Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đầu tư hệ thống kênh mương, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất
Bài cuối: Nâng cao năng lực hệ thống công trình thuỷ lợi
Thứ tư: 14:48 ngày 17/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Công tác duy tu, bảo dưỡng như phát cỏ, vớt rong, nạo vét, nâng cấp hệ thống công trình thuỷ lợi được Sở NN&PTNT quan tâm, chỉ đạo đơn vị quản lý khai thác triển khai thực hiện theo định kỳ, hằng năm.

Người dân nuôi trồng thuỷ sản nhờ vào nguồn nước thuỷ lợi.

Hệ thống công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh gồm 4 hồ chứa nước (hồ chứa nước Dầu Tiếng, Tha La, Nước Trong 1, Nước Trong 2), 10 trạm bơm điện, 1.742 tuyến kênh tưới, 365 tuyến kênh tiêu và 24 tuyến đê bao; phục vụ cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp cho khoảng 150.000 ha/3 vụ (đạt 73,96% diện tích thiết kế); tiêu nước cho gần 97.000 ha; cấp nước công nghiệp khoảng 7 triệu mét khối/năm; ngăn lũ và bảo vệ cho 2.709 ha đất sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, hệ thống công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh chủ yếu do Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh và UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý, vận hành khai thác.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), so sánh trên phạm vi toàn quốc, hệ thống thuỷ lợi của Tây Ninh được xem là tương đối hoàn chỉnh, đầy đủ; có ưu điểm lượng nước phong phú, dồi dào, đủ cho nhu cầu của người dân quanh năm; phần lớn là tưới tự chảy nên người dân không tốn năng lượng để bơm vào cánh đồng hoặc bơm ở mực nước tương đối gần mặt đất nên chi phí rẻ, thuận lợi.

Tuy nhiên, hiện nay, có khá nhiều tuyến kênh đã lâu năm, có dấu hiệu sạt lở, một số nơi có thể bị thấm, lòng kênh bị thu hẹp; các loại rong, rêu, rác khá nhiều, do đó, phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng. Hệ thống thuỷ lợi mới đáp ứng khoảng 76% vùng được tưới, còn lại hơn 20%.

Trên địa bàn tỉnh còn một số vùng có nhu cầu tưới nhưng chưa có kênh thuỷ lợi. Ngoài ra, có những khu vực có nước nhưng nước không đi trực tiếp vào, ví dụ như nước chảy gần tới khu vực đó và làm cho mực thuỷ cấp nâng lên, người dân đặt máy để bơm; hoặc lấy từ cánh đồng trên xuống cánh đồng dưới, không phải có kênh tận nơi. Đó là những nhu cầu về làm kênh nội đồng và củng cố các loại cống, đập cho phù hợp để phát triển thêm vùng tưới.

“Nhu cầu của người dân ngày một tăng, xu thế chuyển đổi cây trồng từ những cây cần ít nước như khoai mì, cao su... sang cây ăn trái, rau màu hay chăn nuôi thì nhu cầu nước sẽ tăng lên.

Ngoài ra, nhu cầu nước dùng cho sinh hoạt và công nghiệp cũng đang tăng. Do đó, cần phải nâng cao năng lực hệ thống thuỷ lợi hiện có như duy tu, bảo dưỡng, kiên cố hoá kênh mương; thay những kênh đất bằng kênh bê tông, xi măng, thay những cống hiện đại- thậm chí những cống điều khiển bằng điện, tự động; gắn đồng hồ đo một số khu vực để biết được lưu lượng, mức độ sử dụng để cân đối chung. Ngoài ra, cần phải mở rộng thêm mạng lưới kênh mương đi được đến khắp các cánh đồng, cùng với đó là hệ thống kênh tiêu phù hợp”- ông Xuân chia sẻ.

Để nâng cao năng lực phục vụ của hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2022, ngành Nông nghiệp thực hiện 17 dự án thuỷ lợi với tổng mức đầu tư 2.642 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Trung ương 2.010 tỷ đồng; ngân sách địa phương 632 tỷ đồng), đạt tỷ lệ 39% so với kế hoạch.

Cụ thể: triển khai và đưa vào sử dụng các dự án trọng điểm như thuỷ lợi Phước Hoà - khu tưới Tân Biên phục vụ tưới 6.407 ha. Đặc biệt, dự án trọng điểm Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông hoàn thành cuối năm 2022 với nhiệm vụ phục vụ tưới tiêu cho gần 16.953 ha đất nông nghiệp, cấp nước cho sản xuất công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi cho người dân 2 huyện Châu Thành và Bến Cầu; kênh tiêu Hội Thành, Hội Thạnh, Tân Phú, Tân Hưng, các kênh tiêu trục được đầu tư đồng bộ, kết nối với giao thông nông thôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, vận chuyển hàng hoá, nông sản, bảo đảm tiêu thoát nước, phục vụ chuyển đổi cây trồng với diện tích khoảng 7.790 ha thuộc các dự án chuyển đổi cây trồng của các huyện Tân Biên, Dương Minh Châu, Gò Dầu.

Về chính sách, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND ngày 20.7.2022 về quy định mức hỗ trợ phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết nhằm hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia, chia sẻ nguồn lực đầu tư góp phần hoàn chỉnh các công trình thuỷ lợi nhỏ, nội đồng nhằm đồng bộ, kết nối với công trình thuỷ lợi hiện có, mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới, tiêu nước chủ động. Đến nay, UBND tỉnh đã giao vốn năm 2023 cho UBND các huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ, triển khai thực hiện chính sách là 4,9 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ đầu tư phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng 3,5 tỷ đồng, hỗ trợ phát triển hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước 1,4 tỷ đồng.

Công tác duy tu, bảo dưỡng như phát cỏ, vớt rong, nạo vét, nâng cấp hệ thống công trình thuỷ lợi được Sở NN&PTNT quan tâm, chỉ đạo đơn vị quản lý khai thác triển khai thực hiện theo định kỳ, hằng năm. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ kiên cố hoá kênh mương đạt 68% (1.186 km/1.738km).

Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông (Ảnh: Minh Dương)

Để kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, Sở NN&PTNT thực hiện thanh tra, kiểm tra hằng năm. Giai đoạn 2020-2022, thực hiện 2 cuộc thanh tra, 1 đợt kiểm tra chuyên ngành. Dự kiến trong năm 2023, tiếp tục kiểm tra việc chấp hành quy định trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa hệ thống kênh mương, công trình thuỷ lợi để phục vụ cấp nước cho nông nghiệp; cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, ứng dụng công nghiệp cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; cấp nước công nghiệp, sinh hoạt, phòng, chống thiên tai và các hoạt động khác.

Sở NN&PTNT đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn danh mục đầu tư, triển khai đầu tư từ nguồn vốn được UBND tỉnh giao cho UBND các huyện, thị xã, thành phố tại Quyết định 2505/QĐ-UBND để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh.

Đồng thời, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực thuỷ lợi; xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ việc vi phạm công trình thuỷ lợi theo Quyết định 679/QĐ-UBND; hoạt động khai thác khoáng sản; hoạt động xả thải vào công trình thuỷ lợi; bảo vệ chất lượng nước trong công trình thuỷ lợi trên địa bàn quản lý.

Tập trung đầu tư kiên cố hoá hệ thống kênh tưới có diện tích dưới 50 ha, kết nối đồng bộ với hệ thống thuỷ lợi hiện có; tiếp tục tuyên truyền các văn bản, quy định về pháp luật liên quan đến Luật Thuỷ lợi và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh