Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2021):
Báo chí cách mạng Việt Nam và vai trò, trách nhiệm của luật sư
Chủ nhật: 23:31 ngày 13/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cả người làm báo lẫn luật sư đều phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và hướng tới sứ mệnh cao cả là bảo vệ công lý, pháp luật và quyền tự do dân chủ của nhân dân.

Ảnh minh hoạ

Cách đây 96 năm, cơ quan ngôn luận của tổ chức “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội” - tờ Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên vào ngày 21.6.1925. Ðây được xem là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta.

Ngày 5.2.1985, Ban Bí thư Trung ương Ðảng có Quyết định số 52 lấy ngày 21.6 hằng năm là Ngày Báo chí Việt Nam để kỷ niệm, tri ân các nhà báo đã cống hiến trí tuệ, sự nhiệt thành, đôi khi có cả máu và nước mắt để độc giả có những bài báo hay sự kiện nóng hổi, chân thật.

Sau đó, ngày 21.6.2000, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày Báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Từ khi báo "Thanh niên" ra đời, báo chí Việt Nam mới giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Thật không quá lời khi nói rằng: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà báo vĩ đại mà còn chính là người khai sinh và đặt nền móng vững chắc cho báo chí cách mạng Việt Nam. Trong gần 50 năm hoạt động báo chí, Bác đã viết hơn 2.000 bài báo, gần 300 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký, với gần 200 bút danh, đã để lại cho các thế hệ nhà báo nhiều bài học lớn về nghề báo.

Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng có phát biểu quan điểm vĩ đại về báo chí ở Việt Nam như sau: “…Mãi đến bây giờ, chưa có người Việt Nam nào được phép xuất bản một tờ báo cả. Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở các nước châu Âu hay châu Á khác, chứ không phải là một tờ báo do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hoá và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Ðông Dương cũng có ba hay bốn tờ đấy…” (Hồ Chí Minh - Ðây "công lý" của thực dân Pháp ở Ðông Dương - tháng 12.1920).

Sau ngày thống nhất đất nước, báo chí ở nước ta đã phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước. Từ sau Ðại hội toàn quốc lần thứ VI của Ðảng, báo chí như được thổi luồng gió mới.

Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực và các tệ nạn xã hội, báo chí cả nước đã phát huy vai trò xung kích, thể hiện rõ chức năng giám sát của nhân dân. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn.

Nhờ có công cuộc đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, báo chí đã có bước tiến nhảy vọt về chất và lượng. Từ vài chục cơ quan báo chí trong ngày đầu giành chính quyền, đến nay đã có trên 500 cơ quan báo chí với gần 700 ấn phẩm báo chí, Ðài Phát thanh và Ðài truyền hình quốc gia, hơn chục đài phát thanh và truyền hình khu vực, 64 đài phát thanh, truyền hình ở các tỉnh, thành phố cùng với hệ thống cơ sở phát thanh truyền thanh rộng khắp các huyện, thị xã, thành phố trong nước.

Ðội ngũ báo chí điện tử, báo chí trực tuyến phát triển mạnh mẽ cùng với các nhà cung cấp dịch vụ internet tạo nên một mạng thông tin báo chí điện tử sôi động có sức thu hút hàng triệu lượt người truy cập hằng ngày.

Hoạt động của báo chí trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường, trong thời đại bùng nổ thông tin đang phát triển không ngừng. Ðứng trước những yêu cầu mới, báo chí cách mạng Việt Nam mãi mãi kiên định mục tiêu lý tưởng của Ðảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Ðảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân.

Tuy nhiên, báo chí cũng đứng trước một số nguy cơ và thách thức. Khi mà cách mạng công nghiệp lần thứ tư, còn được gọi là công nghiệp 4.0, trở nên vừa là xu thế vừa là động lực của mọi hoạt động xã hội.

Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến mọi mặt sản xuất, đời sống và cả đối với an ninh, quốc phòng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Với những thông tin nhanh nhạy nhưng đôi khi không thể phân biệt đúng - sai trong một bộ phận nhân dân với tư cách người tiếp nhận thông tin.

Vì lẽ đó, báo chí cách mạng Việt Nam phải đổi mới cả nội dung lẫn hình thức và phương thức truyền tải thông tin lẫn cách thức tiếp cận độc giả, vừa đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.

Chỉ riêng nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hay việc thu thập và cung cấp thông tin cho độc giả trong nước, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã là một nỗ lực rất lớn của đội ngũ những người làm báo. Trách nhiệm của các cơ quan báo chí cũng như tổ chức luật sư, vừa phải đưa nghị quyết của Ðảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, vừa phải định hướng cho toàn dân trong cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật thời đại mới, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Ðây chính là điểm hội tụ và tương tác giữa nghề báo và nghề luật sư.

Ðiều 3 Luật Luật sư quy định chức năng xã hội của luật sư: “Hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ðiểm b, khoản 2 Ðiều 4 Luật Báo chí năm 2016 quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí: “Báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn… tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hoá lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Như vậy, rõ ràng cả người làm báo lẫn luật sư đều phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và hướng tới sứ mệnh cao cả là bảo vệ công lý, pháp luật và quyền tự do dân chủ của nhân dân.

LS Phan Văn Vĩnh

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục