Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xã hội hoá lĩnh vực văn hoá thể dục và thể thao: Chưa đáp ứng yêu cầu thực tế
Bài cuối: Xây dựng chính sách khuyến khích xã hội hoá phù hợp với địa phương
Thứ năm: 06:33 ngày 13/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Công tác xã hội hoá lĩnh vực thể dục thể thao được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phối hợp với ngành Văn hoá tổ chức các sự kiện, các giải thể thao như: Giải Baden Mountain Marathon, Giải việt dã xi măng Fico, Giải marathon của VietinBank...

Xã hội hoá văn hoá, thể dục thể thao là giải pháp góp phần giảm chi cho ngân sách Nhà nước và làm phong phú, sôi nổi các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2019-2022 bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng việc thực hiện chính sách xã hội hoá trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định. Hoạt động văn hoá, thể thao ngoài công lập phát triển, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Trẻ em học bơi tại một hồ bơi trên địa bàn phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng.

Việc đầu tư xây dựng và phát triển thiết chế văn hoá thể dục thể thao ngày càng được quan tâm, có nhiều thiết chế văn hoá thể thao được xây dựng và đi vào hoạt động, toàn tỉnh có 81 sân bóng đá 11 người, 7 sân bóng đá 7 người, 2 sân bóng đá 5 người, 5 hồ bơi do ngân sách Nhà nước đầu tư. Tuy nhiên, các thiết chế phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao vẫn chưa đáp ứng các hoạt động phục vụ nhân dân.

Công tác xã hội hoá lĩnh vực thể dục thể thao được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phối hợp với ngành Văn hoá tổ chức các sự kiện, các giải thể thao như: Giải Baden Mountain Marathon, Giải việt dã xi măng Fico, Giải marathon của VietinBank... Bên cạnh đó, mỗi năm cấp tỉnh tổ chức từ 4 - 6 sự kiện, các giải thể thao với tổng nguồn lực huy động tài trợ từ các mạnh thường quân, doanh nghiệp là trên 16 tỷ đồng; cấp huyện, xã huy động nguồn lực xã hội hoá cho các hoạt động thể thao ở các địa phương bình quân 50-200 triệu đồng/năm/địa phương.

Đối với xã hội hoá cơ sở vật chất và phát triển dịch vụ thể thao, trên địa bàn tỉnh có trên 600 cơ sở kinh doanh, câu lạc bộ hoạt động thể dục thể thao, trong đó có 77 cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ bơi, lặn; 40 cơ sở hoạt động thể hình; 100 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, còn lại là các môn thể thao khác như cầu lông, bóng bàn, bóng đá mini, thể dục thẩm mỹ, bóng chuyền, billiards, patin, yoga... Tổng chi phí xã hội hoá cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ và phát triển phong trào thể thao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2022 đạt trên 98 tỷ đồng.

Vừa qua, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh tổ chức giám sát việc thực hiện xã hội hoá lĩnh vực văn hoá, thể dục và thể thao trên địa bàn tỉnh. Đoàn công tác đã khảo sát và làm việc với UBND các huyện, thị xã Tân Biên, Trảng Bàng, Hoà Thành; các Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng (VHTT HTCĐ) xã Thạnh Bình (Tân Biên), phường An Hoà (thị xã Trảng Bàng), phường Hiệp Tân (thị xã Hoà Thành); Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh đánh giá dân số và dân trí ngày càng phát triển, nhu cầu thụ hưởng văn hoá, thể dục thể thao của người dân tăng cao, các thiết chế văn hoá được Nhà nước đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, vì vậy, việc kêu gọi xã hội hoá vào lĩnh vực văn hoá, thể dục thể thao là một nhu cầu tất yếu. Các thiết chế văn hoá thể thao do Nhà nước cùng các tổ chức, cá nhân đầu tư góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, giá trị của văn hoá thể thao trong đời sống tinh thần và thể chất; rút ngắn sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hoá thể thao giữa nông thôn và thành thị.

Qua giám sát, việc thực hiện xã hội hoá lĩnh vực văn hoá, thể dục thể thao còn những khó khăn, vướng mắc. Giai đoạn 2019-2022 chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư, trên địa bàn tỉnh không có dự án xã hội hoá nào được phê duyệt. Ngoài ra, nhân lực thiếu và yếu, phương thức quản lý điều hành chưa phù hợp, hoạt động của các thiết chế văn hoá thể thao chưa gắn với thực tiễn và nhu cầu người dân.

Trẻ em vui chơi tại khuôn viên Trung tâm VHTT HTCĐ xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành.

Địa phương muốn cho thuê mặt bằng để đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất thể dục thể thao, tuy nhiên, theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó, việc áp giá cho thuê đất quá cao nên nhà đầu tư không thể đáp ứng, do đó, không thể thực hiện được.

Các địa phương kiến nghị tháo gỡ khó khăn để thu hút đầu tư; đồng thời, kiến nghị tỉnh xem xét tăng mức hỗ trợ kiêm nhiệm cho người quản lý các thiết chế văn hoá, thể thao; tăng kinh phí duy trì tổ chức các hoạt động của Trung tâm VHTT HTCĐ xã, phường, thị trấn, nhà văn hoá ấp.

Tại buổi làm việc với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Tiến Hưng- thành viên Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh ý kiến, kinh phí hoạt động của Trung tâm VHTT HTCĐ 40 triệu đồng/năm chỉ có thể tổ chức 1-2 hoạt động, bắt buộc địa phương phải vận động thêm. Tuy nhiên, nguồn lực ở mỗi địa phương lại khác nhau, nhất là vùng sâu vùng xa không có nguồn để vận động.

Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2019-2022 không có dự án xã hội hoá lĩnh vực văn hoá, thể thao trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện. Nguyên nhân một phần do việc đầu tư vào lĩnh vực văn hoá, thể thao chưa tạo được sức hút về mặt kinh tế để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 gây tác động không nhỏ đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, do đó, việc đầu tư xã hội hoá vào lĩnh vực văn hoá, thể dục, thể thao ít được các tổ chức, cá nhân quan tâm hưởng ứng.

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh trình Thường trực Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 12.12.2022 về nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hoá ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết.

Trong nội dung Nghị quyết số 07-NQ/TU có giải pháp xây dựng chính sách đặc thù của tỉnh về sử dụng cơ sở vật chất của thiết chế văn hoá theo hướng xã hội hoá nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào hoạt động văn hoá; qua đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xã hội hoá để khai thác, sử dụng, phát huy công năng của cơ sở vật chất tại các thiết chế văn hoá.

Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, của người dân, doanh nghiệp trong việc tổ chức, tham gia các hoạt động xã hội hoá về văn hoá, thể dục và thể thao. Chỉ đạo các sở, ngành có liên quan phối hợp giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong kêu gọi đầu tư xã hội hoá; cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, công khai, minh bạch, phù hợp với pháp luật hiện hành.

Đồng thời, chỉ đạo ngành chuyên môn tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xây dựng nghị quyết liên quan đến chính sách khuyến khích xã hội hoá phù hợp với tình hình kinh tế xã hội tại địa phương, chính sách hỗ trợ và bảo tồn các giá trị văn hoá của tỉnh.

Đối với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ trong công tác xã hội hoá cho các cán bộ, công chức tại các địa phương đối với lĩnh vực văn hoá, thể thao; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn nhân lực làm công tác văn hoá, thể thao; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho các nhà văn hoá ấp, khu phố.

Mặt khác, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động, chú trọng kiểm tra sau khi cấp phép hoạt động của các cơ sở xã hội hoá tư nhân, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc để cơ sở hoạt động đúng theo quy định của pháp luật.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh