Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử
Bài 3: Ươm mầm cho thế hệ kế thừa
Chủ nhật: 23:58 ngày 27/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử không gì khác hơn ngoài việc dạy cho giới trẻ hiểu về ĐCTT, cách thưởng thức và khơi gợi niềm đam mê bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Nguyễn Thị Ngọc Thảo- thành viên nhỏ tuổi nhất của CLB ĐCTT-CL thị xã Trảng Bàng

Theo các nhà nghiên cứu, sức sống của đờn ca tài tử luôn mãnh liệt khi môi trường thực hành ngày càng mở rộng, phần nào thoả mãn được niềm đam mê của giới mộ điệu. Để gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) không gì khác hơn ngoài việc dạy cho giới trẻ hiểu về ĐCTT, cách thưởng thức và khơi gợi niềm đam mê bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Nhân tố trẻ ngày một khan hiếm

Hiện nay, nhiều địa phương đã tổ chức được các câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm nghệ thuật ĐCTT. Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu, bởi chất lượng nghệ thuật còn kém, thế hệ trẻ chưa thật sự nắm bắt và cũng chưa mấy mặn mà với loại hình nghệ thuật này. Ngoài ra, do hạn chế về kinh phí nên công tác quảng bá và tổ chức các hoạt động chưa thu hút, đa số chỉ là các hoạt động hát với nhau, chưa tạo được sân chơi để người yêu thích ĐCTT phát huy tài năng.

Tại thị xã Trảng Bàng và huyện Bến Cầu, hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm đờn ca tài tử gặp nhiều khó khăn. Như nhóm nhạc đờn ca tài tử Đức Lập (huyện Bến Cầu), dù thành lập khá sớm nhưng chỉ có 17 thành viên hoạt động thường xuyên.

Thành viên lớn tuổi nhất 72, nhỏ tuổi nhất cũng đã 36. Hầu hết đều không được đào tạo bài bản, các thành viên chỉ biết vài bài tổ, hát vọng cổ, một số trích đoạn cải lương... chưa thực sự hiểu sâu về kỹ thuật hát, biểu diễn sân khấu.

Theo Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Lập- Trưởng nhóm Đức Lập, vẫn còn nhiều người trẻ thích nghe ĐCTT, cải lương, nhưng theo đuổi dòng nhạc dân tộc cần phải thật sự đam mê. Muốn hát hay phải hiểu về nhịp, thuộc lời, lối diễn... không phải ai học qua cũng có thể hát được.

Nhiều năm qua, các thành viên luôn cố gắng duy trì nhóm nhạc, bận rộn đến đâu cũng sắp xếp để tham gia sinh hoạt hằng tháng, tham gia hội thi, hội diễn. Nhưng đến nay, nhóm nhạc chưa tìm được người kế thừa. Đây là một trong những trăn trở của ông Lập. “Không hiếm giọng ca trẻ có năng khiếu nhưng chưa được bồi dưỡng, đào tạo và khai phá tiềm năng. Vì vậy, rất cần có sự quan tâm từ phía các ngành chức năng trong việc tổ chức tìm kiếm những nhân tố đờn ca tài tử trẻ trong tỉnh để đào tạo, bồi dưỡng thành những hạt giống mới, kế thừa lớp nghệ sĩ gạo cội”- ông Lập chia sẻ.

Phát hiện nhân tố trẻ có tố chất từ hội diễn văn nghệ, ông Trịnh Văn Hỏi- Chủ nhiệm CLB ĐCTT, cải lương thị xã Trảng Bàng thuyết phục gia đình em Nguyễn Thị Ngọc Thảo, 16 tuổi, ngụ huyện Gò Dầu đến tham gia sinh hoạt tại CLB. Đến nay, Ngọc Thảo đã có 3 năm học hát ĐCTT, cải lương dưới sự dẫn dắt, bồi dưỡng, rèn luyện của thầy Nhơn, thầy Hỏi. Em đã biết hát nhiều bài vọng cổ, trích đoạn cải lương, cảm được nhạc, diễn xuất. Sự xuất hiện của Ngọc Thảo làm cho CLB trở nên tươi trẻ hơn, phong trào ĐCTT, cải lương tại địa phương có phần khởi sắc.

Thế nhưng, nhân tố mới như Ngọc Thảo “đếm trên đầu ngón tay”. “Sau hơn 3 năm phát hiện ra tài năng Ngọc Thảo, đến nay, CLB vẫn chưa tìm được thêm nhân tố mới. Hoặc có thì các em cũng chỉ tham gia cho vui, chưa thật sự muốn gắn bó.

Việc tìm kiếm những hạt giống mới, tài năng trẻ để kế thừa đang là vấn đề CLB quan tâm. Nhưng để bồi dưỡng cho các em cần có điều kiện tập luyện tốt, nhạc cụ đầy đủ và có nơi để các em thể hiện, phát huy tài năng”- ông Hỏi cho biết.

Các nghệ sĩ trẻ của Trung tâm Văn hoá tỉnh tham gia chương trình cải lương tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới tại 20 xã trên địa bàn tỉnh.

Đưa đờn ca tài tử, cải lương đến với giới trẻ

Nghệ nhân ưu tú Phan Thành Trí- Chủ nhiệm CLB ĐCTT tỉnh Tây Ninh cho rằng, để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật dân tộc này, cần phải tìm kiếm, phát hiện và đào tạo đội ngũ kế thừa. Vì vậy, vừa qua, Trung tâm Văn hoá tỉnh tổ chức lớp học ĐCTT, cải lương cho những người đam mê, yêu thích.

Ông cùng các nghệ sĩ gạo cội giảng dạy và hướng dẫn cho các học viên. Đây là một hoạt động nằm trong kế hoạch phục hồi và bảo tồn ĐCTT, cải lương của tỉnh. Ông hy vọng lớp học sẽ ngày càng phát triển và lan toả ra các huyện, thị khác trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, theo Nghệ nhân ưu tú Phan Thành Trí, để đưa ĐCTT đi vào đời sống, cần có sự đón nhận của khán giả, đặc biệt là giới trẻ. Để có lớp khán giả trẻ biết thưởng thức âm nhạc dân tộc, trong đó có ĐCTT, cần đưa âm nhạc dân tộc vào học đường giới thiệu, giảng dạy và tạo môi trường cho các em tiếp xúc.

Tuy nhiên, theo Nghệ nhân ưu tú Phan Thành Trí, trên thực tế, thành lập lớp học thì dễ, duy trì rất khó. Điều này rất cần sự quan tâm từ các cấp, ngành, từ việc hỗ trợ kinh phí, điều kiện học tập cho đến tạo sân chơi cho các em thể hiện.

 Bà Hàng Thị Quý Tâm- Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh nhận định, giới trẻ ngày nay bị ảnh hưởng bởi quá nhiều loại hình âm nhạc mới. Vì vậy, âm nhạc dân tộc trong thời kỳ hiện đại cũng phải khoác lên mình “tấm áo” mới, phải tiếp cận được giới trẻ bằng những cách thức mới.

Chúng ta không thay đổi toàn bộ, phải biết gắn kết cái cũ và cái mới để tạo ra cái hiện đại. Đó có thể là sự kết hợp giữa tân cổ giao duyên, vừa tân vừa cổ, vừa cổ vừa hiện đại như các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ thể hiện thành công trong thời gian qua với các bài hát thịnh hành trong giới trẻ, tạo nên xu hướng âm nhạc mới được các bạn trẻ đón nhận nhiệt tình. Điển hình như bài hát “Về nghe mẹ ru”, do NSND Bạch Tuyết và ca sĩ trẻ Hoàng Dũng và Hứa Kim Tuyền biểu diễn.

Ngọc Bích - Hoàng Yến

Tin cùng chuyên mục