Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Mệnh lệnh của Đảng gắn liền với vận mệnh của dân tộc
Bài 3: "Tâm phải chính"
Thứ sáu: 09:24 ngày 12/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực.

“Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Tâm huyết, trách nhiệm, dấn thân, nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, có ý chí, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, đúng quy định; tiết kiệm và hiệu quả; không xa hoa, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và các nguồn lực vật chất khác của tập thể và cá nhân.

Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

Trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh. Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực.

Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng. Thực hiện văn hoá từ chức khi không đủ khả năng, uy tín”- Điều 3 của Quy định 144-QĐ/TW ngày 9.5.2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trong hang đá ở Việt Bắc năm 1951

“Cải tạo mình không dễ đâu”

Trong bài nói chuyện tại lớp chỉnh Đảng Trung ương khoá XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Kháng chiến để cải tạo nước nhà cũng phải trường kỳ và gian khổ. Muốn cải tạo mình, cũng phải trường kỳ và gian khổ, chứ không phải là dễ đâu. Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được. Ai cũng thấy siêng năng, trong sạch là tốt. Điều đó không ai chối cãi được.

Thế là vì sao vẫn không làm hay không làm được? Chẳng những không làm được mà còn làm trái lại? Đó là vì cái tâm mình không chính. Phải thấy kẻ địch trong mình ta nó mạnh lắm. Đế quốc bên ngoài có thể dùng súng dùng đạn để đánh được. Kẻ địch trong người không thể dùng lựu đạn mà ném vào được; nó vô hình, vô ảnh, không dàn ra thành trận, luôn luôn lẩn lút trong mình ta.

Nó khó thấy, khó biết, nên khó tránh. Nhưng đã biết việc phải thì kiên quyết làm. Làm không phải chuyện dễ. Nó khó như trèo núi, rất gay go và có khi nguy hiểm là đằng khác… Vì cá nhân chủ nghĩa nên đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung, rồi sinh ra vô kỷ luật, vô tổ chức, tham địa vị, tham danh vọng, bè phái, tham, lãng phí, quan liêu, v.v”.

Đoạn văn trên cho thấy, từ rất sớm, khi đất nước còn trong thời kỳ kháng chiến giành độc lập, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm nhận thấy và đưa ra cảnh báo nghiêm khắc đối với cán bộ. Trong bài viết có nhan đề “Phải chống bệnh quan liêu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Từ ngày Đảng và Chính phủ mở phong trào chống bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí bằng cách giáo dục, tự phê bình và phê bình, quần chúng đã biết phê bình, báo chí đã đăng những lời phê bình của quần chúng.

Đó là một tiến bộ. Nhưng báo chí đăng rồi mà không kiểm tra, những cán bộ và những cơ quan bị phê bình thì cứ im lắng. Đó là một khuyết điểm cần sửa chữa. Các báo chí thì cần nêu những việc kiểu mẫu, phân tách rõ ràng, làm cho mọi người nhận rõ: quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác.

Và do đó mà khuyến khích quần chúng, mở rộng phong trào phê bình từ dưới lên trên. Khi nhận được thư phê bình của quần chúng, thì không nên vội vàng, mà phải lựa chọn, điều tra. Khi phải trái đã rõ ràng, mới đăng lên báo. Như vậy, phê bình mới có kết quả thiết thực.

Phải làm cho quần chúng hăng hái phê bình, nhưng đồng thời phải lãnh đạo việc phê bình của quần chúng. Như vậy, thì mối liên hệ giữa báo chí với quần chúng càng thêm chặt chẽ; và việc quần chúng và báo chí giúp giáo dục cán bộ cũng có kết quả thêm. Các cơ quan và các cán bộ lãnh đạo thì cần liên hệ những việc kiểu mẫu ấy với công tác của ngành mình và do đó mà mở rộng phong trào phê bình từ trên xuống dưới.

Không nên vì việc phê bình ấy không quan hệ trực tiếp với ngành mình mà không nghiên cứu. Cũng không nên tách rời việc phê bình với công tác hằng ngày. Trong việc “3 chống”, các báo chí cũng như các cơ quan, cần nhằm vào cải tạo tư tưởng. Quan liêu, tham ô, lãng phí cũng như mọi khuyết điểm khác, nguồn gốc là vì tư tưởng không đúng.

Tư tưởng trong sạch, lập trường vững, hết lòng hết sức phụng sự nhân dân thì tránh được nhiều khuyết điểm...”. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất của đạo đức cách mạng, là một yếu tố cơ bản làm thành nhân cách của cán bộ, đảng viên. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, trung với nước, trung với Đảng là dám xả thân vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, thậm chí có lúc có thể bị tù đày, bị lên máy chém, bị ra pháp trường.

Lực lượng dẫn dắt dân tộc

Trong hoà bình xây dựng, những điều kiện ấy không còn, nhưng những thử thách không kém phần nghiệt ngã vẫn đặt ra đối với những cán bộ, đảng viên. Nhiều người không chết bởi mũi tên hòn đạn trong những cuộc chiến đấu khốc liệt để bảo vệ Đảng và Tổ quốc, nhưng trong hoà bình xây dựng lại bị “chết” bởi những viên đạn bọc đường, sa vào tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu - những căn bệnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là “giặc nội xâm”, thứ giặc ở trong lòng, nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thoả mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa; rằng những cán bộ, đảng viên cũng như bao con người khác, cũng có những nhu cầu chính đáng về cuộc sống vật chất và tinh thần, nhưng có khác là ở chỗ khi cần, họ sẵn sàng hy sinh quyền lợi của cá nhân mình, của gia đình mình cho lợi ích tối thượng của Đảng, của Tổ quốc.

Trong lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, có lợi ích của cá nhân. Hồ Chí Minh còn nói rằng, vào Đảng là tự nguyện; nếu vào Đảng mà sợ hy sinh thì đừng vào Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”.

Cần hiểu, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói cán bộ là dây chuyền của bộ máy thì không có nghĩa là xếp cán bộ vào vị trí trung gian, mà cán bộ luôn luôn ở trong phong trào cách mạng của đất nước, cán bộ là lực lượng trung tâm của phong trào cách mạng, luôn luôn đi tiên phong lôi cuốn cả phong trào cách mạng phát triển.

Về vai trò của cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém. Quần chúng nhân dân là những người làm nên lịch sử. Nhưng, mặt khác, những cán bộ lãnh đạo, quản lý lại là đầu tàu, có tác dụng hướng dẫn, tập hợp vận động nhân dân để hành động đạt mục tiêu của cách mạng.

Với ý nghĩa như vậy, có thể hiểu rằng cán bộ là lực lượng tinh tuý nhất của xã hội, có vai trò cực kỳ quan trọng của hệ thống chính trị nước ta. Luận điểm khái quát nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của cán bộ là: cán bộ là người lãnh đạo, là đày tớ thật trung thành của nhân dân.

“Xây dựng Đảng là vấn đề rất khó, vì vừa phải xây dựng tổ chức, vừa phải xây dựng con người. Mà con người, như Goócki nói: “Hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh làm sao”. Nhưng con người, như tục ngữ ta nói cũng đủ thứ, ta biết con người là thế nào rồi, “miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu”! Nhìn người khác thấy khuyết điểm thì rất rõ, nhìn khuyết điểm của chính mình thì rất khó; nhìn mình bao giờ cũng thấy hay hơn, giỏi hơn người khác, nhưng lại bị thiệt hơn người khác; còn người khác thì kém mình mà lại được hưởng hơn mình, cho nên mới có những tâm tư này khác, mặc dù cũng có tâm tư chính đáng, nguyện vọng chính đáng. Vì vậy, muốn xây dựng Đảng tốt, từng tổ chức tốt thì từng con người phải tốt. Tốt trước hết ở đây là tự giác, không tự giác thì cực kỳ khó. Cơ quan nào cũng bảo nơi khác tham nhũng chứ cơ quan mình có tham nhũng đâu” - trích bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2008, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục