Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hằng năm, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.
Tây Ninh quản lý chặt chẽ số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập đã được Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương giao. Hằng năm, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.
Giảm hỗ trợ trực tiếp
Việc quản lý và sử dụng số lượng người làm việc bảo đảm đúng theo quy định, phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ và thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Giai đoạn 2015-2021, tỉnh thực hiện cắt giảm 2.124 người, đạt tỷ lệ giảm 11,01% so với số lượng người làm việc được phê duyệt năm 2015. Giai đoạn 2021-2023, giảm 604 người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với số giao năm 2021 là 17.548 người (không bao gồm 67 biên chế giáo viên năm học 2022-2023, đạt tỷ lệ giảm 3,44%).
HĐND tỉnh khảo sát hoạt động y tế cơ sở năm 2024.
Thực hiện Đề án tinh giản biên chế của bộ, ngành, địa phương đến năm 2030, UBND tỉnh triển khai tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
Căn cứ theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ, các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế hằng năm và triển khai thực hiện theo kế hoạch đã ban hành. Do đó, tại thời điểm năm 2023, UBND tỉnh chưa xây dựng đề án tinh giản biên chế đến năm 2030.
Tính đến ngày 30.6.2023, tỉnh có 36 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ (4 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, 32 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên) trên tổng số 521 đơn vị sự nghiệp công lập, chiếm 6,91%.
Hiện nay, UBND tỉnh đang xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình tự chủ theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.
Trong đó xác định rõ các mục tiêu đến năm 2025 tăng mức độ tự chủ của ít nhất 2 đơn vị sự nghiệp công lập từ mức bảo đảm một phần chi thường xuyên lên mức bảo đảm chi thường xuyên, hằng năm giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước.
Theo đánh giá, việc giao quyền tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã mang lại kết quả tích cực, các đơn vị chủ động sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước giao hiệu quả hơn để thực hiện nhiệm vụ; đồng thời chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực tại đơn vị hợp lý để phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ; tăng nguồn thu, tiết kiệm chi, nâng cao thu nhập cho viên chức và người lao động.
Chủ động quyết định các giải pháp để nâng cao chất lượng lao động và hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đơn vị sự nghiệp đã có bước tiến về nâng mức độ tự chủ so với giai đoạn trước, nâng cao quyền tự chủ tài chính, khai thác các nguồn thu hợp pháp để từng bước bảo đảm chi hoạt động thường xuyên và dành một phần cho chi đầu tư, tăng cường chất lượng hiệu quả hoạt động, nâng cao đời sống người lao động.
Tuy nhiên, việc tăng mức độ tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập còn khó khăn do các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu không bảo đảm mức độ tự chủ (trường học có nguồn thu học phí không bảo đảm mức độ tự chủ).
Kết quả việc thực hiện chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần và các loại hình doanh nghiệp, hiện tại, tỉnh chưa thực hiện chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần và các loại hình doanh nghiệp khác.
Xem lại chỉ tiêu biên chế
Sau 6 năm thực hiện, trên tinh thần nghiêm túc, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thông qua nhiều cách làm phù hợp nên các mục tiêu nghị quyết đề ra cơ bản đạt kết quả tốt. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất trong việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Hệ thống y tế cơ sở còn gặp nhiều khó khăn.
Đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp tinh gọn, hợp lý, bảo đảm nguyên tắc cùng nhóm nhiệm vụ chỉ có một tổ chức, đơn vị thực hiện và phải phù hợp với điều kiện của đơn vị, địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Việc thực hiện chế độ, chính sách tinh giản biên chế tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, công chức viên chức, quá trình thực hiện bảo đảm đúng nguyên tắc và trình tự các bước thực hiện.
Việc bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức, viên chức bảo đảm dựa trên sự lựa chọn những người có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt giữ lại làm việc lâu dài, ổn định; đồng thời động viên số cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn chưa đạt chuẩn, năng lực công tác hạn chế, lớn tuổi, sức khoẻ không bảo đảm nghỉ hưu trước tuổi và thôi việc để hưởng chính sách tinh giản biên chế.
Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương lớn, thực hiện khó khăn, phức tạp và nhạy cảm liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực- nhất là liên quan đến công tác nhân sự, do đó chưa thể làm ngay mà cần phải có thời gian, lộ trình cụ thể, phải có sự hướng dẫn của cấp trên, sự phối hợp đồng bộ của nhiều cấp, ngành.
Số lượng đơn vị sự nghiệp nhiều, quy mô nhỏ, chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước, năng lực tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều hạn chế, nguồn thu sự nghiệp ít và phát triển chậm, chủ yếu dựa vào nguồn tài chính từ ngân sách Nhà nước.
Trung ương chậm ban hành Danh mục đơn vị sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, do đó địa phương chưa thể xác định để thành lập một số đơn vị đang có nhu cầu (Đội Quản lý trật tự đô thị, Trung tâm Xúc tiến đầu tư…).
Khi thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập sẽ ảnh hưởng đến bộ phận viên chức lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, nhưng Trung ương không có chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng này phần nào ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy.
Việc thực hiện xã hội hoá, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp ngành Y tế, Giáo dục còn chậm, cần phải có thời gian, lộ trình thực hiện và phải có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện, khó khăn trong việc giảm biên chế theo quy định.
Đơn vị sự nghiệp của tỉnh đa số là sự nghiệp Giáo dục và Y tế, do đó, khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cắt giảm biên chế theo quy định chủ yếu thực hiện ở các đơn vị này dẫn đến địa phương gặp nhiều khó khăn, không đủ biên chế để bố trí đủ theo định mức quy định của ngành Giáo dục, Y tế.
Các bộ, ngành sớm tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu trong từng ngành, lĩnh vực để địa phương làm căn cứ sắp xếp các đơn vị sự nghiệp theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Để thực hiện thống nhất trên cả nước, đề nghị ban hành bộ khung các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước.
Trung ương xem xét lại chỉ tiêu giảm biên chế sự nghiệp- nhất là Giáo dục và Y tế. Cần có sự rà soát, đánh giá lại hiện trạng số lượng học sinh, số trường, số lớp và số giường bệnh của từng địa phương, đối chiếu với số biên chế hiện có để giao tỷ lệ giảm biên chế sự nghiệp cho phù hợp, có đủ số lượng viên chức đáp ứng yêu cầu phục vụ lĩnh vực y tế và giáo dục theo thực trạng của địa phương.
Các bộ, ngành, lĩnh vực sớm ban hành các văn bản hướng dẫn Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước theo quy định mới nhằm đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng thực hiện dịch vụ sự nghiệp công tiến đến nâng loại hình tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Chủ trương giảm hỗ trợ, tăng tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian qua cho thấy, số lượng đơn vị tự chủ toàn phần còn rất thấp. Các đợt khảo sát, giám sát của cơ quan dân cử gần đây ghi nhận rằng, nhiều cơ sở y tế công lập đang đối mặt không ít khó khăn về tài chính. Tinh gọn, sáp nhập, giải thể, hợp nhất, giảm hỗ trợ từ ngân sách và tăng mức độ tự chủ (về tài chính) là bài toán không hề đơn giản.
Việt Đông
(còn tiếp)