Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cần phát triển bền vững nghề nuôi trồng thuỷ sản
Bài cuối: Cần sự vào cuộc của ngành chức năng
Thứ tư: 23:02 ngày 03/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tính đến tháng 2.2021, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 2.510 tấn với nhiều loại thuỷ sản như cá lóc, cá diêu hồng, tôm càng xanh… Tuy nhiên, do nuôi trồng tự phát, thiếu tính liên kết nên năm 2020, nhiều nông dân lỗ nặng. Ðể nghề nuôi trồng thuỷ sản phát triển bền vững, cần có sự hỗ trợ của ngành chức năng.

Người nuôi cá vẫn hy vọng giá cá ổn định.

Thiếu tính liên kết

Anh Nguyễn Văn Tuân, ngụ ấp Phước An, xã Phước Ninh trăn trở: “Liệu giá cá thương phẩm năm nay có khả quan hơn năm rồi, làm thế nào để thuỷ sản như cá lóc, ba ba tìm được chỗ đứng ổn định trên chính quê hương Tây Ninh và nông dân không cần lo giá cả mỗi ngày?”.

Trăn trở của anh Tuân cũng chính là nỗi lo chung của hàng trăm hộ nuôi trồng thuỷ sản ở huyện Dương Minh Châu, nên đã xảy ra tình trạng “treo ao”, nuôi cầm chừng, neo cá lại chờ giá lên...

Ngoài tác động của dịch bệnh, thời gian qua, nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh phát triển chưa bền vững do người nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện còn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, phân tán; cơ sở hạ tầng chưa bảo đảm, hệ thống thuỷ lợi riêng cho nuôi trồng thuỷ sản chưa có; việc liên kết để tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.

Hơn nữa, việc tiếp cận thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm của người sản xuất và doanh nghiệp còn hạn chế, gây tình trạng mất cân đối cung cầu. Một số sản phẩm tuy đạt chất lượng cao nhưng chưa có chứng nhận về tiêu chuẩn chất lượng, cho nên rất khó tiếp cận các thị trường khó tính. Nhiều hợp tác xã chưa phát huy được khả năng, lợi thế cũng như thực hiện tốt trách nhiệm của mình… Từ đó dẫn đến việc các loại thuỷ sản thương phẩm bị thương lái ép giá.

Ông Nguyễn Văn Chí, ngụ ấp B4, xã Phước Minh cho biết, “Chúng tôi muốn liên kết với doanh nghiệp nhưng gặp khó khăn do sản lượng không đáp ứng đủ yêu cầu, giá cá lại không cao”.

Bên cạnh đó, chất lượng con giống, giá con giống đang là vấn đề khiến người nuôi lo lắng. Giá cá giống tăng hay giảm, chất lượng con giống như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào đơn vị cung cấp. Việc kiểm dịch con giống trước khi thả để giảm bớt dịch bệnh cũng chưa được thực hiện.

Theo tính toán của người dân, giá cá giống để thả 1 ao so với cuối năm 2020 đã tăng khoảng 1,6 triệu đồng. Giá thức ăn tăng từ 500.000 đồng/bao lên 530.000 đồng/bao. Hiện cá lóc thương phẩm có giá 31.000 đồng/kg. Theo một số nông dân nuôi cá lóc, với giá này, người nuôi chưa có lãi, chỉ hoà vốn, thậm chí lỗ nếu tỷ lệ hao hụt cao.

Ông Nguyễn Ngọc Loan- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Ninh cho biết, trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã xây dựng mô hình chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ khép kín với nguồn vốn hơn 3 tỷ đồng/3 ha.

Trong đó, nguồn vốn trung ương hỗ trợ 2,15 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương. Hợp tác xã sản xuất, thương mại, dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh đã kêu gọi, liên kết một số doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết theo hình thức cung cấp con giống bảo đảm chất lượng, thức ăn chăn nuôi và thu mua sản phẩm. Bên cạnh đó, địa phương dành 225 triệu đồng từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ người dân con giống và thức ăn chăn nuôi để khôi phục sản xuất.

Song song đó, để hỗ trợ hội viên, nông dân tiêu thụ sản phẩm, Hội Nông dân huyện phối hợp Hội Nông dân các xã Phước Ninh, Phước Minh tổ chức ký kết hợp đồng tiêu thụ ba ba với Công ty TNHH Tiền Hậu; Hội Nông dân xã Phước Ninh ký kết cung cấp cá lóc, cá diêu hồng và rau màu cho chuỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh; một số hợp tác xã nông nghiệp trong vùng liên kết tiêu thụ một số loại cá; thương lái tại địa phương nhận bao tiêu nông, thuỷ sản cho 208 hội viên nông dân với khối lượng hàng trăm tấn.

Thu hoạch cá. Ảnh: Lê Văn Hải

Tăng cường công tác hỗ trợ

Nghề nuôi trồng thuỷ sản mang lại lợi nhuận kinh tế cao, tuy nhiên, do nhiều hạn chế nên việc phát triển còn gặp khó khăn. Ðể bảo đảm lợi ích và sinh kế lâu dài cho các hộ nuôi, ngành chức năng cần có giải pháp quy hoạch vùng nuôi cụ thể, có chính sách hỗ trợ giá cá giống, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân nuôi cá lồng.

Tổ chức các hộ nuôi nhỏ, lẻ thành các tổ liên kết sản xuất, hợp tác xã, từng bước tạo mối liên kết giữa người sản xuất, nhà chế biến và tiêu thụ, thực hiện nhà chế biến có vùng nguyên liệu, người nuôi có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Tạo điều kiện khai thác tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái, phát triển nuôi trồng thuỷ sản, đưa nuôi trồng thuỷ sản trở thành lĩnh vực sản xuất chính cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thuỷ sản và tiêu dùng trong nước, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Bên cạnh đó, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác quy hoạch các vùng nuôi trồng thuỷ sản, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng; rà soát lại diện tích nuôi trồng, bảo đảm các điều kiện nuôi an toàn dịch bệnh.

Tiếp tục đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng như: thuỷ lợi, điện, giao thông phục vụ nuôi trồng thuỷ sản, nhất là các vùng nuôi tập trung và vùng mới chuyển đổi; hướng dẫn các cơ sở xây dựng thương hiệu, công bố tiêu chuẩn chất lượng con giống sản xuất, truy xuất nguồn gốc, tăng cường công tác kiểm dịch thuỷ sản; tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản.

Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục