Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Vợ chồng ông Bí có đơn đề nghị hoãn thi hành án với lý do Chánh án TAND tối cao đã có kháng nghị Quyết định số 24, trong đó có nội dung: tạm đình chỉ thi hành Quyết định số 24.
Theo hồ sơ vụ án, cụ Nguyễn Văn Tâm và cụ Lê Thị Lý có 7 người con chung, trong đó 5 người ở nước ngoài và 2 người ở trong nước là ông Nguyễn Quang Cang và ông Nguyễn Quang Trinh. Cụ Tâm, cụ Lý và ông Trinh đã chết.
Vợ ông Trinh là bà Nguyễn Thị Ngọc Bi và các con Nguyễn Thị Ngọc Giàu, Nguyễn Thị Ngọc Duyên, Nguyễn Thị Ngọc Hương, Nguyễn Thanh Long. Cụ Tâm và cụ Lý không để lại di chúc, di sản gồm căn nhà 200m2 và 1.842,8m2 đất toạ lạc tại khu phố 1, phường IV, thành phố Tây Ninh. Nhà đất do vợ con ông Trinh quản lý sử dụng và cho ông Trương Văn Bí, bà Nguyễn Thị Kiển thuê bán cây kiểng đến năm 2022.
Ngày 18.1.2018, TAND thành phố Tây Ninh thụ lý vụ án “Tranh chấp thừa kế tài sản” do ông Cang khởi kiện, yêu cầu chia thừa kế tài sản là nhà đất do cha mẹ để lại. Lời khai và tài liệu do các đương sự cung cấp cho Toà án chỉ thể hiện cụ Tâm và cụ Lý có 2 người con là ông Cang và ông Trinh.
Do các đương sự khai thống nhất về hàng thừa kế và thoả thuận được việc giải quyết vụ án nên ngày 3.4.2018, TAND thành phố ra Quyết định số 24/2018/QÐ-ST công nhận sự thoả thuận của các đương sự, ghi nhận ông Cang được quyền sở hữu toàn bộ nhà đất và thanh toán lại cho vợ con ông Trinh 2,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau đó, TAND tỉnh kiến nghị Chánh án TAND tối cao kháng nghị tái thẩm, huỷ Quyết định 24, do HÐXX sơ thẩm bỏ sót các đồng thừa kế; đưa người thuê đất là ông Bí, bà Kiển tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng không giải quyết hợp đồng thuê đất với ông Bí, bà Kiển, trong khi quyết định lại giao đất cho ông Cang sử dụng.
Sau khi Quyết định 24 có hiệu lực pháp luật, ông Cang chuyển nhượng phần diện tích đất trên cho một số người khác nhưng không giao đất được do vợ chồng ông Bí vẫn đang kinh doanh cây kiểng trên phần diện tích đất nêu trên.
Sau đó, ông Cang kiện vợ chồng ông Bí đòi lại tài sản. TAND Thành phố xét xử sơ thẩm, tuyên hợp đồng thuê đất giữa vợ chồng ông Bí và bà Bi vô hiệu, buộc vợ chồng ông Bí giao lại phần đất trên cho những người mà ông Cang đã chuyển nhượng QSDÐ. Ngày 29.4.2020, khi xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh ban hành Bản án số 51/2020/DS-PT tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm nêu trên.
Ngày 21.8.2020, Chánh án TAND tối cao có quyết định kháng nghị tái thẩm, đồng thời đề nghị Uỷ ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xét xử tái thẩm, huỷ Quyết định số 24 của TAND thành phố Tây Ninh.
Kháng nghị của Chánh án TAND tối cao cho biết: ông Cang trình bày rằng, cụ Tâm và cụ Lý có 2 người con chung là ông Trinh và ông Cang. Di sản hai cụ để lại là diện tích đất 1.842,8m2 và căn nhà tường cấp 4. Ông Cang đề nghị Toà án chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật cho ông và ông Trinh.
Nguyện vọng của ông là được nhận nhà, đất. Ông Cang đồng ý giao lại cho các thừa kế của ông Trinh là bà Bi và các con bà 2,5 tỷ đồng. Trên phần đất này, bà Bi và các con bà đang cho vợ chồng ông Bí, anh Nguyễn Trung Hậu thuê kinh doanh cây kiểng. Ông Cang, bà Bi và các con bà Bi thống nhất tiếp tục cho họ thuê, không tranh chấp trong vụ án này.
Kháng nghị còn cho biết, tại tờ tường trình về quan hệ nhân thân của ông Cang thì cụ Tâm và cụ Lý có tất cả 2 người con chung là ông Trinh và ông Cang. Tờ tường trình có chứng thực của UBND phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh.
Ông Cang cam đoan nội dung đã khai về quan hệ thừa kế là đúng sự thật. Nhưng sau này, UBND phường Hiệp Ninh có văn bản cho biết, UBND phường xác nhận mối quan hệ huyết thống như trên là không đúng.
Thật ra, cụ Tâm và cụ Lý có 7 người con gồm: Nguyễn Thị Yến, Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Thị Kim Anh, Nguyễn Quang Thống (hiện sinh sống tại Mỹ), Nguyễn Quang Trinh và Nguyễn Quang Cang.
Chánh án TAND tối cao cho biết, TAND thành phố Tây Ninh trong quá trình giải quyết vụ án đã không biết được cụ Tâm và cụ Lý có 7 người con như đã nêu nên công nhận sự thoả thuận của nguyên đơn và bị đơn về việc chia di sản thừa kế của hai cụ là xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của 5 người thừa kế còn lại.
Kháng nghị còn cho biết, Công an thành phố Tây Ninh xác nhận cụ Tâm và cụ Lý có 7 người con chung như đã nêu trên. Vì vậy, Chánh án TAND tối cao kết luận, việc nguyên đơn và bị đơn cố tình khai không đúng về những người thuộc diện thừa kế, tức là cố tình giả mạo chứng cứ để cung cấp cho Toà án trong quá trình giải quyết vụ án, nên đây là căn cứ kháng nghị tái thẩm theo quy định tại khoản 2 Ðiều 352 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Quyết định kháng nghị nêu rõ, tạm đình chỉ thi hành Quyết định số 24 cho đến khi có quyết định tái thẩm của Uỷ ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh.
Ngày 6.11.2020, thực hiện theo đơn yêu cầu của những người được thi hành án, Chi cục THADS thành phố Tây Ninh ra quyết định thi hành Bản án số 51, yêu cầu vợ chồng ông Bí di dời cây kiểng và tài sản trên phần đất đã thuê để giao đất cho những người mà ông Cang đã chuyển nhượng đất nhưng vợ chồng ông Bí không đồng ý.
Vợ chồng ông Bí có đơn đề nghị hoãn thi hành án với lý do Chánh án TAND tối cao đã có kháng nghị Quyết định số 24, trong đó có nội dung: tạm đình chỉ thi hành Quyết định số 24. Tuy nhiên, Chi cục THADS thành phố Tây Ninh có công văn trả lời không chấp nhận đơn đề nghị hoãn thi hành án của vợ chồng ông Bí vì không có căn cứ.
Vợ chồng ông Bí tiếp tục khiếu nại, Cục THADS tỉnh có công văn trả lời rằng, việc không chấp nhận hoãn thi hành án của Chi cục THADS thành phố Tây Ninh là phù hợp Ðiều 48 Luật THADS. Sau đó, Chi cục THADS thành phố Tây Ninh ra quyết định cưỡng chế thi hành Bản án số 51.
Trong một diễn biến khác, sau khi nhận quyết định kháng nghị của Chánh án TAND tối cao đối với Quyết định số 24, bà Bi cũng có đơn gửi Chi cục THADS thành phố Tây Ninh đề nghị hoãn thi hành án đối với Bản án số 51, với lý do tài sản mà Chi cục THADS thành phố Tây Ninh yêu cầu vợ chồng ông Bí giao trả cho những người chuyển nhượng đất của ông Cang là tài sản “có liên quan đến Quyết định số 24” đã bị Chánh án TAND tố cao kháng nghị huỷ án, đề nghị xét xử lại, phải tạm dừng thi hành án. Trong đơn bà Bi cũng nêu rõ, việc hoãn thi hành án nhằm tránh những phát sinh, thiệt hại không thể khắc phục được nhưng bà không nhận được phản hồi của cơ quan Thi hành án.
Ngày 6.11.2020, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định tái thẩm số 246/DS-TT. Theo đó, TAND cấp cao nhận định rằng: “Việc nguyên đơn và bị đơn cố ý kê khai gian dối về quan hệ huyết thống của gia đình, bỏ qua những đồng thừa kế còn lại để hưởng di sản cụ Tâm và cụ Lý là vi phạm pháp luật về thừa kế, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của 5 người thừa kế còn lại.
Ðây là tình tiết mới phát sinh làm thay đổi toàn bộ nội dung vụ án do có giả mạo chứng cứ được quy định tại khoản 2 Ðiều 352 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nên chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND tối cao, huỷ Quyết định số 24 của TAND thành phố Tây Ninh giao hồ sơ vụ án về TAND thành phố Tây Ninh xét xử sơ thẩm lại”.
Ðức Tiến
Ý kiến của luật sư Phan Văn Vĩnh- Ðoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh
Trong vụ việc có các quan hệ pháp luật chính sau đây: tranh chấp hợp đồng thuê và cho thuê đất để kinh doanh cây kiểng; tranh chấp di sản thừa kế; tranh chấp quyền sử dụng đất và thi hành án.
Về hợp đồng thuê và cho thuê đất kinh doanh cây kiểng giữa bà Nguyễn Thị Ngọc Bi (cùng các con) với ông Trương Văn Bí và bà Nguyễn Thị Kiển, qua 2 cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, Toà án tuyên hợp đồng vô hiệu là có căn cứ pháp luật. Vì quyền sử dụng đất trong hợp đồng này là của các đồng thừa kế (thuộc hàng thừa kế thứ nhất và thừa kế thế vị), nên chỉ bà Bi (cùng các con) ký hợp đồng cho thuê là chưa đúng quy định pháp luật.
Ông Bí, bà Kiển nếu có thiệt hại - do hành vi gian dối của bên cho thuê thì ông bà có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết, còn nếu không có dấu hiệu lừa dối, thì cả hai bên cùng chịu rủi ro. Ngoài ra, ông Bí, bà Kiển vẫn có quyền khiếu nại lên TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh để xem xét lại 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm “Về đòi lại tài sản” mà TAND thành phố Tây Ninh và TAND tỉnh Tây Ninh đã xét xử để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Về tranh chấp di sản thừa kế, Quyết định tái thẩm số 246, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã tuyên huỷ Quyết định số 24. Vụ án này sẽ được xét xử lại từ giai đoạn sơ thẩm theo trình tự thủ tục pháp luật quy định.
Về tranh chấp quyền sử dụng đất, Quyết định số 24 thể hiện, ông Cang đã giao 2,5 tỷ đồng cho bà Bi, chị Giàu, Duyên, Hương và anh Long. Ông Cang được sở hữu căn nhà cấp 4 và đứng tên quyền sử dụng 1.842,8m2 đất và ký hợp đồng sang nhượng quyền sử dụng đất cho một số người khác.
Do ông Bí, bà Kiển không giao trả đất nên bị khởi kiện, bản án có hiệu lực pháp luật, người phải thi hành án không tự nguyện thi hành nên bị cưỡng chế theo Luật THADS. Những tình tiết và lý do mà ông Bí xin hoãn thi hành Bản án phúc thẩm số 51 không thuộc các trường hợp và thẩm quyền hoãn thi hành án theo khoản 1 Ðiều 48 Luật THADS 2008 (sửa đổi và bổ sung 2014), và cũng không thuộc một trong các loại đơn khiếu nại và tố cáo theo Hướng dẫn số 24 ngày 8.5.2014 của Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng.