Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xây dựng nhà nước pháp quyền: Sự nghiệp lâu dài
Bài 3: Lấy nhân dân làm thước đo hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước
Thứ sáu: 07:58 ngày 06/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thực tế chứng minh, muốn phát triển bền vững, muốn xây dựng được một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, dân giàu, nước mạnh, không thể không xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN với tinh thần thượng tôn pháp luật...

Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là trực tiếp góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân

Qua 36 năm đổi mới, việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề cập những thành công bước đầu “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; tổ chức bộ máy lập pháp, hành pháp và tư pháp tiếp tục được hoàn thiện”.

Tuy nhiên, Đảng cũng thẳng thắn thừa nhận hạn chế trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta thời gian qua là “có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới”.

Trong đó có nhấn mạnh hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu. Chấp hành pháp luật chưa nghiêm, kỷ cương, phép nước còn bị xem nhẹ, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước.

Kế thừa những quan điểm đã được đưa ra từ các kỳ đại hội, hội nghị trước, Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục xác định xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.

Để khắc phục những hạn chế trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã được Đảng chỉ ra, văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu rõ hơn định hướng, những nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong thời gian tới.

Cụ thể, về định hướng xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền giai đoạn 2021-2030, văn kiện Đại hội XIII khẳng định sự cần thiết xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh, tinh gọn. Văn kiện bổ sung định hướng về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền bảo đảm “hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình”.

Sau hơn 35 năm đổi mới, nước ta có những bước phát triển vượt bậc cả về kinh tế, chính trị, xã hội. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế của sự nghiệp đổi mới cũng như nhu cầu của đời sống nhân dân thì phần nào đó vẫn chưa đáp ứng được.

Do đó, Đại hội XIII nhấn mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền phải thực sự “hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”. Thực tế chứng minh, muốn phát triển bền vững, muốn xây dựng được một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, dân giàu, nước mạnh, không thể không xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN với tinh thần thượng tôn pháp luật, lấy mục tiêu xây dựng nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân làm thước đo hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.

Định hướng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN thời gian tới còn đòi hỏi trách nhiệm công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của bộ máy nhà nước. Bằng việc đề cao tính công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình trong quản lý và hoạt động của bộ máy nhà nước là cơ sở để có một bộ máy trong sạch, vững mạnh, thực sự vì Nhân dân, vì đất nước.

Bên cạnh việc tiếp tục đề ra những giải pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước đã được nêu ra trong nghị quyết Đại hội XII, văn kiện Đại hội XIII bổ sung, làm rõ thêm một số vấn đề.

Cụ thể, đối với việc xây dựng hệ thống pháp luật, văn kiện đã nhấn mạnh đến yêu cầu về tính đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định của hệ thống pháp luật. Việc xác định lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng là một trong những điểm mới nổi bật của văn kiện Đại hội XIII về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam.

Nhà nước pháp quyền XHCN phải được xây dựng và hoạt động trên cơ sở một hệ thống pháp luật dân chủ, tiến bộ và khả thi, đồng thời phải bảo đảm được vị trí tối thượng của pháp luật trong đời sống xã hội.

Với những điểm hạn chế còn tồn tại của hệ thống pháp luật Việt Nam là “chưa thống nhất”, “chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn”, đồng thời trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN và hội nhập quốc tế hiện nay, yêu cầu đối với công tác hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật được đặt ra cấp bách, cần thiết. Hội nhập trên cơ sở pháp luật, hệ thống pháp luật phải tương thích, đáp ứng được yêu cầu đời sống hiện đại trong nước và quốc tế.

Trong đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, văn kiện Đại hội XIII đã bổ sung nội dung “phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Trong đó bên cạnh giải pháp về tăng hợp lý số lượng đại biểu chuyên trách như đã nêu trong văn kiện Đại hội XII, văn kiện Đại hội XIII bổ sung cụ thể thêm giải pháp “giảm số lượng đại biểu công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp”.

Đối với Chính phủ, văn kiện Đại hội XIII đã có điểm mới quan trọng khi xác định “tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn hiệu lực, hiệu quả, trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực… Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương”.

Hoạt động tư pháp hiện nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, góp phần phát triển các mặt của đời sống xã hội của đất nước. Mỗi vụ việc oan, sai, những hạn chế, vi phạm trong hoạt động tư pháp có thể làm xói mòn lòng tin của người dân vào công lý, ảnh hưởng đến uy tín của Ðảng, Nhà nước, hạn chế thành quả phát triển kinh tế - xã hội, là yếu tố tiềm ẩn gây bất ổn xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này, là vấn đề ở đời và làm người” (Hồ Chí Minh, 1985, trang 187).

Lần đầu tiên  nghị quyết của Đảng đề cập tới nội dung xây dựng nền tư pháp bảo đảm tính liêm chính, điều này rất cần thiết và phù hợp với định hướng cải cách tư pháp. Đó là một bước tiến mới trong tư tưởng của Đảng về xây dựng các nhiệm vụ công tác tư pháp trong tương lai.

Để xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN, ngày 25.5.2005, Đảng ra Nghị quyết số 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2.6.2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Sau gần 20 năm triển khai thực hiện hai nghị quyết nêu trên, công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong thời gian tới, để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN, đặc biệt trong vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp, Nghị quyết Đại hội XIII nhấn mạnh đến việc nghiên cứu, ban hành “chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030”. Đây sẽ là một chiến lược tổng thể, có vai trò to lớn trong định hướng xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.

Nghị quyết của Đảng còn đề cập đến nhiều giải pháp khác để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam như hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, hải đảo…

Thực hiện tổng kết việc thí điểm chính quyền đô thị, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước. Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với tổ chức thi hành pháp luật, cải cách thủ tục hành chính; kiện toàn tổ chức, tinh giản hợp lý đầu mối, bỏ cấp trung gian...

Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là công việc khó khăn, nhiều thách thức và lâu dài, là nhiệm vụ xuyên suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nội dung về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được đề cập trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng là một bước tiếp tục hoàn thiện hệ thống lý luận về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.

Đồng thời cũng là một bộ phận trong hệ thống quan điểm thống nhất của Đảng để lãnh đạo đổi mới hệ thống chính trị và các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc tiếp tục nghiên cứu, vận dụng một cách khoa học các quan điểm của Đảng về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam có ý nghĩa quan trọng cả về nhận thức và hành động.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục