Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Xây dựng các điểm bán hàng, hệ thống phân phối sản phẩm OCOP; từng bước thiết lập giới thiệu và bán sản phẩm OCOP riêng và đặc trưng gắn với các sản phẩm quà tặng, quà biếu, sản phẩm đặc sản địa phương…
Du khách trải nghiệm hái rau rừng tại cơ sở sản xuất bánh tráng phơi sương, đóng gói rau đặc sản Trảng Bàng.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có lợi thế. Việc nâng cao chất lượng, mẫu mã cũng như phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.
Với mục tiêu tăng cường quảng bá và xúc tiến thương hiệu OCOP gắn với chương trình du lịch; xây dựng các điểm bán hàng, hệ thống phân phối sản phẩm OCOP; từng bước thiết lập giới thiệu và bán sản phẩm OCOP riêng và đặc trưng gắn với các sản phẩm quà tặng, quà biếu, sản phẩm đặc sản địa phương… thị xã Hoà Thành đã và đang tăng cường phát triển các sản phẩm OCOP.
Ông Lê Hồng Vân- Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã Hoà Thành cho biết, để chương trình Mỗi xã một sản phẩm phát triển đúng hướng trong thời gian tới, Thị xã đề xuất tỉnh sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ triển khai chương trình; đầu tư xây dựng Trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP để thúc đẩy kết nối cung cầu.
Ông Vân cho biết thêm, qua tham gia các đợt học tập, trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, thực tế cho thấy, muốn phát triển du lịch cần có sản phẩm đặc trưng và sản phẩm OCOP muốn vươn xa phải gắn kết với du lịch. Đây cũng là định hướng của thị xã Hoà Thành trong thời gian tới.
Thị xã sẽ tổ chức các điểm bán sản phẩm OCOP tại các khu du lịch, chợ, nơi tập trung đông người trên địa bàn (khu vực gần nội ô Toà thánh Cao Đài, chợ Long Hoa, bến xe Hoà Thành, chùa Gò Kén…) tạo thêm sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến Hoà Thành và là điểm “níu” chân du khách lưu trú ở Tây Ninh lâu hơn.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã Hoà Thành, lễ hội tôn giáo Cao Đài, chùa Gò Kén hằng năm thu hút rất đông khách du lịch đến Tây Ninh. Đây cũng là cơ hội để Hoà Thành đưa vào trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại các khu du lịch, giúp du khách tham quan thuận lợi mua sắm các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Với định hướng trên, thị xã Hoà Thành chú trọng tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng trên địa bàn tỉnh; tập trung phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hoá của địa phương. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm gắn với việc phục hồi và phát triển các không gian du lịch, sản phẩm du lịch và xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, xây dựng các “điểm đến” về sản phẩm OCOP gắn với các hoạt động du lịch, văn hoá. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hoá quá trình chấm điểm, phân hạng sản phẩm.
Thị xã đã ban hành Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 21.12.2022 triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn. Theo đó, đến năm 2025, Thị xã phấn đấu có ít nhất 40 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ít nhất 50% chủ thể OCOP là doanh nghiệp vừa và nhỏ; 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; 50% làng nghề và nghề truyền thống có sản phẩm OCOP; 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; sàn giao dịch thương mại điện tử).
Riêng năm 2023, Thị xã phấn đấu có ít nhất 4 sản phẩm được chứng nhận OCOP (đạt 3 sao trở lên); củng cố và nâng cấp ít nhất 1 sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng.
Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc gắn kết sản phẩm OCOP với du lịch là hướng đi cần thiết và quan trọng, ngày càng được khuyến khích nhằm tạo ra không gian phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hoá, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương.
Du khách được trải nghiệm nướng bánh tráng tại cơ sở sản xuất bánh tráng trên địa bàn thị xã Trảng Bàng.
Ông Nguyễn Đình Xuân cho biết thêm, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP; chú trọng đánh giá, phân hạng sản phẩm trước và sau khi được công nhận nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể đối với người tiêu dùng.
Cần có thêm nhiều quy định chặt chẽ, chế tài về trách nhiệm của cơ sở kinh doanh du lịch, các điểm đến nếu để xảy ra tình trạng sản phẩm OCOP giả mạo, kém chất lượng; sử dụng rộng rãi công nghệ số, mã vạch giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm OCOP.
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, ngành Nông nghiệp của tỉnh và các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu. Trong đó, chú trọng tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng trên địa bàn tỉnh; tập trung phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hoá, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị.
Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP phải được chuẩn hoá và phát triển theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hoá của từng địa phương và yêu cầu thị trường; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, xây dựng các “điểm đến” về sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch, văn hoá.
Có thể nói, sản phẩm OCOP, du lịch nông thôn còn nhiều dư địa phát triển. Đây là lợi thế, cơ hội để các địa phương, chủ thể sản xuất kinh doanh khai thác; góp phần chuyển biến mạnh mẽ hơn trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.
Đến năm 2025, phấn đấu toàn tỉnh có từ 100-120 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó phấn đấu 2-3 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.
Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.
Ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Có ít nhất 50% nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn. Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...).
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh; phấn đấu có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Nhi Trần