Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bản lĩnh những người vợ xa chồng
Thứ ba: 14:14 ngày 01/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thời bình, nhưng những người vợ bộ đội vẫn đằng đẵng chờ chồng, giữa sự ồn ào, tấp nập của cuộc sống, họ một mình lặng lẽ lo chuyện “cơm áo, gạo tiền”, vừa làm mẹ, vừa làm cha, song vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, dù ở lĩnh vực nào cũng hoàn thành tốt công việc được giao.

Chị Trần Thị Mai ôn bài cho 2 con.

Sáng nào cũng vậy, đúng 5 giờ 15 phút, chị Nguyễn Thị Sơn ở tổ 6A, ấp Bình Long, xã Thái Bình, huyện Châu Thành tất bật giặt giũ quần áo, chuẩn bị đồ ăn sáng cho con. Chị là giáo viên Trường tiểu học ấp Thanh Hùng, xã Thanh Điền, chồng chị là trung tá Hà Cường, đóng quân ở Quân đoàn 4, tỉnh Bình Dương, cách nhà xa hơn 100km.

Do đặc thù công việc, khoảng một đến hai tháng anh mới về thăm nhà một lần. Vì thế, mọi việc trong nhà đều do chị Sơn lo liệu. Cứ thế hơn 7 năm nay, chị một mình gánh vác trọng trách gia đình để chồng yên tâm công tác. Buổi tối khi con ngủ say, soạn giáo án xong, chị mới tranh thủ dọn dẹp nhà cửa. Bận rộn, vất vả là thế nhưng chưa bao giờ chị kêu ca, phàn nàn mà luôn cảm thấy hạnh phúc.

Chị Sơn cho biết “làm vợ bộ đội nhiều lúc cũng thấy buồn và tủi thân, nhất là khi con cái ốm đau. Tuy nhiên, mỗi lần lên thăm chồng mới biết những khó khăn của mình chẳng thấm vào đâu so với công việc anh ấy đang làm. Mình ở nhà vất vả nhưng có con bên cạnh. Thương chồng thiếu thốn tình cảm gia đình”. Sống xa nhau, những lần anh về chỉ đếm trên đầu ngón tay, song điều đó không làm vơi tình cảm chị dành cho chồng.

Chính tình yêu ấy đã giúp chị quên đi biết bao vất vả, nhọc nhằn để nuôi dạy con cái chu đáu, làm tròn bổn phận với cha mẹ nội, ngoại hai bên. Việc gia đình, việc xã hội chị luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc, nhiều năm liền đạt danh hiệu “Phụ nữ 2 giỏi”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.

Thượng tá Đinh Văn Chung công tác ở đơn vị chủ lực Sư đoàn 5, chuyển về công tác cơ quan Quân khu 7, nhận nhiệm vụ ở hải đảo đã hơn 11 năm, cũng là chừng ấy thời gian chị Trần Thị Mai (ngụ ấp Bình Hòa, xã Thái Bình, huyện Châu Thành) vợ thượng tá Đinh Văn Chung, Ban CHQS huyện Côn Đảo, Bộ CHQS tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, một mình tần tảo, khuya sớm chăm sóc, nuôi dưỡng con thơ để chồng yên tâm làm nhiệm vụ.

Chị Mai chia sẻ: “Đã xác định lấy chồng bộ đội, nhất là ở hải đảo, xa nhà, nội ngoại hai bên ở phía Bắc là vất vả, con cái ốm đau phải một mình gánh vác. Dù mạnh mẽ đến đâu, người phụ nữ cũng có những phút chạnh lòng, yếu đuối, dẫu vậy mình đều cố gắng vượt qua”.  

Anh chị quen và yêu nhau trong một lần Sư đoàn 5 tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ mừng ngày truyền thống, lúc đó chị Mai được tuyển vào làm công nhân viên quốc phòng, anh Chung vào Tây Ninh nhận nhiệm vụ tại Sư đoàn 5 sau khi tốt nghiệp trường Sỹ quan Lục quân 1.

“Tiếng là cùng sư đoàn, nhưng do nhu cầu phát triển, anh đi học tại Học viện Lục quân (tỉnh Lâm Đồng), ra trường công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang công tác tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Cách nhà cả hơn 400km, khoảng 4 tháng mới về một lần. Được cái tuy không ở gần, song ngày nào anh cũng gọi điện thoại động viên vợ, mỗi lần được về là giành làm hết việc nhà, nấu đủ món tẩm bổ vợ, con. Nhờ vậy, em cũng đỡ tủi thân và quen dần với cuộc sống nơi đất khách quê người”- chị Mai tâm sự.

Hai đứa con lần lượt chào đời, một mình chị xoay sở mọi thứ. Mỗi lần con ốm, chị không dám cho chồng biết vì sợ anh lo lắng ảnh hưởng đến công việc, chị một mình thức đêm trông con, dỗ dành lúc con quấy khóc đòi ba, nhiều lúc tưởng như mất sức, thế rồi chị cũng vượt qua. Hơn 12 năm công tác tại Trung đoàn 4, Sư đoàn 5, năm nào chị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, 4 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Có lẽ thương mẹ vất vả nên hai cô con gái của chị rất ngoan ngoãn, học giỏi, đã biết nấu cơm, trông coi nhà cửa, phụ mẹ làm việc nhà. Cuộc sống vất vả, thiếu bàn tay đàn ông, chị cố gắng làm tốt việc đơn vị lẫn việc gia đình, nuôi dạy con chu đáu để chồng yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi đảo xa.

Chị Hồ Thị Mai Hương, ngụ ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, giáo viên trường THCS xã Thành Long, huyện Châu Thành có chồng là bộ đội đang công tác tại Ban CHQS thị xã Hòa Thành, Bộ CHQS tỉnh, quê chị ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, vào Tây Ninh lập nghiệp rồi lập gia đình.

Ở quê hương thứ hai, không có nội ngoại ở bên cạnh, chồng thường xuyên vắng nhà, công việc nghề giáo bận rộn ở một xã biên giới, cách nhà hơn 20 cây số, các con hay ốm đau, chị Hương phải vất vả để chu toàn việc nhà việc trường. “Lúc đầu thấy gia đình bạn bè đồng nghiệp sum vầy, hạnh phúc mình cũng chạnh lòng, nhưng dần quen, hơn nữa lấy chồng bộ đội thì ai cũng có sự cảm thông, vượt khó mới có thể vun vén hạnh phúc gia đình, để chồng gắn bó với đơn vị.

Hiểu được vất vả của vợ, nên mỗi lần nghỉ phép, như để bù đắp cho vợ, anh chăm chỉ làm hết mọi việc trong gia đình. Nhìn anh chăm sóc vợ con, tôi cảm thấy mình là người may mắn, hạnh phúc, tự hào với bạn bè, đồng nghiệp, bà con lối xóm vì có chồng là sỹ quan quân đội”- chị Hương chia sẻ.

Đặc biệt trong các dịp lễ, tết, các gia đình đồng nghiệp, bạn bè sum vầy đủ đầy, những người “vợ lính” đôi chút lại chạnh lòng, nhưng rồi các chị cũng nguôi ngoai để các con được vui khi cha chưa về. Các chị động viên con rằng: “Gia đình ta hạnh phúc nhất khi cha các con đang làm nhiệm vụ rất thiêng liêng, bảo vệ sự bình yên để mọi người được vui xuân, đón tết an lành, hạnh phúc, trong đó có mẹ và các con”.

Cô giáo Hồ Thị Mai Hương dạy học trực tuyến.

Làm vợ bộ đội ngoài trách nhiệm, thiên chức của người vợ còn phải gánh thêm vai của người chồng. Không chỉ chị Sơn, chị Mai, chị Hương mà còn nhiều phụ nữ là vợ bộ đội giữa thời bình. Mỗi người một hoàn cảnh, song tựu chung họ cùng là điểm tựa, hậu phương vững chắc, đầy nghĩa tình, trọn vẹn thủy chung. Sự nỗ lực, lặng thầm, hy sinh của họ đã giúp biết bao cán bộ, chiến sĩ yên tâm làm nhiệm vụ, chắc tay súng bảo vệ sự bình yên của Tổ Quốc.

Quang Huy

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục