Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bạn trẻ đam mê văn hoá dân gian
Thứ bảy: 07:05 ngày 25/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - 26 tuổi đời, Phí Thành Phát đã có 5 năm chính thức bước vào con đường nghiên cứu về văn hoá dân gian, đặc biệt là văn hoá tín ngưỡng dân gian trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Phí Thành Phát chụp ảnh lưu niệm với nghệ nhân làm bánh tráng tại Lễ hội văn hoá, du lịch Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng năm 2022.

Nối dài những đam mê

Phát chia sẻ vui rằng mình vẫn hay bị lầm tưởng là một ông chú nào đó khi mọi người biết bạn qua các bài viết. Lĩnh vực nghiên cứu về những giá trị văn hoá truyền thống ít khi thu hút người trẻ. Nhưng với Phát, đó lại là niềm đam mê cháy bỏng.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình bình dân tại thị xã Trảng Bàng. Cả gia đình không ai theo con đường nghiên cứu văn hoá hay đam mê văn hoá cổ truyền. Từ những ngày thơ bé, được theo bà đến các chùa, miếu, đình tham dự các lễ, cậu bé trầm tính Phí Thành Phát bắt đầu yêu thích kiến trúc cổ xưa và những câu chuyện tín ngưỡng dân gian.

Phát lần dò làm quen những cụ ông, cụ bà, các cô chú để được nghe họ kể chuyện và ghi chép lại, dần tích luỹ cho mình những kiến thức về văn hoá truyền thống của quê hương. Đến giờ, Phát được biết đến là người có nhiều kiến thức khi nói về văn hoá dân gian, tín ngưỡng, nghệ thuật bóng rỗi, Phật giáo Nam bộ và Tây Ninh, nghề truyền thống…

Phát bộc bạch: “Tôi thấy mình may mắn khi được sinh ra tại vùng đất giàu truyền thống với nhiều giá trị lịch sử. Tôi luôn tự hào về quê hương mình”. Chính niềm tự hào đó đã hun đúc cho chàng trai trẻ niềm đam mê tìm hiểu và truyền bá chúng ra cộng đồng.

Người trẻ dành thời gian rảnh rỗi giải trí, còn Phát dành thời gian đi tìm hiểu các công trình hay đọc sách. Đây là thói quen của bạn từ những ngày còn là sinh viên tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2018, Phát đặt bút viết bài viết đầu tiên về Linh Sơn Thánh Mẫu tại Tây Ninh và được đăng trên một tạp chí. Có chút bồi hồi, Phát nhớ lại: “Lúc đó cảm giác rất khó tả. Khi đặt bút viết bài viết đầu tiên đầy hồi hộp, bài viết chưa chỉn chu lắm. Nhờ một người thầy chuyên nghiên cứu về văn hoá dân gian đã động viên và hướng dẫn tôi viết. Lúc đó tôi chỉ muốn giới thiệu một nét văn hoá của quê hương đến với nhiều người hơn”.

Càng viết càng “say”, từ năm 2018 đến nay, Phát đã viết gần 100 bài nghiên cứu về các lĩnh vực văn hoá dân gian gửi báo, tạp chí và tham gia các hội thảo khoa học quốc tế. Đặc biệt, trong năm 2022, Phát có 2 bài viết được công bố tại hội thảo khoa học quốc tế, 5 bài tại hội thảo cấp quốc gia, cấp bộ. Dự định sắp tới của bạn là sẽ tập hợp các bài viết và in thành sách.

Phát chia sẻ, đây vốn là lĩnh vực nghiên cứu đã có nhiều người đi qua, khi viết bài bạn chỉ viết vì nhiệt huyết của một người trẻ muốn truyền tải kiến thức đến nhiều người. May mắn, Phát luôn gặp những góp ý có tính xây dựng từ những người đi trước để hoàn thiện mình hơn.

Để viết bài, Phát chọn đi điền dã thu thập thông tin, hình ảnh, đọc sách tài liệu. “Sách tôi tìm mua, tìm đọc ở thư viện, tài liệu của những người nghiên cứu đi trước để làm phong phú thêm nguồn tư liệu”- Phát chia sẻ thêm.

Từ buổi đầu bỡ ngỡ khi phỏng vấn các chú, các bác hay những lần tham gia hội đình suýt bị tịch thu máy ảnh, ghi âm vì là “người lạ”, đến nay Phí Thành Phát tự tin hơn trong công việc nghiên cứu và có thêm nhiều người bạn cùng trao đổi thông tin, kiến thức.

Với niềm đam mê, Phát đã đi gần hết các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt là các vùng đất được khai phá sớm, có nhiều di tích xưa như Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu. Phát cũng không ngần ngại lang thang đình vắng, nghĩa trang hay chạy một đoạn dài đếm miếu ven đường phục vụ cho bài viết.

Nghiên cứu văn hoá dân gian, Phật giáo Nam bộ nhưng Phí Thành Phát đặc biệt bị thu hút bởi văn hoá tín ngưỡng, nghề truyền thống. Phát nói: “Tín ngưỡng gắn liền với đời sống cư dân nhiều hơn. Bởi khi người ta mong cầu về cuộc sống bình yên, hạnh phúc, sự sung túc sẽ tìm đến cầu khấn với thần linh”.

Năm 2021, Phát là hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian, thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Tây Ninh, năm 2022, bạn được kết nạp hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Phí Thành Phát trong một buổi đi điền dã thu thập tư liệu

Nỗ lực đưa văn hoá dân gian đến gần hơn với thanh niên

Trong những bài viết, Phát hướng đến độc giả đại chúng nhưng cũng đặc biệt muốn hướng đến các bạn trẻ. Phát chia sẻ: “Trong bài viết của mình, tôi thường không đi quá sâu mà chỉ hướng đến giới thiệu cho nhiều người biết, gợi mở sự tò mò cho người đọc để họ có hứng thú tự tìm hiểu về một nét văn hoá, con người, vùng đất”.

Phí Thành Phát hiện là người trẻ nhất ở Tây Ninh đang nghiên cứu trong lĩnh vực văn hoá dân gian. Trên mạng xã hội, Phát có nhiều bạn bè, anh chị cùng yêu thích lĩnh vực này để cùng trao đổi. Là cán bộ Phường đoàn Gia Bình (thị xã Trảng Bàng), Phát đã truyền bá những nét văn hoá đến người dân, bạn trẻ thông qua các hoạt động, phong trào đoàn ở địa phương.

Năm ngoái, Phường đoàn tổ chức toạ đàm “Thời hoa đỏ”- một chương trình tuyên truyền cách mạng. Trong các hoạt động khác, Phát thường lồng ghép các tiết mục văn hoá dân gian vào và thu hút được nhiều sự chú ý.

Phát hào hứng nói: “Trong chương trình tổ chức Trung thu cho thiếu nhi năm 2022, tôi đã đưa bóng rỗi vào biểu diễn và nhận được hưởng ứng tích cực. Hay tại đêm hội nguyên tiêu năm 2023 tôi đã đưa tiết mục xây chầu lên sân khấu”. Phát luôn có sự thận trọng khi đưa các tiết mục văn hoá dân gian lồng ghép vào chương trình sinh hoạt của đoàn, và sau mỗi tiết mục bạn sẽ có bài giới thiệu về loại hình mới này để mọi người hiểu hơn.

Phát bày tỏ: “Tôi mong muốn ngày càng có nhiều người hiểu hơn về những giá trị của văn hoá dân gian. Vì khi biểu diễn ở các cơ sở tín ngưỡng chỉ có một bộ phận người dân quan tâm đến xem, chủ yếu là người lớn tuổi. Nhưng khi đem lên sân khấu, các chương trình sẽ tiếp cận được thêm nhiều đối tượng hơn- nhất là các bạn trẻ. Đầu tiên mình sẽ mang cái lạ, cái mới cho người xem, sau dần mới hình thành được sự quan tâm đến giá trị truyền thống”.

Mọi cố gắng trong công việc, Phát luôn có bạn đồng hành là gia đình, địa phương, các nghệ nhân, cô chú có kinh nghiệm. Bạn chia sẻ: “Tôi hạnh phúc khi được nhiều người hỗ trợ, tạo động lực cho mình tìm tòi thêm”. Bên cạnh đó, trên Facebook cá nhân, Phát còn giới thiệu về những công trình, nét văn hoá đặc sắc của quê hương và nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Vi Xuân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục