Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 23.5, bà Nguyễn Thị Yến Mai – Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp thẩm tra các nội dung trình kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khoá X. Dự họp có bà Nguyễn Đài Thy– Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.
Đối với dự thảo Nghị quyết quy định một số đối tượng chính sách khác tại địa phương được vay vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cơ bản thống nhất nội dung trình. Tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh, để phù hợp với tên nghị quyết và quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư số 11/2017/TT-BTC, Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị điều chỉnh như sau: “Nghị quyết này quy định các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (ngoài các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4.10.2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác)”.
Ban Kinh tế - Ngân sách cũng đề nghị bổ sung nội dung “Điều 4. Nguồn kinh phí thực hiện” và thuyết minh, làm rõ khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương khi mở rộng thêm các đối tượng cho vay khác của địa phương, nhất là đối với nguồn vốn đầu tư công.
Về dự thảo Nghị quyết quy định một số nội dung chi, mức hỗ trợ thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2024-2025, các nội dung và mức chi thực hiện chương trình được xây dựng trên cơ sở căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 87 Thông tư số 55/2023/TT-BTC. Theo đó, dự thảo Nghị quyết cụ thể hoá 4/8 nội dung chi và mức chi, các nội dung chi không đưa vào dự thảo Nghị quyết được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
Qua thẩm tra, tại khoản 2 Điều 1 về đối tượng áp dụng, Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị điều chỉnh nội dung như sau: “Các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, chủ thể bao gồm: Các đối tượng trên và các hội/hiệp hội, Trung tâm điều hành hoặc tổ chức tương đương. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh”.
Tại Khoản 3, Điều 4 bổ sung “Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 35 triệu đồng/nhãn hiệu/sản phẩm cùng loại, mỗi sản phẩm chỉ được đăng ký 1 nhãn hiệu”.
Đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 43/2022/NQ-HĐND ngày 9.12.2022 của HĐND tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất nội dung trình. Trong quá trình triển khai thực hiện, Ban đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định.
Về dự thảo Nghị quyết nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu tỷ lệ 1/5.000, qua thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thống nhất nội dung. Nhiệm vụ quy hoạch chung của Khu công nghiệp Hiệp Thạnh đáp ứng các nội dung cơ bản của Luật Xây dựng, Nghị định số 44/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng, Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Các tỷ lệ cơ cấu đất giao thông (tối thiểu 10%), đất cây xanh (tối thiểu 15%), đất hạ tầng kỹ thuật (tối thiểu 1%) đáp ứng quy định về sử dụng đất được quy định tại Thông tư số 01/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành QCVN 01:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.
Ban đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, cập nhật các quy hoạch có liên quan trên địa bàn để bảo đảm không chồng lấn giữa các quy hoạch (quy hoạch chung huyện Gò Dầu khi được phê duyệt, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Gò Dầu); thực hiện đồng bộ việc quy hoạch để phát triển khu công nghiệp với các công trình nhà ở công nhân, công trình xã hội cho người lao động trong khu công nghiệp.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh họp thẩm tra các nội dung trình kỳ họp HĐND tỉnh.
Ban Kinh tế - Ngân sách cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn ngân sách Nhà nước. Cụ thể, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2024 đã giao cho một số dự án nhưng không có khả năng giải ngân hết vốn trong năm gồm 3 dự án mới (92 tỷ đồng); 1 dự án chuyển tiếp (đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789 với 171,45 tỷ đồng).
Điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ mục tiêu huyện, thị xã, thành phố đầu tư xây dựng nông thôn mới, cụ thể: giảm 44,25 tỷ đồng (thị xã Hoà Thành, huyện Dương Minh Châu), tăng 109,606 tỷ đồng (thành phố Tây Ninh, huyện Gò Dầu, huyện Bến Cầu); điều chỉnh tăng, giảm nội bộ kế hoạch vốn đầu tư năm 2024 nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 11,755 tỷ đồng; bổ sung vốn cho 6 dự án mới khoảng 198 tỷ đồng, các dự án bổ sung mới bảo đảm điều kiện bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm theo quy định tại Điều 53 Luật Đầu tư công năm 2019.
Đối với dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hệ thống xử lý nước thải thị trấn Châu Thành - giai đoạn 2, Ban Kinh tế - Ngân sách cơ bản thống nhất nội dung trình. Ban đề nghị UBND tỉnh trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện dự án giai đoạn 1, nghiên cứu phương án thi công giai đoạn 2 hợp lý và đồng bộ, hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng đến đời sống của người dân và hạ tầng kỹ thuật chung dọc tuyến đường.
Bà Huỳnh Vương Hiếu – Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu, thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.
Hiện nay, toàn tỉnh có 11 dự án đã và đang đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu vực đô thị trên địa bàn 6 huyện, thị xã, thành phố. Do đó, Ban đề nghị UBND tỉnh sớm trình ban hành chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đấu nối phù hợp; có phương án quản lý, vận hành nhà máy xử lý nước thải sau đầu tư bảo đảm hiệu quả (về đơn vị vận hành, chi phí quản lý vận hành, trạm quan trắc…
Đối với dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách Nhà nước, Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất nội dung trình, cụ thể: Điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của 7 dự án với 286,7 tỷ đồng; điều chỉnh tăng kế hoạch vốn của 8 dự án với 214,69 tỷ đồng; bổ sung kế hoạch vốn cho 4 dự án mới với 228,2 tỷ đồng. Phần vốn chênh lệch lấy từ nguồn dự phòng là 156,19 tỷ đồng, không làm thay đổi tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 đã được HĐND tỉnh giao (khoảng 15.388 tỷ đồng).
Trúc Ly