Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chó thả rông, nguy cơ với cộng đồng
Bài cuối: Khó xử lý ?
Thứ hai: 08:19 ngày 27/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nạn chó thả rông vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Việc chủ nuôi không thực hiện tiêm ngừa hay đeo rọ mõm cho chó để chúng cắn người gây thương tích, trở thành nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông làm người dân bức xúc.

Lực lượng chức năng bắt chó thả rông tại thành phố Tây Ninh.

Người dân bức xúc vì vấn nạn chó thả rông

Nhiều người dân sinh sống tại hẻm số 6, đường Phạm Văn Xuyên, phường 3, thành phố Tây Ninh bức xúc trước việc nhiều gia đình nuôi chó nhưng thả rông gây nguy hiểm cho hàng xóm. Anh Nguyễn Phong, người dân sinh sống tại địa phương cho biết, con hẻm này có nhiều nhà nuôi chó nhưng cứ thả ra đường mà không rọ mõm. Chó đi lang thang trên đường giao thông, thậm chí vào chiều tối, chúng chạy ra giữa đường, khi xe chạy ngang thì rượt theo làm nhiều người hoảng loạn, nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.

Để hạn chế thấp nhất các hệ luỵ do chó thả rông gây ra, UBND phường 3 nhiều lần thông báo, tuyên truyền nhắc nhở các hộ nuôi chó trên địa bàn; phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y Thành phố triển khai bắt chó thả rông, xử lý chủ vật nuôi.

Trong năm 2022, phường đã bắt 9 con chó thả rông, trong đó, UBND phường ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 trường hợp, với mức phạt 2 triệu đồng và thanh lý 4 con chó không có chủ đến nhận.

Theo quy định của pháp luật, chủ vật nuôi phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.

Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt; tiêm vaccine phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định; chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu huỷ chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật…

Tuy nhiên, trên thực tế, việc sở hữu chó, mèo hay những vật nuôi khác rất dễ dàng và hầu như không có ai đăng ký hay khai báo với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn lơ là trong việc thực hiện các quy định về quản lý vật nuôi.

Theo nhiều người dân tại ấp Xóm Lò, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, tình trạng chó lang thang ở nhiều tuyến đường nông thôn trên địa bàn vào buổi chiều mát đến tối là chuyện “rất bình thường”. Bởi lẽ, thói quen nuôi chó tại vùng nông thôn đã tồn tại từ bao đời nay, chó mèo được thả tự do, nhà ở cũng không có hàng rào.

Ông N.V.L, ngụ ấp Xóm Lò cho biết, cứ đến chiều tối, đặc biệt là thời điểm sau 21 giờ, có rất nhiều chó là vật nuôi của những hộ sống ven đường trên địa bàn tập trung ra đường nằm, có lúc chúng đi thành đàn khoảng 3-4 con, chạy giỡn. Có một số trường hợp, người dân chạy xe ban đêm tông phải chó, bị té ngã, chấn thương và hư hỏng phương tiện.

Chó thả rông trên đường Võ Thị Sáu, đoạn gần chợ phường IV, thành phố Tây Ninh.

Cần xử lý quyết liệt hơn

Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y chính thức có hiệu lực từ ngày 15.9.2017. Theo quy định, với hành vi không đeo rọ mõm cho chó, không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng.

Trường hợp chủ nuôi không tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo cũng chịu mức phạt tương tự từ 600.000 đến 800.000 đồng như hành vi trên.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã tổ chức các đội bắt chó thả rông. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, lực lượng bắt chó thả rông gặp nhiều khó khăn do người nuôi chó phản ứng ngược lại.

Một người dân đến trụ sở Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bến Cầu để nhận lại vật nuôi vừa bị đội bắt chó thả rông bắt về. Người này phàn nàn với những người có mặt tại đó, rằng chó của ông ở trong nhà thì bị đội bắt chó thả rông tóm, giờ lại bắt ông chịu phạt.

Theo lời giải thích một thành viên trong đội bắt chó, thời điểm đội bắt con chó của người đàn ông kia thì nó đang nằm dưới lòng đường, việc bắt chó là công khai, có sự chứng kiến của những người dân khu vực, không có chuyện đội tự ý vào nhà bắt chó của người dân.

Không chỉ tại vùng nông thôn mà cả các đô thị, chúng ta dễ dàng bắt gặp những con chó không rọ mõm, không dây xích được thả tự do trong công viên hay ở đường làng, ngõ xóm. Đã có không ít trường hợp bị chó thả rông tấn công gây thương tích, nhưng không có người nào nhận là chủ vật nuôi để chịu trách nhiệm. Một số chủ vật nuôi lại cho rằng những người lo sợ bị chó cắn là chuyện thừa; họ không rọ mõm hay xích chó khi đi ra ngoài bởi vì chó của họ rất hiền, “không cắn đâu”.

Chó, mèo là vật nuôi gần gũi, gắn bó với con người từ xa xưa, nhưng rõ ràng việc nuôi chó mèo, nhất là tại các đô thị mà không tuân thủ quy định đã gây ra nhiều hệ luỵ. Đã đến lúc cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt hơn để xử lý vấn nạn này. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, cần xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.

Minh Dương - An Đông

Tin cùng chuyên mục