Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Không ai được quyền xé tấm bản đồ này thành hai mảnh
Bài 4: Yêu quê hương qua từng trang sách
Thứ hai: 09:57 ngày 28/04/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sống trong hoà bình, học trong ngôi trường khang trang, hiện đại, không còn cảnh “đội mũ rơm đi học đường dài”, học sinh, sinh viên, họ biết gì và nói gì về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX?

Khi Tổ quốc lâm nguy, lớp lớp thanh niên, sinh viên, thậm chí cả học sinh lần lượt giã từ quê hương, từ biệt mái trường lên đường theo tiếng gọi của con tim. Tuổi trẻ ngày ấy, ai cũng có ước mơ, hoài bão, khát vọng và cả tình yêu đôi lứa, nhưng điều đó đành tạm gác lại...

Sống trong hoà bình, học trong ngôi trường khang trang, hiện đại, không còn cảnh “đội mũ rơm đi học đường dài”, học sinh, sinh viên, họ biết gì và nói gì về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX?

Tuổi trẻ nói về tiếng vọng của quá khứ

Em Trương Quang Huy, học sinh lớp 12, chuyên Sinh, Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, người từng đạt giải Khuyến khích môn Lịch sử trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2025 cho biết, là học sinh lớp chuyên Sinh nhưng em tham gia đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử và đạt giải. “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, dù chúng ta không hề muốn chiến tranh. 

Cuộc kháng chiến này trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, như chiến lược chiến tranh đơn phương, chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hoá chiến tranh. 

Những chiến thắng lẫy lừng của quân và dân ta như Ấp Bắc, Mậu Thân 1968, “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, buộc Mỹ phải ký hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Các em học sinh thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích Chiến thắng Tua Hai.

Còn đối với địa phương, em biết một số chiến thắng của quân và dân Tây Ninh, đặc biệt là trận Tua Hai đã thúc đẩy phong trào Đồng khởi phát triển rộng khắp miền Nam Việt Nam làm lung lay tận gốc chính quyền Ngô Đình Diệm và sau đó là sụp đổ. Em nghĩ không có cái giá nào đắt hơn cái giá phải trả để giành được nền hoà bình, tự do cho dân tộc. 

Chúng ta đã hy sinh rất nhiều về của cải, vật chất, con người lẫn tinh thần để giành lấy thắng lợi như hôm nay. Lớp lớp cha anh đã ngã xuống vì nền độc lập, để nối liền Nam-Bắc một nhà. 

Em cũng biết đường lối, chính sách đối ngoại của nước ta là gác lại quá khứ để hướng tới tương lai trong mối quan hệ với Mỹ. Trong xu thế hiện nay, chúng ta cần gác lại quá khứ để hội nhập với các quốc gia trên thế giới, không riêng gì với Mỹ, có như vậy đất nước mới ngày càng phát triển hơn”.

Học lớp chuyên Văn nhưng giành giải Ba môn Lịch sử trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Võ Thị Huỳnh Như- học sinh lớp 12 Văn, Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha bày tỏ, em có niềm yêu thích đặc biệt đối với môn Lịch sử. 

“Đối với em, học sử giúp em thêm yêu quê hương cội nguồn, yêu con người Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, theo em, là cuộc kháng chiến oanh liệt, mốc son chói lọi mà mỗi người dân Việt Nam không bao giờ quên, không được phép lãng quên. 

Đối với thế giới, Việt Nam đã góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Cái giá trả rất đắt, vì hàng triệu người đã ngã xuống vĩnh viễn. Nhưng, quý giá nhất là chúng ta được độc lập. Bác Hồ đã nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Học sinh nghe thuyết minh về chiến thắng Tua Hai lịch sử.

Ngày hôm nay em được đứng dưới mái trường này để bày tỏ cảm xúc của mình không phải dưới mưa bom, bão đạn; được nói lên chính kiến, được tự do ngôn luận, đó là điều quý giá mà chỉ ở thời bình mới có được. 

Mỗi dịp tháng tư đến, em lại cảm thấy rất tự hào, vì ngày kỷ niệm lớn của đất nước là ngày 30.4. Em cảm nhận rất rõ giá trị của hoà bình. Có hoà bình, chúng em mới được tự do đến trường, được vui chơi, được tự do giải trí, được sống trong môi trường tự do, được yêu thương, được bảo vệ. Học sinh- chủ nhân tương lai của đất nước, thế hệ trẻ sẽ có bổn phận, trách nhiệm và lòng yêu nước theo cách của mình trong hoà bình.

Chúng em tự hào vì được sống trong độc lập, chúng em không thể hiểu được nỗi đau mà chiến tranh để lại. Em đã tới Trung ương Cục miền Nam, được tham quan khung cảnh nhà làm việc của các cô chú ngày xưa, được thử chui xuống địa đạo… 

Em càng biết ơn thế hệ cha anh đi trước. Hiện nay, thế giới đang trong xu hướng toàn cầu hoá, hoà bình là xu thế chung. Nước ta tham gia, hội nhập vào dòng chảy này, hợp tác với các quốc gia là điều tất yếu, không thể khác được. 

Đảng chủ trương khép lại quá khứ, hướng đến tương lai, quyền và lợi ích của dân tộc là trên hết, miễn là chúng ta tin tưởng, ủng hộ chủ trương của Đảng thì đó là điều đúng đắn”- Huỳnh Như bày tỏ.

Chúng tôi lớn lên trong hoà bình

Đại diện cho thế hệ trẻ, chị Nguyễn Thị Trúc Mai- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Tây Ninh phát biểu: “Ngày 30.4.1975 là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, là ngày đất nước ta được thu về một mối, non sông liền một dải. 

Với thế hệ trẻ hôm nay, đó không chỉ là niềm tự hào, còn là lời nhắc nhở sâu sắc về trách nhiệm kế thừa và phát huy những giá trị cao đẹp mà cha ông đã để lại. Là thế hệ trẻ của quê hương Tây Ninh - vùng đất giàu truyền thống cách mạng - chúng tôi luôn ý thức rõ vai trò của mình trong việc dựng xây và phát triển quê hương, đất nước. Chúng tôi nguyện sống có lý tưởng, có khát vọng, góp sức trẻ để đưa Tây Ninh và Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong thời đại mới.

Trong những ngày này, cả nước đang háo hức tham gia các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 30.4.1975 - 30.4.2025. Năm mươi năm, một chặng đường đủ dài, là dịp để chúng ta nhìn lại một chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc, tri ân thế hệ đi trước đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Chúng ta có quyền tự hào về một Việt Nam kiên cường, bất khuất.

Thế hệ thanh niên Tây Ninh chúng tôi - những người trẻ sinh ra trong hoà bình - không phải trải qua khói lửa của chiến tranh. Nhưng chúng tôi ý thức được trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước. Bằng tri thức, bằng nhiệt huyết, thế hệ trẻ chúng tôi nguyện phát huy lòng tự trọng, tự hào dân tộc, kế thừa truyền thống cách mạng của các thế hệ đi trước. 

Tuổi trẻ cả nước nói chung, Tây Ninh nói riêng không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, làm chủ khoa học công nghệ, sáng tạo trong lao động sản xuất, viết tiếp bản hùng ca bằng những chiến công mới trong thời đại mới - thời đại của khoa học và công nghệ”.

Việt Đông - Hoàng Yến

(còn tiếp)

Năm 1961, nhà thơ Giang Nam sáng tác bài thơ “Nghe em vào đại học” dưới hình thức một lá thư gửi cho người em. Tinh thần của bài thơ này thể hiện khát vọng được đến trường, được khám phá chân trời khoa học, lâu đài tri thức. Nghe tin em vào đại học, người anh không giấu được khát khao cháy bỏng, chính đáng ấy. Nhưng, “Bài ca" hôm nay em chép được rồi/ Không phải bài "Đoàn quân đi..." thuở trước/ Anh chưa bước chân vào trường đại học/ Chưa lên giảng đường, chưa mặc áo sinh viên/ Chưa biết vì sao ngày tối tiếp liền/ Chưa biết quê ta nơi nào nhiều quặng/ Giặc dành cho ta nhà tù, bom đạn/ Bảy năm rồi trong khói lửa đấu tranh” và “Anh sẽ để riêng một đêm thức suốt/ Kể em nghe chuyện chiến đấu miền Nam/ Câu chuyện mở đầu "Thuở ấy, ở quê hương/ Anh chỉ học có một trường cách mạng...".

Tin cùng chuyên mục