Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
10 năm đổi mới giáo dục- chưa như trông đợi
Bài 3: Kiên nhẫn, bền bỉ để khắc phục hạn chế
Thứ sáu: 05:47 ngày 17/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đổi mới từ tư tưởng chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự quản lý của các cơ sở giáo dục, đào tạo và việc tham gia của cộng đồng; đổi mới ở tất cả các ngành học, cấp học.

Một tiết học ở Trường tiểu học Biên Giới, huyện Châu Thành.

Suốt thời gian dài, xuất phát từ những nguyên nhân, yếu tố khác nhau, giáo dục Việt Nam tồn tại nhiều hạn chế đòi hỏi phải thay đổi. Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, Nghị quyết 88 của Quốc hội và hàng loạt các văn bản khác của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương đã ra đời, làm hành lang pháp lý cho một sự thay đổi cần thiết.

Đến thời điểm này, mạng lưới trường, lớp ngành học mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) đã được quy hoạch và phát triển theo hướng bền vững. Tổng số đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo năm 2022 là 461 đơn vị, trong đó mầm non 133 trường, tiểu học 188 trường, trung học cơ sở 101 trường, trung học phổ thông 28 trường (2 trường THPT tư thục, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú), 10 trung tâm GDTX (9 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, 1 trung tâm GDTX tỉnh), 1 trường cao đẳng Sư phạm.

Số liệu mới nhất cho thấy, ngành Giáo dục Tây Ninh hiện có 14.061 người, trong đó có 10.894 giáo viên, 941 cán bộ quản lý và 2.226 nhân viên. Giáo viên đạt chuẩn về văn bằng chiếm tỷ lệ 67,9%, trên chuẩn 13,2%.

Đội ngũ nhà giáo còn thừa, thiếu cục bộ do thiếu cân đối trong cơ cấu ở một số môn học như: Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục công dân, Kỹ thuật - Công nghệ, Giáo dục quốc phòng.

Để triển khai Nghị quyết 88 cũng như các quyết định khác có liên quan, thời gian qua, Sở GD&ĐT tăng cường thông tin tuyên truyền về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị, trường học tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của Bộ GD&ĐT về đổi mới và phát triển giáo dục. “Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị, trường học tiếp cận nhanh, chặt chẽ các điểm mới, cốt lõi trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để vận dụng phù hợp vào tình hình của địa phương, chung sức tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất theo tinh thần nghị quyết đã đề ra”- lãnh đạo Sở cho biết.

"Sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29, 9 năm thực hiện Nghị quyết 88, 3 năm thay đổi chương trình và sách giáo khoa, đã có sự chuyển biến nhận thức trong cán bộ quản lý, giáo viên ngành Giáo dục về công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Quá trình học tập, thảo luận giúp cán bộ quản lý, giáo viên nhận thức được những nội dung cơ bản các nghị quyết của Trung ương, văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh”- lãnh đạo Sở nhìn nhận.

Cán bộ quản lý, giáo viên trong ngành Giáo dục và nhân dân nhận thức được những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện.

Đổi mới từ tư tưởng chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự quản lý của các cơ sở giáo dục, đào tạo và việc tham gia của cộng đồng; đổi mới ở tất cả các ngành học, cấp học.

Quá trình nhận thức đã chuyển hoá thành phong trào thi đua sâu rộng trong các cơ sở giáo dục; cán bộ quản lý, giáo viên nắm vững các chỉ tiêu, vận dụng những quan điểm, mục tiêu của nghị quyết vào xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị, trong đó đề cao trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, giáo viên trong quá trình quản lý, giảng dạy tại các đơn vị, trường học.

Trên phương diện chuyên môn, lãnh đạo Sở GD&ĐT đánh giá, các cơ sở giáo dục thực hiện linh hoạt phương pháp, kỹ thuật, hình thức tổ chức dạy học. Giáo viên sử dụng và khai thác tốt các thiết bị dạy học và học liệu, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá. Người dạy vận dụng phù hợp những thành tố tích cực của các mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đặc biệt là đổi mới tổ chức hoạt động giáo dục trên lớp học; tăng cường tổ chức thực hành trải nghiệm, tích hợp nội dung giáo dục địa phương, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống.

Các trường THCS, THPT thực hiện tốt việc vận dụng dạy học giải quyết vấn đề, các phương pháp thực hành, dạy học theo dự án trong các môn học, đa dạng hoá các hình thức học tập ở trong hoặc ngoài giờ lên lớp, trong hay ngoài phòng học.

Đánh giá về chất lượng đội ngũ, lãnh đạo Sở GD&ĐT nhìn nhận: “Đội ngũ hiện có cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018, tuy nhiên, tỷ lệ bố trí giáo viên hiện nay chưa đạt yêu cầu theo Thông tư 16 /2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về khung vị trí việc làm và định mức người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Vẫn còn tình trạng thừa thiếu cục bộ giữa các cơ sở giáo dục, huyện, thị xã, thành phố, thiếu giáo viên ở các môn học mới".

Toàn ngành học phổ thông đang thiếu so nhu cầu 836 giáo viên (tỷ lệ 8,8%), ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Từ năm 2016 đến nay, có 1.563 giáo viên được tuyển dụng mới, nhưng không đủ bù cho số giáo viên đã giảm là 3.042 người (bao gồm giáo viên tinh giản biên chế, nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển đi nơi khác…).

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là sản phẩm cụ thể hoá của Nghị quyết 29 và các văn bản pháp lý khác về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Nhìn nhận lại cả một giai đoạn, ở một địa phương cụ thể, các cấp quản lý, cơ quan chuyên môn đánh giá, mấy năm qua, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, có những giai đoạn học sinh học trực tuyến thời gian dài nên giáo viên và học sinh có nhiều bỡ ngỡ, lúng túng trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hiện tại, chưa có giáo viên giảng dạy môn tích hợp (môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý), còn thiếu giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh. Cơ cấu giáo viên các môn chưa bảo đảm tỷ lệ.

Giáo viên lớn tuổi gặp khó khăn trong việc tiếp cận chương trình, hình thức tổ chức, phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin nên lúng túng trong các hoạt động giảng dạy và giáo dục.

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lần đầu xuất hiện trong chương trình từ lớp 6 nhưng việc tổ chức chưa đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 do tình hình dịch Covid-19, kinh phí và các điều kiện về cơ sở vật chất. Phòng học bộ môn của một số trường chưa bảo đảm diện tích, thiết bị bên trong chưa đúng theo quy định.

Nghị quyết 29 đã được thể chế hoá và triển khai, bước đầu đạt kết quả nhất định. Nhưng thật không may, thời điểm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng là lúc cơn đại dịch mang tên Covid- 19 càn quét khắp địa cầu, Việt Nam không tránh khỏi.

Từ đó, hàng loạt vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa thực hiện được (trong đó có việc cải cách tiền lương). Năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành Giáo dục, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy và học.

Dân số tăng nên tỷ lệ trẻ ở độ tuổi đến trường tăng, nhưng biên chế giáo viên không tăng, dẫn đến nhiều nơi thiếu giáo viên. Đặc biệt, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp học, bậc học vẫn còn tồn tại.

Việc thay đổi hoàn toàn chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận xu hướng giáo dục của quốc tế là đúng nhưng thực hiện không đơn giản (chưa kể những bất cập nội tại của chương trình).

Cuộc tìm tòi nào cũng gặp những rắc rối, song việc tích hợp một số môn học cấp THCS, tự chọn môn học (ngoài nhóm môn bắt buộc) cấp THPT, đến thời điểm này, đủ cơ sở chứng minh rằng, quyết định nêu trên không thật phù hợp.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục