Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chính sách hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ấp, khu phố:
Bám sát thực tiễn, nâng cao tính khả thi
Thứ sáu: 20:53 ngày 22/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Lãnh đạo các địa phương kiến nghị HĐND, UBND tỉnh xem xét bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện, cấp xã phần kinh phí tăng thêm khi thực hiện mức phụ cấp hằng tháng và các chính sách hỗ trợ hằng tháng cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Đoàn khảo sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm việc tại thị xã Hoà Thành, ghi nhận ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị quyết HĐND tỉnh

Tháng 6.2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố. Nghị định này có một số điểm mới, trong đó có quy định tăng mức phụ cấp đối với các đối tượng này. Đây là thông tin mà đội ngũ người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ấp, khu phố (sau đây xin được gọi tắt là người hoạt động không chuyên trách cấp xã) trên địa bàn tỉnh rất quan tâm.

Trên cơ sở Nghị định số 33/2023/NĐ-CP, Chính phủ giao UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành quy định chức danh và mức phụ cấp hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã; mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; việc kiêm nhiệm chức danh và mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã; mức hỗ trợ hằng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh.

Dự thảo nghị quyết mới của HĐND tỉnh sau khi ban hành sẽ thay thế Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 6.12.2019 của HĐND tỉnh. Vừa qua, đoàn khảo sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã làm việc với một số địa phương để ghi nhận các ý kiến góp ý phục vụ công tác thẩm tra dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh về nội dung trên trong thời gian tới.

Nhiều ý kiến từ cơ sở

Từ thực tiễn ở cơ sở và nghiên cứu Nghị định số 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ cũng như dự thảo nghị quyết mới của HĐND tỉnh, lãnh đạo các địa phương đã thảo luận, góp ý nhiều nội dung. Trọng tâm là quy định các chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã; mức phụ cấp và hỗ trợ đặc thù cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã; mức kinh phí khoán hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội và việc bảo đảm ngân sách để thực hiện dự thảo nghị quyết mới.

Thảo luận về chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã, đại diện lãnh đạo các xã Thành Long và Thanh Điền (huyện Châu Thành) đều cho rằng, chức danh “Văn thư - lưu trữ - thủ quỹ” cần xem xét thay đổi. Bởi vì, nhiệm vụ văn thư - lưu trữ do công chức Văn phòng - Thống kê đảm nhiệm, đề nghị chức danh này là “Thủ quỹ”.

Đối với chế độ cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã, dự thảo nghị quyết mới quy định mức phụ cấp 1,5 lần mức lương cơ sở cộng mức hỗ trợ đặc thù 0,2 lần mức lương cơ sở (đối với người có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học). Với mức hỗ trợ này, tổng hệ số hỗ trợ vẫn là 1,7 lần mức lương cơ sở, bằng mức hỗ trợ của Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND đang thực hiện và thấp hơn so với tổng mức hỗ trợ của người hoạt động không chuyên trách ấp, khu phố.

“Điều này là không hợp lý và sẽ dẫn đến sự tâm tư, so bì. Đề nghị HĐND tỉnh tăng mức hỗ trợ cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã; phụ cấp cộng mức hỗ trợ đặc thù của người hoạt động không chuyên trách cấp xã nên bảo đảm bằng hoặc cao hơn ấp, khu phố”, ông Nguyễn Quang Vinh- Chủ tịch UBND phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh nêu kiến nghị.

Riêng đối với chức danh phó chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã, ông Nguyễn Tiến Quân- Bí thư Đảng uỷ xã Thành Long, huyện Châu Thành cho biết: “Thời gian qua, chức danh này ở một số địa phương bị thiếu do nghỉ việc; lý do là thu nhập của phó chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã thấp. Mặc dù là chỉ huy đơn vị nhưng chức danh này có mức thu nhập thấp hơn lực lượng Dân quân, trong khi đó, đặc thù công việc phải thường trực 24/24 theo quy định của ngành”. Bí thư Đảng uỷ xã Thành Long đề nghị ngoài quy định chung của chức danh người hoạt động không chuyên trách, tỉnh cần hỗ trợ đặc thù cho chức danh này.

Người hoạt động không chuyên trách cấp xã đa phần có trình độ đại học và đáp ứng tốt yêu cầu công việc (Trong ảnh: Cán bộ hội, đoàn thể cấp xã trên địa bàn tỉnh hỗ trợ người dân nộp thủ tục hành chính trực tuyến)

Băn khoăn việc bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện

Tại buổi làm việc với UBND 4 địa phương: thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, các huyện Gò Dầu và Châu Thành, đoàn khảo sát đều ghi nhận những băn khoăn, khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện dự thảo nghị quyết.

Nguồn kinh phí thực hiện chính sách quy định tại khoản 1 Điều 9 của dự thảo Nghị quyết “do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành”. Theo UBND thị xã Hoà Thành, khó khăn lớn nhất hiện nay là ngân sách địa phương đang thực hiện phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2020-2025. Do đó, khi thực hiện chính sách hỗ trợ này sẽ làm tăng chi ngân sách.

Thị xã Hoà Thành hiện có 143 người hoạt động không chuyên trách cấp xã và 235 người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố. Theo tính toán sơ bộ, tổng chi phí chênh lệch khi thực hiện chi trả phụ cấp và hỗ trợ bảo hiểm hằng tháng theo dự thảo nghị quyết mới so với Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ước trên 4,9 tỷ đồng/năm (chưa bao gồm mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã). Với mức chênh lệch này, ngân sách cấp huyện, cấp xã không thể bảo đảm cân đối thực hiện chính sách.

Kinh phí khoán chi hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã quy định tại khoản 2 Điều 9 dự thảo nghị quyết: “Được bố trí từ kinh phí khoán chi hoạt động thường xuyên của UBND cấp xã”. Tuy nhiên, với mức khoán 2,5 triệu đồng/tổ chức/tháng đối với xã, phường, thị trấn loại I và 2 triệu đồng/tổ chức/tháng đối với xã, phường, thị trấn loại II, các địa phương đều cho rằng khó có thể bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên (hiện tại, mức khoán chi hoạt động thường xuyên của UBND cấp xã là 400 triệu đồng/năm và phải thực hiện tiết kiệm chi 10%).

Cán bộ hội, đoàn thể cấp xã trên địa bàn tỉnh hỗ trợ người dân nộp thủ tục hành chính trực tuyến.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương kiến nghị HĐND, UBND tỉnh xem xét bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện, cấp xã phần kinh phí tăng thêm khi thực hiện mức phụ cấp hằng tháng và các chính sách hỗ trợ hằng tháng cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo dự thảo nghị quyết; tăng mức khoán chi hoạt động quản lý hành chính cấp xã để bảo đảm nguồn kinh phí hoạt động theo dự thảo nghị quyết mới. Riêng thị xã Hoà Thành kiến nghị điều chỉnh mức khoán chi hoạt động thường xuyên của UBND cấp xã nâng lên 515 triệu đồng/năm.

Các ý kiến trao đổi, thảo luận và kiến nghị được đoàn khảo sát ghi nhận để tổng hợp, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh. Những nội dung phù hợp sẽ được tiếp thu để điều chỉnh, bảo đảm nghị quyết HĐND tỉnh ban hành sát thực tiễn, phù hợp điều kiện ngân sách của tỉnh và dễ thực hiện.

Trên tinh thần chung dự thảo nghị quyết mới của HĐND tỉnh sẽ có mức hỗ trợ tốt hơn, đáp ứng phần nào mong mỏi của cử tri- nhất là những người trực tiếp được thụ hưởng chính sách, góp phần khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực có trình độ về công tác ở cơ sở.

Phương Thuý

Tin cùng chuyên mục