Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Năm 2020, một năm đầy khó khăn khi dịch bệnh Covid– 19 và thiên tai hoành hành. Nhiều bạn trẻ trong tỉnh đứng ra kêu gọi, vận động hàng hoá, thuốc men hỗ trợ người dân các nơi gặp khó khăn. Những việc làm của các bạn góp phần tạo nên hình ảnh đẹp vì cuộc sống cộng đồng của thế hệ trẻ hôm nay.
Anh Trần Đăng Tiến thăm và tặng quà cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trần Đăng Tiến– chàng trai của sự gắn kết, sẻ chia
Năm 2013, sau khi rời Trường đại học Queensland ở Australia với bằng thạc sĩ thương mại, anh Trần Đăng Tiến (SN 1989) quay về Việt Nam làm việc và cống hiến. Năm 2014, anh trở về quê hương Tây Ninh công tác tại Ban Nội chính Tỉnh uỷ. Ba năm sau, anh chuyển công tác đến Tỉnh đoàn. Anh từng là Phó Bí thư Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh. Hiện anh là Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó trưởng Ban Phong trào Tỉnh đoàn.
Trong thời gian công tác tại Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, anh Tiến là cán bộ Đoàn năng nổ với nhiều dự án, hoạt động tình nguyện đầy sáng tạo, thiết thực cho thanh niên.
Anh tham mưu lãnh đạo triển khai nhiều hoạt động, mô hình thanh niên, giúp các bạn trẻ có thêm nhiều sân chơi bổ ích, như: trang bị bình thuỷ tinh, chống rác thải nhựa; tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng, các ngày lễ lớn cho đoàn viên, thanh niên trên tờ lịch; tổ chức cuộc thi tìm hiểu về dịch bệnh Covid-19; hành trình “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khoẻ cộng đồng”...
Một trong những dự án được anh và bạn bè triển khai, duy trì nhiều năm qua là “Dự án Gây quỹ trao bò sinh sản” theo hình thức xoay vòng. Bò được trao cho các đối tượng khó khăn trong xã hội như hộ nghèo, hộ cận nghèo, thanh niên không có vốn sản xuất kinh doanh, đặc biệt là thanh niên ở khu vực nông thôn...
Dự án sẽ trao bò mẹ cho đối tượng khó khăn, sau khi bò mẹ sinh, đối tượng giữ lại bò con, bò mẹ sẽ được chuyển giao cho hộ tiếp theo. Như vậy, mỗi bò mẹ sẽ giúp được cho 9-10 gia đình khó khăn tương ứng với số lần sinh sản của bò mẹ.
Mặc dù đây không phải là mô hình mới nhưng nhờ cách làm khoa học và tận tình hướng dẫn hộ nhận nuôi, tính đến nay, dự án của anh Tiến đã vận động và trao được 21 con bò sinh sản trị giá 420 triệu đồng cho các đối tượng khó khăn, giúp cho nhiều hộ gia đình có điều kiện cải thiện kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Anh Trần Đăng Tiến trò chuyện cùng Bộ trưởng Bộ Giáo dục bậc đại học và Bộ Đào tạo và Kỹ năng Bang Victoria của Úc - bà Gayle Tierney.
Anh Trần Đăng Tiến là một trong những gương nhận danh hiệu “Thanh niên làm theo lời Bác” của tỉnh năm 2020.
Năm 2020, anh Tiến thành lập nhóm thiện nguyện nhỏ, cùng những người bạn vận động thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội. Điển hình như trong đợt dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, nhóm của anh vận động mạnh thường quân hơn 700 triệu đồng và nhiều trang thiết bị, vật dụng cần thiết như áo mưa, đèn pin, gạo, rau củ quả, khẩu trang... tặng cho các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ làm công tác phòng, chống dịch trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Công trình "Thắp sáng đường tuần tra biên giới" do anh vận động và tham mưu Tỉnh đoàn thực hiện với chiều dài 23km trên địa bàn thị xã Trảng Bàng và huyện Bến Cầu. Công trình góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch cho lực lượng ở tuyến đầu biên giới, phát huy tinh thần xung kích của thanh niên trong việc chung tay phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ Tổ quốc.
Hơn thế nữa, hiểu được sự khó khăn, vất vả của người dân do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, anh cùng 2 người bạn lên ý tưởng chế tạo và tham mưu cấp lãnh đạo lắp đặt 4 ATM gạo, phân phối gạo trực tiếp cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 một cách an toàn, hiệu quả, nhanh chóng. Các ATM gạo được lắp đặt tại huyện Châu Thành, Gò Dầu, và thị xã Hoà Thành, giúp người dân có thêm điều kiện vượt qua mùa dịch.
Anh Trần Đăng Tiến trong “Liên hoan thanh niên Yowun Puraya” tại Sri Lanka.
Với những hành động, nghĩa cử cao đẹp của mình, Trần Đăng Tiến là một trong những gương điển hình tiên tiến tỉnh Tây Ninh làm theo lời Bác năm 2020 được UBND tỉnh khen thưởng, Trung ương đoàn khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid– 19.
Anh Trần Đăng Tiến đại diện Tỉnh đoàn trao gạo cho trụ ATM gạo tại thị xã Hoà Thành.
Anh nói: “Đối với tôi, niềm vui khi làm việc tốt không gì ngoài những nụ cười, những cái ôm, bắt tay của người được giúp đỡ. Những giá trị tinh thần mà họ đem lại giúp tôi có thêm động lực tiếp tục thực hiện sứ mệnh. Trong hành trình gắn kết và sẻ chia, tôi không cô độc, tôi luôn có được sự đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ từ các bạn thanh niên, các bạn trẻ trong cộng đồng”.
Nhóm thiện nguyện Niềm Vui Nhỏ - nơi học cách cho đi và trưởng thành
Thành lập từ năm 2014 với chỉ 3 thành viên ban đầu, nhóm thiện nguyện Niềm Vui Nhỏ dần lớn mạnh bằng các hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Đến nay, nhóm có 26 thành viên hoạt động thường xuyên và nhiều thành viên hỗ trợ khi có thời gian tham gia. Bằng sự sáng tạo, nhiệt huyết của tuổi trẻ, nhóm Niềm Vui Nhỏ đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện xã hội, nhất là các hoạt động chăm lo, giúp đỡ cho người già, phụ nữ và trẻ em.
Chị Võ Thuý An (SN 1991)– đại diện nhóm thiện nguyện Niềm Vui Nhỏ cho biết: "Đa số các bạn tham gia nhóm đều sinh sống, học tập và làm việc tại Tây Ninh, có bạn tham gia từ khi mới 16, 17 tuổi.
Chúng tôi đến với nhau bằng cái tâm muốn giúp ích cho đời, cho người và làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn. Mặc dù điều kiện kinh tế chưa vững nhưng chúng tôi có sức trẻ, có sự sáng tạo của mình để chung tay cùng cộng đồng giúp những hoàn cảnh nghèo khó vượt qua khó khăn”.
Nhóm thiện nguyện Niềm Vui Nhỏ tham gia cứu trợ dưa hấu cho nông dân Gia Lai
Với thông điệp “Niềm vui nhỏ - Toả yêu thương”, 6 năm qua, nhóm phối hợp các đoàn thể, địa phương tổ chức rất nhiều hoạt động dành cho các em học sinh trên địa bàn tỉnh- nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vui tết Trung thu, tết nguyên đán; trao sách vở, dụng cụ học tập, đồng phục giúp các em có điều kiện đến trường; tặng quà cho bệnh nhi ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh...
Những hành động ý nghĩa này không chỉ giúp các em nhỏ có thêm động lực phấn đấu trong học tập mà còn tiếp thêm cho các em niềm tin trong cuộc sống.
Người già luôn được nhóm Niềm Vui Nhỏ đặc biệt quan tâm.
Với nguyên tắc “Giúp người đúng lúc, đúng hoàn cảnh”, nơi đâu có người cần sự giúp đỡ, nhóm cố gắng giúp đỡ hết mình. Đối với các đối tượng phụ nữ, người già có hoàn cảnh khó khăn, nhóm chủ động liên hệ địa phương khảo sát từng hoàn cảnh để biết họ cần gì và cần giúp đỡ như thế nào, rồi cùng nhau họp bàn đưa ra phương án thiết thực nhất.
Nhiều hoạt động được tổ chức và được nhóm duy trì nhiều năm qua như: nấu cháo cho bệnh nhân nghèo; xây, sửa nhà cho các hộ khó khăn; tặng quà cho người già neo đơn; vận động mạnh thường quân hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, có con em mắc bệnh hiểm nghèo...
Chị An cho biết, ban đầu khi mới hoạt động, nhóm làm việc còn chưa khoa học, chưa giúp được gì nhiều cho bà con, lâu dần rút kinh nghiệm, hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Để tạo được niềm tin nơi các nhà hảo tâm, nhóm tạo một tài khoản ngân hàng để tiếp nhận nguồn quỹ vận động và minh bạch tất cả các khoản đóng góp của cá nhân và chi phí tổ chức các hoạt động của nhóm trên mạng xã hội.
Dần dần, nhóm nhận được nhiều sự ủng hộ của các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh. “Sự tin cậy của mạnh thường quân luôn là động lực, sự động viên cả về vật chất lẫn tinh thần để nhóm tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hơn nữa”– chị An nói.
Tặng xe đạp cho học sinh nghèo.
Năm 2020, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cùng nhiều thiên tai, thảm hoạ xảy ra khiến cuộc sống người dân trong và ngoài tỉnh rơi vào khó khăn, thiếu thốn, nhóm Niềm Vui Nhỏ đã lên kế hoạch vận động mạnh thường quân tổ chức nhiều hoạt động cứu trợ trong mùa dịch, hỗ trợ lương thực cho đồng bào miền Trung bị thiên tai, lũ hụt hoành hành; nấu cơm cho các chốt biên phòng phòng, chống dịch ở huyện Bến Cầu...
Nhóm vận động được nhiều loại hàng hoá, nhu yếu phẩm, thuốc men với chi phí hơn 40 triệu đồng, phối hợp cùng một đoàn thiện nguyện khác tại địa phương tổ chức chuyến cứu trợ người dân tại hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Bình, cùng cộng đồng giúp người miền Trung vượt qua mùa lũ.
Đến với nhau bằng tấm lòng thiện nguyện, những bạn trẻ trong nhóm thực sự gắn kết, xem nhau như là những thành viên trong gia đình. “Qua nhiều chặng đường cùng sát cánh, chung tay vì người nghèo, người dân có hoàn cảnh khó khăn, các bạn trẻ trong nhóm học được cách cho đi và ngày càng trưởng thành, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội.
Nhiều bạn tự ti, hơi nhút nhát trở nên năng động, tự tin hơn, tạo dựng được mối quan hệ xã hội và mạnh dạn nói lên được quan điểm, ý kiến cá nhân của mình. Các bạn biết mình là ai, mình cần gì và làm gì để trở thành một người có ích trong xã hội”– chị An tâm sự.
Lan toả tính xung kích, tình nguyện vì cộng đồng
Hiện nay, có rất nhiều cá nhân, tổ chức, CLB, đội nhóm thiện nguyện hoạt động trên địa bàn tỉnh. Điều đó cho thấy các bạn trẻ ngày càng quan tâm đến các vấn đề xã hội, biết chia sẻ và sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội.
Nhóm Niềm Vui Nhỏ tổ chức gian hàng ẩm thực tại xã Phước Vinh, huyện Châu Thành.
Nói về các bạn trẻ với công tác thiện nguyện, chị Nguyễn Thị Trúc Mai– Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, với lợi thế là sức trẻ và sự sáng tạo, các bạn biết cách vận động nguồn lực, nhanh chóng và tổ chức được nhiều hoạt động, không chỉ giúp đỡ người dân trên địa bàn tỉnh mà còn giúp những người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều nơi trên đất nước.
Điều này thể hiện rõ nhất trong 2 hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 và “Chung tay cứu trợ đồng bào miền Trung bị thiên tai, lũ lụt” thời gian vừa qua.
Ngoài việc giúp đỡ người khác, tham gia vào hoạt động thiện nguyện còn giúp những bạn trẻ mở rộng các mối quan hệ xã hội, có kinh nghiệm thực tế và cải thiện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, lãnh đạo, quản lý dự án và tư duy phản biện... Sự hiểu biết về những vấn đề xã hội giúp các bạn trẻ hoàn thiện bản thân mình.
Theo chị Mai, thiện nguyện là cách giáo dục hay, thiết thực. Những người trẻ biết quan tâm đến cộng đồng và sẵn sàng đóng góp trong khả năng của mình, có thể là thời gian, kỹ năng hoặc tài chính.
Tuy nhiên, các bạn trẻ khi làm thiện nguyện cần sự phối hợp, định hướng từ chính quyền địa phương, tổ chức thanh niên để có thể hoạt động hợp lý, giúp đúng người, đúng hoàn cảnh và tránh bị lợi dụng bởi các cá nhân, tổ chức lừa đảo.
“Hãy thực hiện các hoạt động thiện nguyện bằng sự thông minh, sáng tạo và bằng tất cả tình cảm trong sáng, để góp phần tô đẹp thêm hình ảnh của thanh niên, người trẻ của tỉnh nhà”- chị Mai gửi lời động viên đến các bạn trẻ yêu thích công việc thiện nguyện.
Ngọc Diêu