Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Để chính sách phát triển nông nghiệp đi vào cuộc sống
Bài cuối: Góp phần phát triển kinh tế - xã hội
Thứ tư: 00:09 ngày 03/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc thực hiện các chính sách đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn.

Dự án thuỷ lợi tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông được đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.

Để nông nghiệp thực sự là trụ đỡ của nền kinh tế, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Việc thực hiện các chính sách đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn.

Chính sách góp phần phát triển

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 6 nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, gồm: Nghị quyết số 40/2016/NQ-HĐND ngày 9.12.2016 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn; Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND ngày 12.4.2019 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2019-2025; Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐND ngày 12.4.2019 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2019-2025;

Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND ngày 12.4.2019 của HĐND tỉnh về kế hoạch thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2020; Nghị quyết số 15/2019/NQ-HĐND ngày 6.12.2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025 và Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 9.12.2021 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã thực hiện hỗ trợ được 8 dự án, trên 36 tỷ đồng (7 dự án cấp huyện, kinh phí hỗ trợ trên 4 tỷ đồng và 1 dự án cấp tỉnh, kinh phí hỗ trợ gần 32,2 tỷ đồng); hỗ trợ lãi vay được 13 dự án phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với tổng số tiền 4.672,4 triệu đồng; thu hút được 10 cán bộ trẻ (6 hợp đồng kỹ thuật, 4 hợp đồng nghiệp vụ kế toán) về làm tại 7 hợp tác xã nông nghiệp, với kinh phí thực hiện 723 triệu đồng.

Hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT, những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển với trọng tâm định hướng là các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, sản xuất áp dụng nông nghiệp công nghệ cao và liên kết theo chuỗi giá trị.

Trong đó, cơ cấu cây trồng chuyển biến rõ nét theo hướng tập trung, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường, công nghiệp chế biến và xuất khẩu; chủ yếu từ các cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái tiềm năng có giá trị cao như: nhãn, sầu riêng, bưởi, mít… góp phần tăng giá trị sản phẩm bình quân thu được trên đất trồng trọt. Đến năm 2021, giá trị sản phẩm bình quân trên mỗi héc-ta đất nông nghiệp của tỉnh đạt 102 triệu đồng, tăng 15 triệu đồng so với năm 2015.

Hộ chăn nuôi bò phát triển chăn nuôi hiệu quả.

Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, bảo đảm an toàn sinh học. Tính đến tháng 6.2022, tỷ lệ gia súc được nuôi quy mô lớn theo hình thức trang trại lạnh, khép kín phát triển khá mạnh đạt khoảng 47,5%, tỷ lệ gia cầm được nuôi quy mô lớn là 57%.

Trên địa bàn tỉnh bắt đầu hình thành một số khu vực nuôi thuỷ sản tập trung thâm canh, sản lượng cao, đặc biệt là vùng nuôi thâm canh gắn với đầu tư nhà máy chế biến (với diện tích vùng nuôi 31 ha). Đã đưa vào chế biến xuất khẩu khoảng 4.000 tấn/năm. Giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 1 ha nuôi trồng thuỷ sản đến cuối năm 2021 đạt 796 triệu đồng/ha/năm, tăng 270 triệu đồng so với năm 2015.

Mạng lưới cấp nước sạch nông thôn cũng được quan tâm đầu tư, sửa chữa, kết nối, với 70 trạm cấp nước tập trung cho các vùng nông thôn của tỉnh, với số hộ sử dụng nước tăng từ 14.140 hộ năm 2016 lên 20.576 hộ năm 2022 (tăng 45,5%), tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đạt 66%.

Đến năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 55/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 77,5%, bình quân mỗi xã đạt 17,8 tiêu chí, tăng 4,2 tiêu chí so với năm 2016, trong đó có 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 11,2% tổng số xã. Riêng thị xã Hoà Thành và thành phố Tây Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Ngoài ra, tỉnh có 27 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.

Hạ tầng thuỷ lợi không ngừng được duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng và đầu tư theo hướng đa mục tiêu nhằm nâng cao năng lực phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, cung cấp nước cho dân sinh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ kiên cố hoá kênh mương đạt 66,5%; diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới đạt 148.214 ha, tăng 1,5% so với năm 2016, tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới tiết kiệm đạt 29%; cấp nước phục vụ sản xuất công nghiệp khoảng 5,4 triệu mét khối.

Nhờ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết và áp dụng các quy trình thực hành sản xuất tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm trên các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh như: mãng cầu, cây ăn quả, rau, chăn nuôi heo thịt, gà thịt, bò thịt, bò sữa, tỷ lệ giá trị sản phẩm (GTSP) nông lâm thuỷ sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 11,5% vào năm 2021, so với năm 2017 chỉ đạt 10,4%; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt trên 36%; tổng giá trị sản phẩm nông lâm thuỷ sản của tỉnh năm 2021 đạt 19.998 tỷ đồng, chiếm 22,1% tổng GRDP của tỉnh.

Thời gian qua, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh- nhất là lĩnh vực chăn nuôi phát triển mạnh mẽ với 151 dự án đã đăng ký, trong đó, 101 dự án được UBND tỉnh đã phê duyệt và đã triển khai thực hiện như: Trang trại bò sữa Vinamilk chi nhánh Tây Ninh; trại gà của Công ty TNHH QL Agroresources; cơ sở ấp trứng Bel Gà, trại gà giống của Tập đoàn Hùng Nhơn và các dự án đầu tư trồng rau, dưa lưới trong nhà kính, cây ăn quả (mít, sầu riêng, bưởi…) theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt; cơ sở giết mổ, chế biến thịt bò của Công ty TNHH Pacow International; cơ sở giết mổ gia cầm của Công ty TNHH Thanh Bảo Hân với năng suất 1.000 con/giờ…

Dự án trồng dưa lưới trong nhà màng được hưởng chính sách ưu đãi sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho nông sản

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT, Tây Ninh xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong bốn đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Từ năm 2018-2021, mỗi năm, Sở phối hợp với Sở Công Thương thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm: OCOP, ngành nghề nông thôn, nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của Tây Ninh đến người tiêu dùng các tỉnh trong cả nước.

Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất… kết nối giao thương, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, kết nối cung cầu liên kết tiêu thụ đối với các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, đồng thời trao đổi, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

Riêng 6 tháng đầu năm 2022, Sở tổ chức cho các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp tham gia Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL năm 2022 “Liên kết cùng phát triển” tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp và Hội chợ thương mại Festival Huế năm 2022.

Bên cạnh đó, tỉnh xác định việc thu hút các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá, ứng dụng khoa học kỹ thuật là “hạt nhân” thúc đẩy liên kết, chế biến, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản là một trong những nhiệm vụ đã được xác định trong chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Các trang trại chăn nuôi, trồng trọt đang từng bước ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp như: hệ thống tưới tự động và bán tự động được trang bị trong các nhà màng, nhà lưới đối với các loại cây trồng như: dưa lưới, rau ăn lá, rau ăn quả với diện tích 35 ha; hoa lan 20 ha; sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước như hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt sử dụng phổ biến với diện tích trên 32.500 ha; ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử Kipus; sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý đất và phòng trừ sâu bệnh; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thức ăn xanh, phối trộn thức ăn theo phần mềm, cơ giới hoá, tự động hoá trong các khâu, sản xuất kín, an toàn sinh học, phù hợp với sản xuất an toàn; xử lý chất thải trong chăn nuôi với các mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà, vịt, xử lý chất thải bằng biogas trong chăn nuôi heo.

Minh Dương

Tin liên quan