻ ngán ngẩm rồi trả lời: có thể là thịt khỉ”. Sau chuyến sang Việt Nam, Phó Tổng thống Richard M. Nixon đề nghị: “Mỹ phải làm mọi việc có thể làm được để tìm cách giữ Pháp ở lại Việt Nam cho đến khi chiến thắng Cộng sản”.

Trong cuốn hồi ký “Đông Dương hấp hối”, tướng Pháp Navare- Tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương cho rằng, đây là cách Mỹ trở thành chủ nợ của Pháp, và Pháp rồi đây sẽ mất quyền kiểm soát ở Đông Dương.

Giữa tháng 8.1945, thời điểm sục sôi của “Tổng khởi nghĩa lệnh truyền đêm trước”, Bảo Đại gửi thông điệp cho các nước đồng minh (Tổng thống Truman, Vua nước Anh, Thống chế Tưởng Giới Thạch, Tướng De Gaulle) đề nghị công nhận “Đế quốc Việt Nam”.

Ngày 18.8, Bảo Đại gửi một thông điệp đến De Gaulle đề nghị công nhận “Đế quốc Việt Nam nhưng tướng De Gaulle không quan tâm đến đề nghị này, vì ông ta đã thoả hiệp với Nhật Bản, kẻ thù của Pháp.

Tất cả mọi bức thư Bảo Đại gửi cho những nước khác (Mỹ, Trung Quốc, Anh...) cũng đều không được hồi âm. Bởi vì, theo Tuyên bố Cairo (1943), các nước đồng minh sẽ không công nhận bất cứ chính phủ nào do phát xít Nhật Bản thành lập ở các vùng chiếm đóng, trong khi “Đế quốc Việt Nam” là một trong số đó.

Như vậy, mọi nỗ lực để duy trì, kéo dài chính thể quân chủ phong kiến ở Việt Nam không thành công, vì không còn phù hợp xu thế lịch sử. Sau lệnh tổng khởi nghĩa, “Hà Nội, Huế, Sài Gòn cả nước/ đứng lên ta giành hết chính quyền”, nhận thấy không thể cản lại làn sóng cách mạng, được sự vận động của ông Phạm Khắc Hoè, Bảo Đại quyết định thoái vị "để không phải là một trở ngại cho sự giải phóng của đất nước”.

Căn cứ vào sử sách, tài liệu còn để lại, kể cả những góc nhìn đa chiều nhất, tỉnh táo nhất, có thể nói rằng chính thể do Bảo Đại lập ra thực tế không quyền hành gì. Sự kiện vua Bảo Đại thoái vị, đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể, không thể khác được, có thể ví như đây là buổi hoàng hôn của chế độ phong kiến ở nước ta.

Bảo Đại thăm một đơn vị quân đội Pháp năm 1951.

Cuộc cách mạng “lấy chí nhân thay cường bạo”

Chiều 31.8.1945, trong lúc vua Bảo Đại còn đang hoàn thành việc bàn giao quyền lực thì ông Tôn Quang Phiệt, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế chuyển đến cho cựu hoàng một bức điện khẩn, nội dung như sau: “Chính phủ lâm thời mời công dân Vĩnh Thuỵ ra Hà Nội làm cố vấn tối cao cho chính phủ.

Nếu nhận lời, sẽ có những chỉ dẫn cần thiết để ông cố vấn có thể ra Hà Nội sớm nhất.  Ký tên: Hồ Chí Minh”. Theo tài liệu còn lại, khi ra Hà Nội, vua Bảo Đại vẫn chưa biết Hồ Chí Minh là ai. Sau đó, một người cho nhà vua biết, Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, nghe vậy, Bảo Đại có vẻ hài lòng rồi ông đã thốt ra: “Thế thì thoái vị cũng đáng”.

Những gì diễn ra sau đó, nhiều người đã biết. Mặc dù được chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng, cử làm cố vấn tối cao nhưng Bảo Đại vẫn một mực ra đi… Con người là sản phẩm của hoàn cảnh.

Trên quan điểm này, có lẽ không cần thiết nặng lời với vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam (dù trong tác phẩm “Con rồng An Nam” của Bảo Đại được chấp bút bởi hai người Pháp, xuất bản năm 1980) nhiều nhân chứng chứng minh rằng, nội dung cuốn sách có nhiều điều sai sự thật. Thời điểm xuất bản cuốn sách, cựu hoàng Bảo Đại còn sống nhưng ông ta không lên tiếng trước cáo buộc nội dung cuốn sách viết sai sự thật khá nhiều và có dấu hiệu xuyên tạc, bóp méo sự kiện.

Sự so sánh nào cũng khập khiễng nhưng cũng cần dẫn ra đây để chứng minh rằng, Cách mạng tháng Tám 1945 là cuộc cách mạng nhân văn, gần như không đổ máu. Các vị vua, quan triều đình nhà Nguyễn phần lớn được chính quyền cách mạng đối xử tử tế.

Chúng ta biết, cuộc cách mạng tư sản Pháp (1789-1799) tác động rất lớn đến tình hình châu Âu và thế giới, đã làm thay đổi vĩnh viễn lịch sử của loài người. Cuộc cách mạng này chấm dứt chế độ phong kiến, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển tại nước Pháp và trên toàn thế giới. Hầu hết các sử gia đều công nhận cuộc cách mạng Pháp là một trong số những sự kiện có tầm quan trọng bậc nhất trong lịch sử nhân loại.

Nhưng ngoài ý nghĩa đó, cuộc cách mạng tư sản Pháp đã diễn ra vô cùng đẫm máu, khốc liệt, điển hình là sau khi cách mạng thành công, Quốc hội của nước Cộng hoà Pháp tán thành xử chém vua Louis XVI (nhà vua bị chặt đầu). Mở rộng ra, không chỉ cách mạng tư sản Pháp, nhiều cuộc cách mạng của phương Tây thời kỳ lịch sử đó và cả sau này, đều diễn ra trong sự tranh giành khốc liệt, một mất một còn với chế độ phong kiến.

Riêng Cách mạng tháng Tám 1945, vua Bảo Đại và nhiều cận thần lại được chính quyền cách mạng tôn trọng, chẳng những giữ mạng sống, Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chiêu hiền đãi sĩ với mong muốn họ góp phần xây dựng chính quyền vững mạnh trên tinh thần đại đoàn kết để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Cụ Bùi Bằng Đoàn, một trong những vị quan đại thần của triều đình nhà Nguyễn đã ra giúp nước và làm đến chức Chủ tịch Quốc hội. Trân trọng tấm lòng của cụ Bùi Bằng Đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm bài thơ tặng cụ: “Xem sách chim rừng vào cửa đậu/ Phê văn hoa núi ghé nghiên soi/ Tin vui thắng trận dồn chân ngựa/ Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài”.

Tại cuộc hội thảo quốc tế kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 5.2010), nhà nghiên cứu, nhà báo Lady Borton (Mỹ) đánh giá: “Hồ Chí Minh là nhà cách mạng Việt Nam nhận được thông tin sớm nhất về việc quân Nhật đầu hàng Đồng minh. Ông nhận tin này qua radio và đã hành động rất kịp thời”.

Nhiều đảng phái và tổ chức chính trị khác cũng nhận thức được cơ hội đang đến và gấp rút chạy đua trong nỗ lực xúc tiến những hoạt động giành địa vị chính trị cho mình trong giai đoạn “hậu chiến tranh”. Nhưng cuối cùng Hồ Chí Minh và Việt Minh đã thắng. Một ý kiến khác (phát biểu tại hội thảo) : “…

Những đánh giá như vậy (ý nói xu hướng hạ thấp ý nghĩa của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945) không thể che giấu sự thật rằng, cuộc Cách mạng tháng Tám là một thành tựu phi thường… Trong khi những nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa khác bằng lòng ở lại Trung Quốc và đợi đến khi quân Nhật bị quân Đồng minh đánh bại, ông Hồ và các đồng sự của ông mới chứng tỏ khả năng có thể đối phó với thách thức và đặt cả thế giới trước sự đã rồi”.

Việt Đông

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục