Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Báo chí đồng hành cùng du lịch Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19
Chủ nhật: 00:12 ngày 28/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 27.11, Tạp chí Người Làm Báo Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Tổng cục Du lịch, Hiệp hội lữ hành Việt Nam, Truyền hình HITV/Truyền hình Cáp Hà Nội tổ chức Diễn đàn trực tuyến "Báo chí đồng hành cùng du lịch Việt Nam vượt qua khủng hoảng Covid-19". Dự diễn đàn có đại diện Tổng cục Du lịch, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố.

Chủ trì diễn đàn.

Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam chịu tổn thất nặng nề. Lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm gần 80% so với năm trước; khách du lịch trong nước giảm đến 50%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng.

PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi cho biết: Tổ chức Du lịch thế giới dự báo, du lịch quốc tế phải mất từ 3 - 4 năm để phục hồi. Trong khi đó, lúc này, đại dịch Covid-19 đã bào mòn năng lực của doanh nghiệp, phần lớn các doanh nghiệp du lịch đang gặp khó khăn về tài chính, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh; thu nhập người lao động bị giảm, tâm lý hạn chế chi tiêu ảnh hưởng lớn tới tiêu dùng du lịch của đại bộ phận người dân, nhu cầu thị trường giảm sút.

 Điều này buộc ngành du lịch phải chuyển hướng, tập trung phát triển du lịch nội địa. Du lịch phải thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì kinh doanh.

Tại diễn đàn, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hoà, tỉnh Khánh Hoà nêu những khó khăn của du lịch Việt Nam, trong đó có du lịch tỉnh Khánh Hòa trong đại dịch Covid-19, đồng thời bà ca ngợi vai trò của báo chí, truyền thông đối với ngành du lịch lữ hành...

Ông Đặng Đông Hà- Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình nêu giải pháp liên kết du lịch với các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Đà Nẵng, rồi các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản. Ông chia sẻ những chính sách của tỉnh Quảng Bình đối với doanh nghiệp du lịch lữ hành như triển khai tiêm vaccine, giãn nợ, hoãn nợ cho doanh nghiệp.

Nhà báo Ngô Hải Dương- Phó Tổng Biên tập Tạp chí Du lịch nhấn mạnh vai trò của cơ quan báo chí trong việc phục hồi du lịch. Theo ông, từ trước đến nay, hệ thống báo chí Việt Nam có vai trò trong quảng cáo du lịch Việt Nam đặc sắc, thông tin đáng tin cậy, đóng góp 1 phần không nhỏ vào thành công của hoạt động du lịch. Báo chí có vai trò quan trọng với du lịch và ngược lại du lịch cũng khai thác báo chí phát triển. Báo chí đã và đang có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch.

Để thực hiện khôi phục hoạt động du lịch Việt Nam sau dich, bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ... Du lịch cần tập trung công tác xúc tiến truyền thông điểm đến an toàn, đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới, tổ chức các sự kiện hấp dẫn, quy mô lớn để thu hút khách du lịch cũng như tăng cường liên kết hợp tác để phát triển du lịch nội địa… Đây là thời điểm phù hợp để các đơn vị, doanh nghiệp cùng định hướng lại thị trường nhằm đưa ra giải pháp hữu hiệu vực dậy thị trường du lịch.

TS. Nguyễn Hồng Hà- Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam đề xuất việc chia sẻ hình ảnh, video clip giữa các cơ quan báo chí để có thể tạo ra những sản phẩm truyền thông du lịch tốt nhất.

Bà Ánh Nguyệt- đại diện Công ty TNHH TM Du lịch Quốc tế Đình Anh (Minh Châu Beach Resort) nêu vấn đề phát triển du lịch kết hợp với bảo vệ môi trường để du lịch luôn bền vững.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, trong đó nêu rõ mục tiêu đến năm đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, trong đó tất cả 14 tiêu chí năng lực cạnh tranh du lịch đều tăng, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững. 

Để phát triển du lịch, Việt Nam cần có nhiều hơn các biện pháp thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ngành du lịch, đặc biệt là cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới.

Theo các chuyên gia, giai đoạn 2021 - 2022, du lịch nội địa sẽ là đòn bẩy quan trọng để ngành phục hồi sau Covid-19, trong đó yếu tố an toàn vẫn được đặt lên hàng đầu. Chú trọng phát huy liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp theo phương châm "Liên kết, hành động và phát triển".

H. Giang

Tin cùng chuyên mục