Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn
Bài cuối: Cần đánh giá kỹ tác động trước khi triển khai chính sách
Thứ hai: 14:55 ngày 15/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành 7 văn bản triển khai chính sách nhằm hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Sở còn phối hợp các ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát, đánh giá, tham mưu xây dựng và trình phê duyệt các đề án, dự án nhằm cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi an toàn, ứng dụng công nghệ cao… trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Nông dân chăm sóc rau.

Từ năm 2013 đến tháng 9.2018, tổng kinh phí thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp là 137.549 triệu đồng, trong đó: ngân sách Trung ương hỗ trợ là 17.900 triệu đồng, ngân sách địa phương 119.649 triệu đồng.

Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Chẳng hạn như chính sách hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn với tổng kinh phí thực hiện là 8.393 triệu đồng. Trong giai đoạn 2013-2015, ngành nông nghiệp đã triển khai các mô hình thâm canh lúa hiệu quả, bền vững theo hướng VietGAP và cánh đồng lớn, với tổng diện tích đã thực hiện trên 20.300 ha trên địa bàn của 6 huyện, với sự tham gia của khoảng 11.300 hộ nông dân.

Ðối với dự án xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định số 15/2017/QÐ-UBND ngày 11.5.2017 của UBND tỉnh, đến nay, đã có 5 dự án hỗ trợ 30% chi phí mua giống cây trồng cho nông dân tại các huyện Tân Châu, Trảng Bàng, Tân Biên với kinh phí hỗ trợ khoảng 3.725 triệu đồng.

Các chính sách khác như: hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ (theo Quyết định số 07/2017/QÐ-UBND ngày 6.3.2017 của UBND tỉnh) đã hỗ trợ mua con giống, xử lý chất thải chăn nuôi và hỗ trợ gieo tinh nhân tạo cho gia súc với số tiền hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh đã có 2 dự án đầu tư (cá nhân) đang trình hội đồng thẩm định với mức đề nghị hỗ trợ lãi vay giai đoạn 2018-2021 là 1.500 triệu đồng (huyện Tân Châu và Châu Thành), được hỗ trợ theo chính sách hỗ trợ lãi vay để phát triển nông nghiệp tốt, nông nghiệp công nghệ cao.

Cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đã triển khai được 1 đề án, 26 dự án và 15 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ tập huấn, tư vấn, hướng dẫn quy trình và chứng nhận sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP… Qua đó, góp phần ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ vào phát triển sản xuất nông nghiệp có hiệu quả.

Trong đợt khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HÐND tỉnh, tại buổi làm việc, bà Kim Thị Hạnh- Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HÐND tỉnh cho biết, các chính sách triển khai có những chính sách “không hấp dẫn”, chưa đạt được hiệu quả cao.

Tây Ninh có 9 huyện, thành phố. Mỗi vùng có đặc thù về cây trồng (công nghiệp, cây hằng năm, cây lúa…) nhưng lại thiếu nhà máy chế biến. Sản phẩm hiện nay chủ yếu xuất thô, tiêu thụ nội địa, chất lượng chưa cao, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ nên cần có sự liên kết giữa 4 nhà. Bà Hạnh đề xuất cần đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm để mang lại hiệu quả. Ngành Nông nghiệp nên mạnh dạn chọn thí điểm một mô hình để làm và làm “trọn gói” đối với một diện tích nhất định. Khi đó, nông dân, doanh nghiệp nhận thấy đó là mô hình có lợi thì sẽ tự động nhân rộng.

Theo Sở NN&PTNT, sắp tới đây, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NÐ-CP ngày 5.7.2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (có hiệu lực từ ngày 20.8.2018). Ðồng thời, Sở NN&PTNT phối hợp Sở Kế hoạch và Ðầu tư tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các nội dung quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Ðiều 19 Nghị định số 57/2018/NÐ-CP ngày 17.4.2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cho phù hợp.

Bà Hạnh cho rằng, đối với 2 chính sách sắp sửa ban hành cần đánh giá kỹ về mặt tác động… Có như vậy mới không gặp phải tình trạng như hiện nay thì một số nghị quyết, chính sách chưa tới tận tay người được hưởng. Bà đề nghị ngành Nông nghiệp mạnh dạn đề xuất những kiến nghị mang tính chất xuyên suốt, theo đặc thù và cơ chế tài chính mà Tây Ninh có thể đảm đương được.

Liên quan đến chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, ngày 17.4.2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NÐ-CP thay thế cho Nghị định số 210/2013/NÐ-CP ngày 19.12.2013. Ông Phạm Văn Ðặng- Phó trưởng Ban Pháp chế HÐND tỉnh cho biết, sau 5 năm ra đời, đến nay, Nghị định 210 được thay thế bằng Nghị định 57 nên các sở, ngành chuẩn bị tham mưu xây dựng lại chính sách. Ông Ðặng cho rằng cần phải đánh giá, rút kinh nghiệm sâu sắc việc triển khai thực hiện Nghị định 210, vì dù ban hành đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào được hưởng chính sách này. Ông Ðặng đề nghị cần phải có đánh giá cụ thể để chính sách mới ban hành triển khai thực hiện có hiệu quả.

Ông Trần Hải Sơn- Phó trưởng Ban quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Ðen cho rằng, người dân, doanh nghiệp chưa tiếp cận được với các chính sách về nông nghiệp. Hiện nay, nông dân, doanh nghiệp muốn phát triển nông nghiệp đều phải tự lực. Cho nên cần phải có chính sách cụ thể nhằm bảo đảm sản xuất gắn với đầu ra.

Ông Sơn đặt vấn đề, việc sản xuất nông nghiệp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro (thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường bấp bênh…) nhưng chưa có chính sách đối với những rủi ro này, chưa có bảo hiểm cho người sản xuất. Theo ông Sơn, cần phải có chính sách về bảo hiểm cho sản xuất; phải có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Phải làm thế nào để doanh nghiệp dám bỏ tiền ra đầu tư vào nông nghiệp. Chứ chỉ nói chung chung nhưng khi vào thực tế, cơ chế lại không thông thoáng, doanh nghiệp không tiếp cận được với nguồn vốn thì không thể khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư.

Cần “cải thiện” chính sách

Qua giám sát, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới, Ban Kinh tế - Ngân sách kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả và những vướng mắc của từng chính sách để có những giải pháp điều chỉnh cho phù hợp; sớm sơ kết kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu ngành một cách khách quan, khoa học và toàn diện để góp phần xác định cụ thể những định hướng đầu tư phát triển sản xuất gắn với các chính sách hỗ trợ đầu tư, thu mua, sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở NN&PTNT sớm nghiên cứu, tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách hỗ trợ tín dụng cho các mô hình canh tác thí điểm đối với một số loại cây trồng theo định hướng phát triển của địa phương nhằm góp phần giảm bớt khó khăn và rủi ro cho người nông dân trong quá trình sản xuất.

Ngành Nông nghiệp cũng cần nâng cao hiệu quả thu hút, huy động các nguồn vốn đầu tư nhằm phát triển hạ tầng một cách đồng bộ, phục vụ thiết thực cho các định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với các nội dung, tiêu chí xây dựng nông thôn mới; nâng cao tỷ lệ cơ giới hoá, tự động hoá, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động ở nông thôn, giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

TRÚC LY

Tin liên quan