Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Không ai có quyền xé tấm bản đồ này thành hai mảnh
Bài 3: “Từ nước ngoài, chúng tôi tham gia kháng chiến”
Chủ nhật: 21:51 ngày 27/04/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, một sáng tháng tư 2025. Đến từ TP. Hồ Chí Minh, sau khi thắp nén hương tưởng nhớ những người đã ngã xuống, ông Trần Việt Ngữ, 80 tuổi, cựu giảng viên đại học, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến Việt kiều Campuchia yêu nước hồi tưởng về những tháng năm rực lửa chiến tranh trên bán đảo Đông Dương.

Ông Trần Việt Ngữ- Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến Việt kiều Campuchia (bìa trái) thắp hương cho các anh hùng, liệt sĩ tại Đền thờ liệt sĩ Việt kiều Campuchia.

“Chúng tôi đến với Đảng bởi lòng yêu nước”

“Ngày ấy, tôi tham gia vào tổ chức hoạt động bí mật tại Campuchia, nhưng vẫn có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thời đó gọi là Đảng Lao động Việt Nam. Thời thuộc Pháp, bố mẹ tôi từ ngoài miền Bắc đi công nhân đồn điền cao su ở Campuchia.

Tôi sinh ra ở đất nước Chùa Tháp. Lớn lên, tôi hiểu được lịch sử đau thương của đất nước mình. Không trở về cố hương được nhưng lòng yêu nước như mạch ngầm tuôn chảy trong huyết quản của mỗi con dân gốc Việt.

Hội Việt kiều tuyên truyền, vận động bà con Việt kiều có tấm lòng với Tổ quốc bằng hai cách: hoặc bằng vật chất hoặc bằng con người. Điều này giải thích vì sao, hầu hết cán bộ, chiến sĩ bảo vệ Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đều là con em Việt kiều Campuchia. Năm 1968, ở tuổi ngoài hai mươi, tôi thoát ly gia đình, đi vào chiến khu.

Tôi phải thực lòng rằng, lúc đó chưa hiểu nhiều về Đảng Lao động Việt Nam. Tôi đi vào chiến khu như một hiệu ứng đám đông. Nhưng sau khi vào chiến khu, được trải qua cảnh bom rơi, đạn nổ, tôi cảm nhận được đồng bào ở hai miền đất nước cực khổ như thế nào.

Và từ đó được Đảng giáo dục, tôi đứng vào hàng ngũ của Đảng. Như vậy, hành trang của tuổi trẻ Việt kiều lúc đó là lòng yêu nước chứ chưa giác ngộ về khái niệm gì to tát” - ông Ngữ nói.

Ông Ngữ cho biết, hằng năm, hội viên Hội Việt kiều yêu nước đều về huyện Tân Biên để thắp hương tưởng nhớ đồng bào đã nằm xuống trong cuộc kháng chiến. “Chúng tôi thường nói với nhau, để cho đền thờ hương tàn, khói lạnh là có lỗi với người đã khuất.

Chúng tôi thường nói với nhau rằng, mình may mắn còn sống thì phải sống sao cho xứng đáng dưới lá cờ Tổ quốc, không được lung lay ý chí trước các thế lực thù địch, vì các thế lực này hiện tại hoạt động trên mạng xã hội rất mạnh.

Bà Nguyễn Thị Toán, Việt kiều Campuchia (cầm bút) tìm tên ba của bà là liệt sĩ.

Nam Bắc hai miền chỉ cách một con sông (Bến Hải) nhưng chúng ta đã mất hai mươi năm để bắc được nhịp cầu thống nhất qua dòng sông lịch sử ấy. Những ngày tháng tư này, ông có điều gì muốn nói về sự hy sinh vô cùng to lớn của nhân dân ta, dân tộc ta? “Trước hết, tôi xin khẳng định, nếu không có định hướng của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua tổ chức của Hội Việt kiều hoạt động bí mật thì không bao giờ giữ được phong tục, tập quán vùng miền, ví dụ như miền Bắc, miền Trung, miền Nam.

Đảng, thông qua Hội Việt kiều, tập hợp lại, tạo nên sự đoàn kết, giúp đỡ nhau ổn định kinh tế, nhân lực trực tiếp giúp sức cho miền Nam. Ngày ấy, đồn điền cao su nào cũng có Hội Việt kiều, có chi bộ Đảng.

Tôi kể chuyện này, có lần tôi đi theo ông Tư Cam- Trưởng Ban Liên lạc Hội Việt kiều Campuchia ra Hà Nội gặp đồng chí Lê Khả Phiêu. Chúng tôi tập hợp hồ sơ về hoạt động của Việt kiều Campuchia trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Lúc bấy giờ đồng chí Lê Khả Phiêu có nói: “Chúng tôi biết và chúng tôi rất trân trọng những đóng góp vô cùng to lớn của đồng bào ta ở Campuchia, nhưng vì vấn đề chính trị, bà con chịu khó chờ thêm thời gian”.

Sau chuyến đi Hà Nội, hoạt động của kiều bào ta ở Campuchia được công nhận, công khai. Năm nay 80 tuổi và từng đi qua chiến tranh, tôi có thể mạnh dạn nói rằng, nếu không có cơ sở Việt kiều Campuchia, các vị lãnh đạo cao nhất của miền Nam lúc đó như ông Nguyễn Văn Linh, ông Phạm Hùng khó lòng hoạt động.

Nhiều người không biết hết, khi cách mạng miền Nam tổn thất nặng nề, Nghị quyết 15 cho phép kết hợp đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang, bà con Việt kiều chúng tôi cũng được phổ biến để tham gia, từ đó tạo ra bước ngoặt cho tiến trình đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước” - ông Ngữ, cựu giảng viên đại học nhìn nhận.

Ông Ngữ cho biết ngày 1.5.1975, các đơn vị vũ trang về trước, bảy ngày sau ông mới về nước theo quốc lộ 22. “Thực ra sau Hiệp định Paris, Hội Việt kiều Campuchia đã về đây (Tây Ninh) đa phần cán bộ chủ chốt của huyện Tân Biên đều là Việt kiều”. Cuộc hành trình vạn dặm vì sự nghiệp cao cả - thống nhất non song đã tròn nửa thế kỷ, hôm nay, trở về chiến trường xưa, cảm xúc của ông thế nào?

“Với tất cả lòng khiêm tốn của một người Việt kiều, trước hết tôi bày tỏ sự tri ân đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, với Bác Hồ và đối với Nhân dân Việt Nam, vì không có Nhân dân cưu mang, Việt kiều chúng tôi có to lớn đến đâu cũng là giọt nước giữa đại dương mênh mông.

Năm mươi năm thống nhất đất nước, tôi càng tin rằng sự lựa chọn của mình là đúng đắn. Sinh năm 1945, năm 1954 tôi chỉ là đứa trẻ, sau này học lịch sử tôi mới biết được đất nước mình ngót 100 năm bị thực dân Pháp đô hộ, không có bản đồ trên thế giới, không có cờ Tổ quốc, nhục lắm.

Chỉ khi Cách mạng tháng Tám và khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình mới hồi sinh dân tộc Việt Nam, chưa có một Đảng nào làm được điều này. Tiếp đó, được sự giúp đỡ to lớn của hậu phương miền Bắc, miền Nam đấu tranh 20 năm.

Lớn lên trong thời kỳ cả nước có chiến tranh, chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc kháng chiến thần thánh này. Tôi chỉ nhắn nhủ với thế hệ con cháu, đầu tiên phải học thuộc lịch sử, nếu không thuộc lịch sử sẽ bị các thế lực thù địch đơm đặt, xuyên tạc, chúng đánh vào lịch sử dân tộc là đánh vào tư tưởng của chúng ta, nguy hiểm vô cùng, còn hơn cả đạn bom. Do đó, tôi mong thế hệ sau này phải học thuộc lịch sử.

Học lịch sử mới thấy thương dân tộc mình, không có Đảng lãnh đạo, không có Tổ quốc ta liền một dải như hôm nay. Tôi muốn nhắn đến thế hệ trẻ là phải biết uống nước nhớ nguồn”.

“Tổ quốc đang gọi chúng ta”

Ánh mắt trầm tư, nếp da trên gương mặt ở tuổi 79 xô lại với nhau như từng lớp sóng biển, ông Phạm Văn Quynh, 79 tuổi, nguyên Trưởng Ban Dân vận, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện Tân Biên, cũng sinh ra ở Campuchia. Ông nói, dù xa quê hương nhưng luôn gắn bó với Tổ quốc, đó là truyền thống của dân tộc.

“Năm mươi năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi về Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, về đây để tưởng nhớ những ngày đã qua. Giai đoạn 1960-1965, tại Campuchia, tôi được đi học, được nghe giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc.

Ông Phạm Văn Quynh, nguyên Trưởng Ban Dân vận, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện Tân Biên xúc động kể về những năm tháng chiến tranh.

Từ nước ngoài, thanh niên chúng tôi giác ngộ cách mạng qua những bài báo và lời hiệu triệu cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không ai bảo ai, chúng tôi biết rằng, Tổ quốc đang gọi chúng ta. Tôi đứng vào hàng ngũ của Đảng Lao động Việt Nam năm 1968, tại Campuchia.

Làm được gì cho Tổ quốc là tôi làm. Chúng tôi giáo dục lớp trẻ thời kỳ đó tinh thần yêu nước, chúng tôi tổ chức bình dân học vụ, khơi gợi lòng yêu nước. Thời đó nơi tôi sống có đến hơn 80% con em Việt kiều về miền Nam tham gia chiến đấu.

Gia đình tôi có 9 anh em, chết 3 người vì bệnh tật, còn lại 6 người, anh em chúng tôi đều tham gia chiến đấu. Năm 1970, được bầu làm Bí thư Chi bộ, với trách nhiệm đó, tôi đã vận động lực lượng thanh niên về Việt Nam chiến đấu. Những năm tháng đó, bản thân tôi được cấp trên giao vận động thanh niên về miền Nam chiến đấu”.

Cán bộ, hội viên Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến Việt kiều Campuchia chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ liệt sĩ Việt kiều Campuchia.

“Lúc bấy giờ, cấp trên chủ trương, ai vận động được nhiều thanh niên về nước tham gia kháng chiến thì chính người đứng ra vận động có cơ hội được về miền Nam đánh giặc. Vì thế, tôi cùng một số anh em hoạt động rất tích cực với một tấm lòng vô tư, trong sáng.

Nhưng để duy trì được phong trào, bắt buộc phải có tổ chức, có cơ sở tại chỗ. Vì thế, năm 1970, tôi được cử làm bí thư đồn điền cao su có tên gọi Bến Két”. Từ thời điểm này, vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của ông Quynh trở nên nặng nề hơn vì đứng đầu một tổ chức của Đảng ta ở nước bạn. Kỷ niệm 50 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ông đến đây để tưởng nhớ đến sự hy sinh của anh em đồng đội, đặc biệt là anh em Việt kiều đã hy sinh vì Tổ quốc.

“Tại Campuchia, cả gia đình tôi tham gia cách mạng. Ba và chị ruột tôi hy sinh năm 1970 tại Campuchia. Mẹ tôi nuôi giấu cán bộ ở Campuchia. Tôi còn bé, làm giao liên tại Campuchia. Hôm nay ngồi đây, nhớ về những tháng ngày cả nước ra trận, mừng mừng tủi tủi. Hy sinh nhiều nhưng Tổ quốc đã hoà bình, thống nhất” - bà Nguyễn Thị Toán, Việt kiều Campuchia, hiện sống tại TP. Hồ Chí Minh kể.

Việt Đông - Hoàng Yến

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục