Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị cần làm rõ hơn về trình tự, thủ tục tại phiên toà để phù hợp với các tư cách tố tụng của Viện kiểm sát.

Trong phiên thảo luận Tổ chiều 22.5, tham gia góp ý đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công, đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, cơ bản đồng tình cao với sự cần thiết cũng như trình tự thủ tục rút gọn để ban hành Nghị quyết theo các nội dung trình của Viện Kiểm sát tối cao.
Đại biểu cũng nhất trí với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và thời gian thí điểm, phạm vi thí điểm. Tuy nhiên, đại biểu Phương đề nghị cơ quan trình làm rõ một số vấn đề cụ thể sau:
Một là, về thẩm quyền xét xử vụ án dân sự công ích, tại khoản 3 Điều 5 quy định “3. Trường hợp vụ án dân sự công ích được phát hiện qua nguồn thông tin quy định khoản 3 Điều 10 Nghị quyết này thì Toà án có thẩm quyền xét xử theo thủ tục sơ thẩm là Toà án khu vực đã hoặc đang giải quyết vụ án, vụ việc đó. Trường hợp Viện kiểm sát phát hiện qua giải quyết vụ án, vụ việc ở cấp tỉnh hoặc cấp trung ương thì thẩm quyền xét xử theo quy định tại khoản 1 Điều này”.
Đại biểu Phương đề nghị bổ sung trường hợp Viện kiểm sát phát hiện qua giải quyết vụ án, vụ việc ở khu vực khác thì chuyển giao đến Viện kiểm sát khu vực có thẩm quyền để xem xét khởi kiện. Vì theo đại biểu, thực tế không chỉ có vụ án, vụ việc ở cấp tỉnh hoặc cấp trung ương mà còn có các vụ án, vụ việc do cấp khu vực thụ lý, giải quyết, nên nếu phát hiện có dấu hiệu vụ án dân sự công ích thì cần chuyển giao tài liệu cho Viện kiểm sát khu vực có thẩm quyền để xem xét thực hiện việc khởi kiện.
Hai là, về các biện pháp kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ, tại Điều 8 dự thảo Nghị quyết quy định 6 nội dung về các biện pháp kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin, tài liệu chứng cứ được giao cho VKSND để thực hiện khởi kiện vụ án dân sự công ích. Trong giải quyết vụ án dân sự, việc thu thập thông tin, tài liệu chứng cứ có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính quyết định để toà án đưa ra phán quyết. Trong vụ án dân sự công ích thì càng có ý nghĩa quan trọng hơn vì đối tượng cần được bảo vệ là các chủ thể dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.
Đại biểu Phương thống nhất việc giao các biện pháp này cho Viện kiểm sát trong thực hiện nhiệm vụ mới này, tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần có quy định mang tính hiệu lực, hiệu quả, có tính chế tài đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Viện kiểm sát; theo đại biểu có như vậy thì nhiệm vụ mới này mới mang lại hiệu quả.

Ba là, về tiếp nhận thông tin, thụ lý, kiểm tra, xác minh, tại khoản 1 Điều 11 quy định: Khi tiếp nhận thông tin của vụ án dân sự công ích theo quy định tại Điều 10 Nghị quyết này, nếu thấy có căn cứ thì Viện kiểm sát ra quyết định thụ lý, tiến hành các biện pháp kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ... Tuy nhiên, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định từ lúc tiếp nhận thông tin, trong thời hạn bao lâu Viện kiểm sát ra quyết định thụ lý để tiến hành các biện pháp kiểm tra, xác minh, để tránh việc kéo dài.
Đồng thời, tại khoản 2 quy định: “Căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ, Viện kiểm sát xử lý như sau:
a) Thông báo cho các chủ thể có liên quan và kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm khởi kiện theo quy định của pháp luật;
b) Đình chỉ việc kiểm tra, xác minh”.
Tương tự như khoản 1, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung: sau khi thụ lý, Viện kiểm sát tiến hành các hoạt động kiểm tra xác minh, trong thời hạn bao lâu sẽ ra các văn bản như nêu tại điểm a, b khoản 2, để bảo đảm việc thụ lý, xem xét việc khởi kiện được kịp thời.
Bốn là, về đình chỉ việc kiểm tra, xác minh (Điều 12), theo quy định tại điểm a, khoản 1 thì Viện kiểm sát quyết định đình chỉ kiểm tra, xác minh trong trường hợp: a) Không có hành vi xâm phạm quyền dân sự của các chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc lợi ích công. Tức là, qua thực hiện kiểm tra, xác minh xác định không có hành vi xâm phạm quyền dân sự của các chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc lợi ích công thì Viện kiểm sát quyết định đình chỉ kiểm tra, xác minh.
Và tại khoản 2 quy định: Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ việc kiểm tra, xác minh, Viện kiểm sát gửi quyết định đó cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đại biểu Phương băn khoăn trong trường hợp này, khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nhận được quyết định đình chỉ việc kiểm tra, xác minh, có quyền khiếu nại nếu không đồng ý không (nếu họ cho rằng có hành vi xâm phạm đến quyền dân sự của mình); nếu có quyền khiếu nại thì giải quyết theo trình tự, thủ tục nào. Mặt khác, nếu không đồng ý quyết định đình chỉ vì lý do này, họ có được tiếp tục khởi kiện đến toà án có thẩm quyền để giải quyết không; đại biểu đề nghị dự thảo cần làm rõ.
Năm là, về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên tại phiên toà (Điều 17), theo nội dung tiếp thu, giải trình của VKSND tối cao, trong vụ án dân sự công ích Viện kiểm sát tham gia với tư cách là cơ quan Nhà nước đại diện cho Nhà nước đứng ra khởi kiện, đồng thời Viện kiểm sát còn tham gia với tư cách là cơ quan kiểm sát hoạt động tư pháp. Đại biểu Phương băn khoăn việc Viện kiểm sát vừa là người tham gia tố tụng vừa là người tiến hành tố tụng, đồng thời đề nghị cần làm rõ hơn về trình tự, thủ tục tại phiên toà để phù hợp với các tư cách tố tụng của Viện kiểm sát.
KC (lược ghi)