Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 30.4.1975, sau cuộc trường chinh vạn dặm, dân tộc Việt Nam sạch bóng quân thù.

“Ba mươi năm, trường kỳ kháng chiến/ Ta đã đi. Và ta đã đến/ Thật đây rồi, hạnh phúc cầm tay/ Độc lập - Tự do, từ nay vĩnh viễn". Nhân dân Việt Nam, không chỉ những người có mặt trên chiến trường, những người ở hậu phương, những người con miền Nam tập kết “Đã qua, nỗi đêm Nam ngày Bắc/ Giữa quê hương mà như kiếp đi đày”.
Đại tướng Văn Tiến Dũng đánh giá: “Thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là một thắng lợi vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, mở ra một kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn cho Tổ quốc ta”.
“Chúng ta không phải bằng sắt thép”
Trên trang cá nhân, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trích đại ý lời của người cha: “Chúng ta đứng vững không phải bởi chúng ta bằng gang bằng thép, vì chẳng gang thép nào chịu nổi sức nóng của bom đạn, mà vì chúng ta là con người bằng xương bằng thịt nhưng biết yêu Tổ quốc mình nồng nàn”.
Nền tảng Youtube những ngày tháng tư này xuất hiện nhiều đoạn video clip của các vị lãnh đạo tối cao trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong đó có một video ghi cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn báo chí, trích nguyên văn:
“Ngay trong những ngày diễn ra Hội nghị Đà Lạt, tôi đã biết ý định của Pháp nhất định chiếm Nam Bộ, tách Nam Bộ khỏi nước Việt Nam. Cho nên, trong một tuần, chỉ riêng bàn về chương trình nghị sự cũng không xong. Một hôm, tôi đứng dậy tôi nói, tôi tuyên bố, Nam Bộ là máu của máu, thịt của thịt của Việt Nam. Một ngày Nam Bộ chưa trở về trong lòng Tổ quốc thì nhân dân Việt Nam còn chiến đấu. Khi Bác Hồ từ Pháp về (1946) chúng tôi biết tình hình rất khó khăn.
Chúng ta muốn hoà bình nhưng thật khó lòng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng tôi phải trả cái giá rất đắt, cả quân và dân, chúng tôi hy sinh hàng triệu người. Nhưng thống nhất, độc lập còn quý giá hơn sự hy sinh đó. Cho nên, giờ đây chúng tôi cũng mắc một cái nợ đối với những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để cho Tổ quốc Việt Nam độc lập, tự do và mang lại hạnh phúc cho Nhân dân.
Tôi sang thăm một số nước lớn họ khuyên tôi giữ miền Bắc, còn miền Nam thì… 100 năm nữa. Lãnh đạo nước lớn hỏi tôi, đồng chí nói đánh Mỹ, vậy đồng chí có bao nhiêu sư đoàn xe tăng, máy bay. Tôi trả lời, nếu đánh theo cách của các đồng chí, tôi chỉ đánh được hai tiếng đồng hồ nhưng đánh theo cách của chúng tôi, chúng tôi sẽ thắng”. “Đánh theo cách của chúng tôi” như lời Đại tướng nói, chính là chiến tranh nhân dân.
Những nhân vật thuộc nhiều tầng lớp khác nhau lần lượt xuất hiện trong loạt bài này cũng đã nói rõ phần tính chất của chiến tranh nhân dân và tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để giành quyền tự quyết dân tộc.
Tháng 12.2024, dịp 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, nhóm phóng viên Báo Tây Ninh có dịp gặp gỡ với những người từ nhiều phương trời, họ gặp nhau trên chiến trường miền Nam.
Tại thời điểm đó (tháng 12.2024), ông Đinh Khắc Mại, ngụ huyện Châu Thành kể: “Tôi đi nhanh và gấp vì chiến trường (miền Nam) đang cần người. Mặt trận Quảng Trị ác liệt như thế nào, chúng ta biết rồi. Tôi chiến đấu ở Quảng Trị từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1972. Sau đó, tôi vào Lộc Ninh (Bình Phước hiện nay) chuẩn bị giải phóng Sài Gòn.
21 năm kể từ ngày đất nước bị chia đôi, cuối cùng, non sông thu về một mối. Thật không ngờ, chỉ vài năm sau chiến tranh chống Mỹ cứu nước, tình hình biên giới phía Bắc có vấn đề. Tôi và cả đơn vị lại được điều ra phía Bắc chuẩn bị cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc". Biên giới phía Bắc tạm lắng dịu, ông Mại lại có mặt bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp đỡ nước bạn Campuchia.
Đi qua ba chiến trường khác nhau ở ba thời kỳ khác nhau, ông Mại chia sẻ: “Chúng tôi lớn lên trong thời đất nước có chiến tranh. Nhiệm vụ, bổn phận của thanh niên là bảo vệ đất nước. Chúng tôi luôn có lòng yêu nước, bảo vệ đất nước bất cứ thời điểm nào, khó khăn gian khổ cỡ nào cũng bảo vệ đất nước. Chúng tôi vừa đánh địch vừa học tập để giữ nước.
Hơn ba mươi năm trong quân ngũ, chiến đấu ở ba chiến trường khác nhau, ba thời kỳ khác nhau, ba đối thủ khác nhau, tôi không một lần nào vi phạm kỷ luật của đơn vị. Tôi được nhiều huân huy chương và cảm thấy vinh dự vì điều đó. Tôi có một mong muốn, so với thời chiến, thời bình điều kiện thuận lợi.
Người cán bộ trong quân đội, người chiến sĩ trẻ cần rèn luyện tốt mọi mặt, để bảo vệ đất nước và Nhân dân. Cho tôi nói thêm điều này, các bạn phóng viên đến thăm, tôi bất ngờ. Không có cuộc gặp gỡ này, tôi cũng như muôn vàn người lính khác, hết chiến tranh, hết tuổi phục quân đội, chúng tôi trở về cuộc sống đời thường, không hề có ý phô trương hay kể công này nọ đâu, hoàn toàn không”– ông Mại nói.
Cũng vào thời điểm tháng 12.2024, ông Nguyễn Ngọc Hưng (quê Phú Thọ, hiện ngụ huyện Tân Châu, Tây Ninh) cho biết: “Măm 1966, lúc đó tôi mới 20 tuổi, theo tiếng gọi của Bác Hồ cùng Đảng và Nhà nước, tôi làm đơn xin nhập ngũ để lên đường cứu nước. Tôi tham gia Đoàn 175 vào miền Nam.
Chúng tôi, hơn 500 thanh niên lên đường vào chiến trường miền Nam. Mất đúng sáu tháng rưỡi, chúng tôi đặt chân đến tỉnh Bình Phước, hồi đó gọi là tỉnh Phước Long. Một hôm, chúng tôi bỗng nhiên thấy trên những cánh rừng và cả trên người mình có loại chất gì đó như lớp sương mù bao phủ.
Chúng tôi chạy vào lán trại tìm áo mưa để mặc vào, ướt hết cả áo mưa. Chúng tôi không hề biết lớp sương mù ấy là chất độc hoá học. Tôi bị nhiễm chất độc màu da cam từ thời điểm đó. Chúng tôi sử nước của sông Bé, lúc đó không biết nước đã bị nhiễm độc”.
Ông Nguyễn Văn Quynh (nhân vật xuất hiện trong bài thứ 3 của loạt bài này, trầm ngâm “Không một đại lượng toán học hay vật lý nào đo đếm hết đau thương, mất mát của cuộc kháng chiến. Nhưng cũng thật tâm rằng, chúng tôi vô cùng tự hào về những tháng năm đó. Anh em, bạn bè tôi khi về miền Nam chiến đấu chỉ với một ước vọng: đánh đuổi quân thù, thống nhất đất nước, không so bì thiệt hơn.
Thế hệ chúng tôi tự hào vì đã đóng góp công sức, tuổi trẻ cho cuộc kháng chiến, cho công cuộc xây dựng đất nước. Tôi nghỉ hưu đã lâu nhưng luôn giáo dục con cháu không quên những tháng ngày gian khổ, hy sinh của dân tộc. Nhà tôi mất 6 người trong một trận bom, tôi thấu hiểu sự đau thương, khốc liệt của chiến tranh”.
Đừng xét lại lịch sử
"Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc” – sinh thời, Tổng Bi thư Lê Duẩn đã phát biểu có tính tổng kết về sự vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như thế.
Chính vì thế, thay vì muốn xét lại hay “suy ngẫm lại lịch sử”, hãy viết tiếp những trang sử của Tổ quốc trong hoà bình và phát triển. Trong bộ phim “Ván bài lật ngửa”, nhân vật Nguyễn Thành Luân (nguyên mẫu là nhà tình báo chiến lược Phạm Ngọc Thảo) nói với báo chí và đại diện của chính phủ Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam rằng “Chúng tôi chấp nhận đổ máu để chấm dứt vĩnh viễn cảnh đổ máu”.

Năm 1969, không lâu trước khi từ biệt thế giới, trong lá thư phản hồi bức thư gửi trước đó của Tổng thống Mỹ Richard Nixon, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục bày tỏ thiện chí: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi yêu chuộng hoà bình, một nền hoà bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự... Trong thư, Ngài bày tỏ lòng mong muốn hành động cho một nền hoà bình công bằng. Muốn vậy, Hoa Kỳ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và của dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài”.
Quan hệ Việt - Mỹ đã trải qua một chương đau buồn. Nhưng, như một khát vọng chính đáng của nhân dân hai nước, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, sau hàng chục năm thăng trầm, đã mở ra một chương mới trên tinh thần “Không ai thay đổi được quá khứ, còn tương lai phụ thuộc vào chúng ta”.
Việt Đông – Hoàng Yến