Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đưa văn hoá dân gian đến gần hơn với thanh thiếu niên
Bài cuối: Vai trò của thanh niên trong bảo tồn giá trị văn hoá
Thứ bảy: 23:16 ngày 22/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tổ chức Đoàn chú trọng nâng cao lòng tự hào dân tộc thông qua các hoạt động giáo dục truyền thống, nhất là nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử quan trọng của quê hương, đất nước.

Văn hoá dân gian, văn hoá truyền thống là gốc rễ, cội nguồn của văn hoá dân tộc. Trải qua hàng ngàn năm, ông cha ta đã để lại một kho tàng đồ sộ các giá trị văn hoá nghệ thuật phong phú như ca dao, hò vè, các tín ngưỡng dân gian, các loại hình diễn xướng như bóng rỗi, múa rối, ca trù, múa trống Chhay-dăm... Việc nghiên cứu, sưu tầm, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hoá dân gian từ lâu đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư.

Thanh thiếu nhi- thế hệ kế thừa và phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc.

Tuổi trẻ Tây Ninh góp sức vào công cuộc phát huy các giá trị văn hoá

Đứng trước sự bùng nổ của mạng internet và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, văn học nghệ thuật nói chung, văn hoá, văn nghệ dân gian nói riêng đang đối mặt với những tác động vô cùng mạnh mẽ, đặc biệt là nguy cơ mai một văn hoá dân tộc, xuống cấp đạo đức và các giá trị nhân bản của cha ông để lại. Đây là hồi chuông báo động khiến các cấp quản lý văn hoá nghệ thuật, nhà nghiên cứu lo ngại và đang tích cực tìm giải pháp chấn hưng văn hoá dân tộc, vì “văn hoá còn thì dân tộc còn”.

Tuổi trẻ Tây Ninh đã và đang có những đóng góp tích cực trong việc tham gia bảo tồn các giá trị văn hoá của dân tộc. Các cấp bộ Đoàn tăng cường giáo dục thanh niên ý thức trân trọng các giá trị văn hoá dân tộc, định hướng xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới, nền tảng là những giá trị, đạo đức, phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam với những giá trị cốt lõi “tâm trong - trí sáng - hoài bão lớn”.

Tổ chức Đoàn chú trọng nâng cao lòng tự hào dân tộc thông qua các hoạt động giáo dục truyền thống, nhất là nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử quan trọng của quê hương, đất nước.

Tại Tây Ninh, trong năm 2023, Tỉnh đoàn xác định những nội dung cụ thể để đoàn viên, thanh niên cùng tham gia theo phương châm: mỗi tài khoản mạng xã hội là một chiến sĩ áo xanh trên không gian mạng, hiểu rõ biên cương văn hoá truyền thống của người Việt Nam, trong đó có truyền thống của đất và người Tây Ninh.

Trung tâm Học tập, sinh hoạt thanh thiếu nhi Tây Ninh tổ chức trò chơi dân gian cho thiếu nhi trải nghiệm vào các dịp cuối tuần.

Văn hoá dân gian được lồng vào phong trào Đoàn ở Tây Ninh với những chương trình cụ thể như biểu diễn múa trống Chhay-dăm trong ngày ra quân Tháng Thanh niên năm 2023 của Tỉnh đoàn, cùng nhiều hoạt động ở các cơ sở Đoàn như diễn xướng bóng rỗi, đờn ca tài tử, chợ lá, bánh dân gian, trò chơi dân gian…

Anh Nguyễn Thanh Tùng- Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, thông qua các hoạt động văn hoá này, cộng đồng hiểu và thêm yêu những giá trị truyền thống của quê hương mình. Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa việc duy trì, gìn giữ và phát huy hết những nét đẹp giá trị của nền văn hoá dân gian trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện tổ chức nhiều hoạt động gắn với các mô hình văn hoá dân gian để các bạn trẻ có cơ hội được tiếp cận gần hơn và nâng cao sự hiểu biết của bản thân về lĩnh vực này.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi- hội viên Trung ương Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chi hội phó Chi hội VNDG tại Trường đại học Văn hoá TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, thanh niên trong thời đại ngày nay ngoài kiến thức, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, đóng góp xã hội, phải hiểu biết về văn hoá dân tộc.

Trong hành trình đó, Đoàn Thanh niên cần có những phương cách tổ chức cho phù hợp, đưa vào tiêu chí đánh giá đoàn viên. Mỗi đoàn viên cần có ý thức tự giác trong việc trau dồi vốn hiểu biết về văn hoá dân tộc mà xuất phát từ tình yêu quê hương.

Để dòng chảy văn hoá không đứt gãy

Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế đang đặt văn hoá dân tộc trước những thách thức, những “nguy cơ bất ổn”. Quá trình toàn cầu hoá có nguy cơ đe doạ xoá bỏ sự khác biệt về văn hoá giữa các quốc gia, dân tộc, giữa các vùng, các khu vực, làm nghèo sự đa dạng của bức tranh văn hoá nhân loại. Tổng Giám đốc UNESCO cảnh báo: “Xu hướng toàn cầu hoá có thể gây phương hại tới tính sáng tạo và đa dạng văn hoá của thế giới, tạo ra sự đồng nhất nghèo nàn về văn hoá”.

Để phát huy vai trò của thanh niên trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, các cấp bộ Đoàn cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết về văn hoá truyền thống cho thanh niên.

Giúp thanh niên thấy được cái hay, cái đẹp, giá trị nhân văn sâu sắc của văn hoá truyền thống, từ đó nâng lên thành niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, quyết tâm hành động trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá.

Các em học sinh tham gia trò chơi dân gian.

 Tổ chức Đoàn phải là người định hướng, dẫn dắt, là cầu nối để đưa các giá trị văn hoá truyền thống đến với thanh niên thông qua nhiều phương tiện, hình thức, các nội dung khác nhau, các kỳ sinh hoạt Đoàn, Hội, các hoạt động tham quan, dã ngoại, về nguồn, hành trình đến với những bảo tàng, địa danh lịch sử… tìm hiểu về văn hoá truyền thống bằng hình thức thi viết, thi sân khấu hoá... 

Trên phương diện quốc gia, cần hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá theo hướng tăng cường tính hiệu quả, tính chi phối, không phát triển thiết chế theo một mô hình có sẵn, cứng nhắc mà phải căn cứ đặc điểm vùng, miền, dân tộc, tôn giáo, từng nhóm đối tượng, phù hợp với nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.

Mặt khác, phát huy vai trò và tính tích cực của hệ thống thiết chế văn hoá truyền thống của các dân tộc, tôn giáo, xây dựng một số thiết chế văn hoá tiêu biểu, có trang thiết bị hiện đại, chuyên nghiệp tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm. Cần cổ vũ, động viên nhân tố mới, điển hình tiên tiến, kiên quyết đấu tranh loại trừ cái xấu, các ác, cái tiêu cực làm tha hoá con người.

Văn hoá Việt Nam là thành quả hàng ngàn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình.

Văn hoá Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc; hình thành nên những giá trị văn hoá cao đẹp, bền vững: yêu nước, đoàn kết, cần cù, dũng cảm, tài trí, lạc quan, hiếu học, nghĩa tình, hoà hiếu, khoan dung...

“Thanh niên trong thời đại ngày nay ngoài kiến thức, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, đóng góp xã hội, thì cần phải hiểu biết về văn hoá dân tộc. Trong hành trình đó, Đoàn Thanh niên cần có những phương cách tổ chức cho phù hợp, đưa nó vào tiêu chí đánh giá yêu cầu của một đoàn viên”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi- hội viên Trung ương Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Ngọc Bích - Hoàng Yến

Tin cùng chuyên mục