Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tại Đại hội XII của Đảng, vấn đề đạo đức của Đảng và trong Đảng nổi lên vừa là vấn đề bức xúc nhất, cấp thiết nhất trong Đảng, vừa là vấn đề hệ trọng lâu dài có quan hệ tới sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Nhà báo, Tiến sĩ Nhị Lê cho rằng có ba vấn đề về nguyên tắc cần thấu triệt trong xây dựng Đảng về đạo đức: Một, xây dựng Đảng về đạo đức là một nhân tố hợp thành chỉnh thể toàn bộ công tác xây dựng Đảng, xuyên thấm trong từng công việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Hai, xây dựng Đảng về đạo đức là “gốc” của công việc xây dựng Đảng. Ba, xây dựng Đảng về đạo đức là tiêu chí nhận diện, phân định và hoàn thiện tư cách đảng viên; là “cái gốc” của đảng viên, thước đo về trình độ, năng lực chính trị, tổ chức và hoạt động lãnh đạo và uy tín của tổ chức đảng
Hành động đạo đức và đạo đức hành động
Tại Đại hội XII của Đảng, vấn đề đạo đức của Đảng và trong Đảng nổi lên vừa là vấn đề bức xúc nhất, cấp thiết nhất trong Đảng, vừa là vấn đề hệ trọng lâu dài có quan hệ tới sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Không ít người cho rằng khi đề cập đến việc xây dựng Đảng về tư tưởng cũng đã bao hàm vấn đề đạo đức, và như thế là đủ. Nhưng, nhiều ý kiến khẳng định: Nếu như vậy, mới chỉ dừng lại là ý thức đạo đức mà thôi, trong khi vấn đề quan trọng và quyết định nhất của đạo đức là hành động đạo đức và đạo đức hành động lại chưa đặt đúng tầm. Hơn nữa, nhận thức về vấn đề đạo đức chưa trở thành một nội dung độc lập nhưng thống nhất hữu cơ với tất cả các lĩnh vực khác trong công tác xây dựng Đảng, chưa nói tới tổ chức đạo đức hành động của Đảng. Nếu lơ là hoặc xem nhẹ xây dựng Đảng về đạo đức hoặc đồng nhất một cách giản đơn xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng với đạo đức là chưa đủ tầm, thậm chí thiên lệch, dẫn đến những hệ luỵ khó lường. Điều khó lường đó chính là sự suy thoái về đạo đức, lối sống… của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng tới mức nào đó sẽ làm băng hoại về chính trị, hỗn loạn về tưởng, rệu rã về tổ chức, rốt cuộc có thể làm băng hoại Đảng.
Vì, một tấm gương sống về đạo đức có giá trị hơn trăm bài diễn văn chính trị, ngàn bài thuyết giảng đạo đức hào nhoáng nhưng rỗng tuếch. Và, vì sự suy thoái băng hoại về đạo đức nhất định dẫn tới sự suy thoái, băng hoại về chính trị, lỏng lẻo, thậm chí tan rã về tổ chức....
Khi yêu cầu phát triển đất nước mạnh mẽ và bền vững phải là lợi ích cốt lõi, lợi ích dân tộc phải trở thành tối cao, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc phải là thiêng liêng, hệ trọng… không thể không yêu cầu sự phát triển về đạo đức trong Đảng và của Đảng. Đó là thước đo sự phát triển không chỉ đạo đức, sự trưởng thành về chính trị, sự thống nhất về tư tưởng và sự tương dung về tổ chức của Đảng trong thực hiện sứ mệnh cầm quyền ngang tầm yêu cầu trọng trách lịch sử dân tộc giao phó. Bởi vậy, để hoàn thành trọng trách và nhiệm vụ hết sức nặng nề nêu trên, vấn đề đặt ra và cũng chính là sự đòi hỏi cấp thiết là Đảng phải được xây dựng thực sự trong sạch về đạo đức, tầm nhìn xa rộng về chính trị, sâu sắc về trí tuệ, vững mạnh về tổ chức nhằm nâng cao không ngừng năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và bản lĩnh cầm quyền của Đảng. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đòi hỏi phải được tiến hành toàn diện, đồng bộ, với nhiều chủ trương, giải pháp, trong đó xây dựng Đảng về đạo đức là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng. Nếu chỉ dừng lại ở nhận thức, tri thức về đạo đức, tự thân nó không bao hàm đầy đủ các vấn đề đạo đức trong Đảng và trong xây dựng Đảng. Cái cần thiết và bảo đảm quan trọng thực thi mục tiêu chính trị không thể chỉ dừng lại ở tình cảm đạo đức, đạo đức suông, mà quyết định ở đạo đức hành động và hành động đạo đức, phải trở thành lẽ sống và nếp sống hằng ngày. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp... do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó có nguyên nhân không chỉ chưa nhận thức rõ, không thấy hết tầm quan trọng của ý thức đạo đức, tri thức đạo đức, tình cảm đạo đức mà còn chưa đặt vấn đề đạo đức hành động và quyết định là hành động đạo đức một cách xứng đáng và ngang tầm trong toàn bộ và chỉnh thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, không bao giờ có một người thực sự vĩ đại mà lại không phải là một người thực sự đạo đức.
Những biểu hiện khác nhau về suy thoái phẩm chất, lối sống, tham ô, tham nhũng, cửa quyền, lợi ích nhóm tiêu cực... chính là sự suy thoái về đạo đức hành động chính trị. Khi một cán bộ lãnh đạo suy thoái về đạo đức thì nêu gương xấu, làm tổn hại thanh danh của Đảng. Khi một đảng viên có đạo đức kém, rất khó vượt qua được những cám dỗ tầm thường. Khi sự suy thoái về đạo đức vẫn còn tồn tại, gây nên tình trạng chạy tuổi, chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm vô lối người nhà, người thân… thì tư cách và phẩm hạnh đạo đức lại là vấn đề nóng bỏng nhất, trước khi nói về trình độ chuyên môn hay năng lực chính trị. Vì, lúc này chính trị là đạo đức hơn hết lúc nào. Cổ nhân nói, đức hạnh là nền tảng mọi thứ và chân lý là bản chất của mọi đức hạnh. Rõ ràng, vị thế chính trị của Đảng với tư cách là người lãnh đạo ở đây, tất cả đều phụ thuộc vào nhận thức đạo đức, tình cảm đạo đức và hành động đạo đức của mỗi đảng viên, cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương các cấp.
Suy thoái đạo đức làm mất khả năng tự đề kháng trước độc tố
Nói tới xây dựng đạo đức trong Đảng, trước hết phải xây dựng đạo đức từ mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi tổ chức đảng. Đạo đức của Đảng chính là sự hiện diện bằng hành động đạo đức, nhân cách hành động của từng cán bộ, đảng viên, uy tín và hiệu quả hoạt động của từng tổ chức đảng ở tất cả các cấp. Gần 40 năm kể từ khi đổi mới, nền kinh tế thị trường tác động vào đời sống xã hội, vào đời sống của Đảng, của đội ngũ cán bộ đảng viên, cả tác động tích cực lẫn tiêu cực. Tác động ấy đi liền với những phát sinh khi Đảng cầm quyền nên lại càng phức tạp. Đảng ở trong lòng xã hội, Đảng cũng như con người, là một cơ thể sống, như một lẽ tự nhiên, Đảng không thể không chịu ảnh hưởng từ những tác động đó. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã bộc lộ ra một cách nghiêm trọng ở một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả cấp cao, cho thấy điều đó. Quan liêu, xa dân, thói vô trách nhiệm, thậm chí cả thói vô cảm đã ở mức độ nặng nề… là biểu hiện điều đó. Tham nhũng vừa là nguy cơ, vừa là quốc nạn, với những mức độ và hậu quả khác nhau. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm xói mòn hình ảnh đảng viên, làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Thực trạng này đang đe doạ tới sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Phi đạo đức nghĩa là chà đạp lên chính trị và rốt cuộc là phi chính trị. Đây là vấn đề nền tảng của mọi vấn đề cấp bách trong Đảng hiện nay. Suy thoái đạo đức, lối sống tất yếu dẫn tới những biến dạng về thái độ chính trị, động cơ chính trị và hành động chính trị, dẫn tới suy thoái tư tưởng chính trị, sự yếu kém, rã rời về tổ chức. Thực tế và kinh nghiệm đã cho thấy, không một đảng cầm quyền nào có thể đứng vững được khi cơ sở xã hội - chính trị của đảng suy yếu, khi mất lòng dân, khi sự bạc nhược, suy đồi về đạo đức. Suy thoái về đạo đức, lối sống làm mất đi khả năng tự đề kháng trước những độc tố mà kẻ thù tìm cách tiêm nhiễm vào lĩnh vực tư tưởng, chính trị và tổ chức.
Sự đổ vỡ xảy ra ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, các đảng cộng sản ở đó mất vai trò cầm quyền, ngoài nguyên nhân sai lầm về đường lối và mất phương hướng chính trị, còn có nguyên nhân sâu xa khác. Do đó, xây dựng Đảng, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền, chúng ta không thể không xây dựng Đảng về đạo đức. Nếu không như thế, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng khó lãnh đạo được ai, nếu không nói Đảng không lãnh đạo được gì, và dĩ nhiên, không còn xứng đáng là “đứa con nòi” của nhân dân nữa. Cổ nhân từng nói, tri thức sẽ trở nên tàn ác, nếu mục tiêu không có đạo đức.
Việt Đông