Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kỷ niệm 113 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911 - 5.6.2024): Xôn xao bến cảng Nhà Rồng
Bài 3: Người khai phá, mở đường
Chủ nhật: 08:29 ngày 09/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới hiện đại, một đại diện của giai cấp công nhân và dân tộc thuộc địa tham gia sáng lập Đảng tiên phong của giai cấp công nhân ở một nước đế quốc lớn đang áp bức dân tộc mình.

Việc Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp tháng 12.1920 là sự kiện có ý nghĩa to lớn. Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới hiện đại, một đại diện của giai cấp công nhân và dân tộc thuộc địa tham gia sáng lập Đảng tiên phong của giai cấp công nhân ở một nước đế quốc lớn đang áp bức dân tộc mình.

Một bài báo Nguyễn Ái Quốc viết trên tờ L’Humanité

Bước ngoặt

Thông qua Nguyễn Ái Quốc, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam bắt tay với giai cấp công nhân Pháp hợp thành một mặt trận đánh đổ kẻ thù chung là chủ nghĩa tư bản Pháp. Sự kiện đó còn mang một ý nghĩa tượng trưng cho xu thế cách mạng thế giới - tình đoàn kết chiến đấu giữa giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới theo khẩu hiệu chiến lược của Quốc tế Cộng sản.

Lịch sử cho thấy, có nhiều con đường đến với chủ nghĩa cộng sản, trở thành người cộng sản. Có người xuất thân từ giai cấp vô sản, giác ngộ quyền lợi và sứ mệnh giai cấp mà trở thành người cộng sản. Có người trí thức tiến bộ giác ngộ lý luận của chủ nghĩa Marx-Lenin mà tham gia phong trào công nhân rồi trở thành người cộng sản…

Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản theo con đường riêng. Từ một người dân thuộc địa trong hoàn cảnh phong trào công nhân chưa phát triển, ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx-Lenin chưa rọi tới, nhưng xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, Người đã vượt qua muôn vàn khó khăn, trở ngại để tìm hiểu, khảo nghiệm cuộc sống của các dân tộc trên thế giới và trực tiếp tham gia phong trào công nhân của chính quốc là một nước công nghiệp phát triển, rồi tiếp thu chủ nghĩa Marx-Lenin và trở thành người cộng sản.

Tiêu chuẩn cao nhất cho sự lựa chọn và định hướng của Người là kiên quyết đứng về phía học thuyết và tổ chức cách mạng nào thực sự quan tâm đến cuộc sống và quyền lợi của các dân tộc bị áp bức, bênh vực, ủng hộ và chỉ ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc. Tiêu chuẩn hết sức thiết thực đó của một thanh niên yêu nước một nước thuộc địa lại phù hợp với chân lý của thời đại khi cách mạng giải phóng dân tộc đã trở thành một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới.

Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, con đường Nguyễn Ái Quốc đã đi cũng chính là con đường Người đưa dân tộc đi theo. Trong điều kiện mới của thời đại mở ra từ sau  thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, đó cũng là con đường mang tính phổ biến ở một khu vực rộng lớn của thế giới - phương Đông thuộc địa đang thức tỉnh - Nguyễn Ái Quốc là người khai phá và mở đường.

Việc bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Ái Quốc và cũng là sự khởi đầu một bước ngoặt căn bản trong lịch sử và sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Thực hiện bước ngoặt đó, Người đã hoàn tất chặng đường đầu của hành trình cứu nước, đã tìm ra chân lý của thời đại và bắt đầu cuộc đấu tranh đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta vào quỹ đạo cách mạng vô sản thế giới bằng việc truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin về nước, chuẩn bị dần dần, từng bước về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời một Đảng marxist ở Việt Nam, nhân tố cơ bản, đầu tiên bảo đảm mọi thắng lợi của cách mạng nước ta.

Tư liệu đã phổ biến rộng rãi cho biết, trong một bản báo cáo tổng hợp về phong trào đòi độc lập cho Đông Dương ở Paris gửi Bộ Thuộc địa, đề ngày 30.l.1930 có viết: “Từ cuộc điều tra được tiến hành về hoạt động tuyên truyền trong các giới người An Nam ở Paris và về việc ủng hộ những yêu sách của giới Đông Dương, thì thấy rõ linh hồn của phong trào này không phải là ai khác mà là người An Nam Nguyễn Ái Quốc tự xưng là Tổng thư ký Hội Những nguời An Nam yêu nước”.

Điện của Toàn quyền Đông Dương gửi Bộ Thuộc địa cho biết: “Tôi báo để ông rõ, một người Bắc Kỳ hồi hương bị bắt trong người có mang theo truyền đơn “Quyền các dân tộc’” của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Nhân đạo. Người đó khai rằng tờ truyền đơn này được phân phát ở cảng Versaille cho từng người trong số 50 người bản xứ hồi hương lúc tàu sắp khởi hành.

“Phải giữ chúng trong vòng nô lệ”

Tờ Tin thuộc địa (Courrier Colonial) số ra ngày 27.6.1919 đăng bài nhan đề “Giờ phút nghiêm trọng”, có đoạn: “Làm sao một người dân thuộc địa lại có thể dùng bản yêu sách của nhân dân để công kích Chính phủ Pháp. Thật là quá quắt. Cứ theo đà này thì bọn dân thuộc địa sẽ lên ngang hàng với người Pháp chúng ta và sớm trở thành ông chủ của chúng ta. Không được, phải kìm giữ chúng mãi mãi trong vòng nô lệ”.

Sự xuất hiện “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” của Nguyễn Ái Quốc khiến nhà cầm quyền Pháp (ở Đông Dương) tới tấp điện về Bộ Thuộc địa nước này yêu cầu cho biết tung tích người viết bản yêu sách. Theo yêu cầu đó, Bộ Thuộc địa cho điều tra ở Paris cũng như bên Việt Nam về lai lịch người viết bản yêu sách. Mất tám tháng tìm kiếm (từ 18.6.1919 đến 8.2.1920), Toàn quyền Đông Dương khẳng định với Bộ Thuộc địa Pháp: “Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn Tất Thành chỉ là một người”.

Một trong những hoạt động sôi nổi trong thời gian Nguyễn Ái Quốc ở Pháp là thúc đẩy quan hệ với báo chí, đặc biệt những tờ báo, những tạp chí có lập trường dứt khoát theo đường lối của Quốc tế Cộng sản, ủng hộ các dân tộc đang bị nô dịch. Người tập trung những bài viết của mình cho hai tờ báo có ảnh hưởng rộng lớn nhất trong công nhân và những người lao động Pháp và hải ngoại là tờ L’Humanité (Nhân đạo) và La Vie Ouvrière (Đời sống Thợ thuyền).

Từ năm 1921 đến hết tháng 2.1923 có ít nhất trên 20 bài của Nguyễn Ái Quốc đăng ở  hai tờ báo trên và một bài cho tờ báo Journal du Peuple (Nhân dân) số ra ngày 9.8.1922. Nguyễn Ái Quốc không dừng lại ở việc sử dụng báo chí cánh tả Pháp bởi Người ý thức rõ đối tượng phục vụ của các báo chí đó.

Trong khi đó, đối tượng tuyên truyền cách mạng của mình là nhân dân bị áp bức, các dân tộc thuộc địa của Pháp. Ý thức đó đã dẫn Người đi tìm cho mình một phương tiện riêng, lấy những người bị áp bức bóc lột ở các thuộc địa làm đối tượng chủ yếu. Nhưng để có một phương tiện riêng, trước hết cần phải xây dựng được một tổ chức chính trị làm nền tảng cho nó.

Sau nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với các chiến sĩ chống thực dân thuộc nhiều nước khác nhau đang sống ở Paris, ngày 26.6.1921, Nguyễn Ái Quốc tổ chức cuộc họp bàn việc thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa. Tại cuộc họp đầu tiên ấy, những người tham dự đã xây dựng chương trình, điều lệ và cử một ban chấp hành.

Hoạt động tiêu biểu nhất của Hội Liên hiệp thuộc địa là xuất bản tờ báo Le Paria làm cơ quan ngôn luận của mình. Thoạt tiên, những người sáng lập Hội trong đó có Nguyễn Ái Quốc, dự định thành lập tổ hợp xuất bản báo Le Paria. Ngày 29.1.1922, Nguyễn Ái Quốc và Ban Chấp hành Hội Liên hiệp thuộc địa họp quyết định lập “Hội Hợp tác người cùng khổ” nhằm mục đích xuất bản tờ báo Le Paria. Như vậy, từ rất sớm, người thanh niên yêu nước đã ý thức được vai trò của báo chí trong công cuộc truyền bá chủ nghĩa yêu nước và kêu gọi lòng yêu nước.

Người cũng đã nhận thấy tính chất vô vọng của các cuộc nổi dậy đó: “Chỉ với lực lượng riêng của chính mình, nông dân không bao giờ có thể trút bỏ được gánh nặng đang đè nén họ... Không thể chiếm được bộ máy nhà nước và giữ được bộ máy đó”.

Từ đó, Người đi đến kết luận là: để thực hiện được khẩu hiệu “Tất cả ruộng đất về tay nông dân”, một ước mơ ngàn đời của họ, nông dân nhất thiết phải tự nguyện đi với giai cấp công nhân và kết thành một khối. Chỉ bằng cách đó nông dân mới phát huy đầy đủ sức mạnh về số lượng của mình. Và trong cuộc cách mạng ấy công nhân và nông dân là động lực của cách mạng.

Từ lúc đứng vào đội ngũ những người cộng sản Pháp đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Nguyễn Ái Quốc hoạt động không biết mệt mỏi, liên tục để truyền bá chủ nghĩa Marx- Lenin về Việt Nam. Vì thế không thể xem việc truyền bá tư tưởng cách mạng vô sản ở Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc như một hiện tượng nhất thời, phải xem xét nó với tính cách là một quá trình.

Xét về nội dung, quá trình đó có thể chia làm ba chặng, tương ứng với ba thời kỳ kế tiếp nhau: Paris - Moskva - Quảng Châu - Xiêm. Ở mỗi chặng, tuỳ vào điều kiện lịch sử cụ thể, Nguyễn Ái Quốc sử dụng các phương tiện khác nhau, tiến hành những nội dung tuyên truyền khác nhau và nhằm đạt những yêu cầu khác nhau. Nhưng đặt nó trong quá trình thì chặng trước tạo tiền đề cho chặng sau, và chặng sau là kết quả của chặng trước.

Việt Đông

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục