Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo quy định, học sinh phổ thông không được điều khiển xe máy trên 50 phân khối, nhưng chưa có giải pháp nào ngăn chặn triệt để tình trạng này.
Ngày 26.12, Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh tổ chức sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường” từ năm 2018 đến năm 2019.
Ngày 29.12.2017, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” trên địa bàn tỉnh đến năm 2021. Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT ban hành kế hoạch triển khai, hướng dẫn các đơn vị, trường học tổ chức thực hiện đề án.
Đến nay, các Phòng GD&ĐT huyện, thành phố, các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tiễn để xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện của đơn vị mình.
Khen thưởng cho học sinh đạt giải trong các kỳ thi tìm hiểu pháp luật.
Hiện nay, cơ quan Sở và Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố chưa có bộ phận chuyên trách công tác pháp chế. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật được quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay; đội ngũ cán bộ pháp chế chủ yếu là kiêm nhiệm và chưa có bằng cử nhân Luật theo quy định. Vì vậy, đội ngũ tuyên truyền pháp luật tại các trường phổ thông chủ yếu là giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, Tổng phụ trách đội hoặc Bí thư đoàn trường.
Dù còn khó khăn, bất cập nhưng công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường đã có nhiều đổi mới. Các đơn vị, trường học tổ chức quán triệt đến từng cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên và học sinh nội dung Đề án bằng nhiều hình thức phù hợp. Nhờ đó, công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã dần đi vào nền nếp, có chiều sâu và thực chất hơn, đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Nhiều trường học phối hợp tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khoá, tuyên truyền kiến thức pháp luật cho học sinh- Ảnh minh hoạ
Hai năm qua, các trường phổ thông, đơn vị giáo dục thực hiện nhiều hoạt động ngoại khóa cho học sinh, sinh viên; tuyên truyền, phổ biến về các văn bản pháp luật giao thông đường bộ, nghĩa vụ quân sự…; Một số trường THPT tổ chức hội thi Rung chuông vàng, hội thi tuyên truyền về pháp luật nhằm xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật cho học sinh, giáo viên.
Đóng góp ý kiến, đại diện một số đơn vị trường học, cơ sở giáo dục có chung một nhận định, công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường có chuyển biến, ý thức tuân thủ pháp luật được nâng cao. Tuy vậy, khó khăn nhất hiện nay vẫn là làm gì, làm thế nào để giảm tình trạng học sinh phổ thông đi xe phân khối lớn (dung tích xi lanh trên 50 phân khối).
Đ.V.T