Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bảo đảm an toàn sử dụng điện trong Nhân dân
Thứ sáu: 07:56 ngày 25/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, Công ty Ðiện lực Tây Ninh nhận được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của các địa phương, đặc biệt là Ban Chỉ đạo (BCÐ) bảo vệ an toàn lưới điện cao áp của tỉnh. Ðịnh kỳ 6 tháng/lần, BCÐ phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và Công ty Ðiện lực Tây Ninh kiểm tra công tác bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

Cắt tỉa cây xanh để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão (Ảnh: Tâm Giang)

Sau kiểm tra, BCÐ có văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với ngành Ðiện để khắc phục, xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến hành lang lưới điện, qua đó, giúp công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện ngày một tốt hơn, từng bước kéo giảm sự cố lưới điện cũng như tai nạn điện trong dân.

Chấn chỉnh tình trạng cáp viễn thông treo chằng chịt trên trụ điện

Thời gian qua, một số cử tri trên địa bàn TP. Tây Ninh có ý kiến về vấn đề an toàn điện trong khu dân cư; tình trạng các loại dây điện, dây cáp mắc chung khá rối, ảnh hưởng đến mỹ quan, có dây bị đứt thòng xuống đường khiến người dân rất lo lắng.

Theo bà Nguyễn Thị Anh Ðào - Trưởng Phòng Kinh tế Thành phố, địa phương đã ghi nhận ý kiến của cử tri, trên địa bàn Thành phố, hệ thống lưới điện được đầu tư nâng cấp hằng năm, do đó, bảo đảm an toàn kỹ thuật về điện.

Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan kiểm tra thường xuyên, gia cố lại những điểm có khả năng mất an toàn về điện, tiếp tục hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân về quá trình sử dụng, quá trình mắc điện sau công-tơ, bảo đảm an toàn kỹ thuật, thiết bị điện.

Bà Ðào cho biết thêm, UBND Thành phố đã đầu tư cáp ngầm đối với tuyến đường 30.4 và đang kiến nghị tỉnh đầu tư cùng với Thành phố thực hiện cáp ngầm những tuyến đường khác, cụ thể như đường Cách Mạng Tháng Tám sẽ được thực hiện trong năm 2022; tiếp theo là đường Bời Lời, đường Nguyễn Chí Thanh và một số tuyến đường khác.

Còn theo bà Ðoàn Thị Minh Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên, hiện nay, có nhiều mạng cáp viễn thông trên trụ điện lực như Viettel, VNPT, FPT, truyền hình cáp SCTV. Các loại cáp viễn thông mắc chằng chịt là các dây mạng thuê bao do nhà mạng kéo lắp đặt cho khách hàng.

Nhân viên lắp đặt cáp thuê bao khách hàng tự ý mắc chung các phụ kiện, khung đỡ sứ cách điện của dây điện, gây mất an toàn và mỹ quan đô thị, người dân khó nhận biết được đâu là dây điện, đâu là dây cáp.

Ðể chấn chỉnh tình trạng các cáp viễn thông treo chằng chịt trên trụ điện, UBND huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan, đặc biệt là Ðiện lực Tân Biên và các đơn vị viễn thông phối hợp xây dựng kế hoạch, lộ trình làm gọn dây cáp trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Trọng Tài - Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Thành chia sẻ, UBND huyện Châu Thành phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Ðiện lực và các đơn vị có cáp viễn thông thực hiện bó gọn cáp viễn thông trên trụ điện, chuẩn bị triển khai giai đoạn năm 2021-2025, dự kiến đến hết năm 2025 sẽ hoàn tất.

Bảo đảm an toàn trong sử dụng điện

Ðánh giá về tình trạng người dân tự câu mắc điện, bà Ðoàn Thị Minh Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên cho biết: “Vấn đề này được UBND huyện Tân Biên chỉ đạo quyết liệt trong thời gian qua.

UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với Ðiện lực Tân Biên rà soát nhu cầu của người dân để đăng ký, hướng dẫn và liên hệ lắp đặt công-tơ mới, đồng thời, Ðiện lực Tân Biên cử nhân viên khảo sát thực tế vị trí đề nghị cấp điện.

Trường hợp đủ điều kiện cấp điện, Ðiện lực Tân Biên có trách nhiệm lắp đặt công-tơ điện mới để cấp điện cho người dân. Chi phí phần dây từ phía sau thiết bị bảo vệ công tơ điện (MCCB) kéo về nhà để sử dụng do người dân tự chịu trách nhiệm. Vì vậy, đến nay, trên địa bàn huyện không còn tình trạng người dân tự câu mắc điện”.

Về phía huyện Châu Thành, hiện lưới điện quốc gia đã phủ khắp các xã, ấp trên địa bàn huyện, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,9% trên tổng số hộ dân. Căn cứ Luật Ðiện lực, ranh giới quản lý vận hành giữa Ðiện lực và người dân là từ sau cầu dao (CB) của ngành Ðiện, do đó, việc thi công (kéo điện), quản lý, vận hành là của người dân.

Khi khảo sát lắp đặt công-tơ mới, nhân viên Ðiện lực tư vấn về tiêu chuẩn kỹ thuật lưới điện hạ thế để người dân biết và cam kết việc kéo dây từ sau công-tơ điện về nhà bảo đảm an toàn, đúng kỹ thuật.

Tuy nhiên, do hiểu biết về điện còn hạn chế và cũng liên quan đến chi phí kéo điện (đặc biệt là kéo đường dây xa), người dân vẫn chưa quan tâm đến việc thi công phải đúng yêu cầu kỹ thuật, chưa cải tạo, bảo trì, sửa chữa định kỳ... nên vẫn còn một số nơi lưới điện hạ thế sau công-tơ xuống cấp, không bảo đảm an toàn.

Ông Nguyễn Trọng Tài - Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Thành cho biết, để khắc phục tình trạng dây sau công-tơ không bảo đảm khoảng cách, ngành Ðiện đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân các hình thức khắc phục; UBND các xã, thị trấn cần phối hợp ngành Ðiện, Phòng Kinh tế - Hạ tầng của huyện vận động người dân sửa chữa đường dây để đạt độ cao cần thiết.

Khắc phục kịp thời các sự cố về lưới điện do giông lốc, mưa bão, bảo đảm cung cấp điện cho nhân dân

Hằng năm, vào đầu mùa mưa, thời tiết bất thường xuất hiện giông lốc, sét gây sự cố lưới điện, ảnh hưởng đến công tác vận hành lưới điện. Cụ thể, các sự cố lưới điện do thời tiết thường là giông lốc, sét làm cây cối, công trình kiến trúc bị gió lốc quật đổ vào đường dây, gây chạm, chập, đứt dây điện, gãy cột điện...

Các cơn giông lốc lớn có thể gây sự cố đổ ngã trụ hàng loạt, mất điện trên diện rộng, gây gián đoạn cung cấp điện số lượng lớn khách hàng, thời gian khắc phục kéo dài và cần rất nhiều nhân lực để khắc phục; ngoài việc gây mất điện, hư hỏng tài sản thiết bị điện còn có thể nguy hiểm đến tính mạng con người.

Thống kê trong 5 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 24 sự cố về điện do thời tiết, chủ yếu là giông lốc và sét, trong đó, có một vụ giông lốc gây mất điện diện rộng trên địa bàn huyện Tân Châu vào ngày 5 và 6.5.2021.

Gió lốc làm gãy 5 cột trung áp, 7 cột hạ áp, gây sự cố ở 5 trạm biến áp và làm đứt dây trung áp nhiều nơi; để khắc phục sự cố, đơn vị phải huy động nhân lực từ các Ðiện lực huyện khác hỗ trợ Ðiện lực Tân Châu.

Trên địa bàn TP. Tây Ninh, trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 không xảy ra sự cố lưới điện làm mất điện trên diện rộng do gió lốc, mưa bão; chỉ vài lần xảy ra gió lốc, cây ngã vào đường dây điện hạ áp sau công-tơ điện, gây mất điện ở những hộ dân riêng lẻ. Khi sự cố xảy ra, Ðiện lực thành phố Tây Ninh cử nhân viên kịp thời đến phối hợp với các hộ dân xử lý, bảo đảm trong thời gian sớm nhất cung cấp điện cho người dân.

Theo bà Nguyễn Thị Anh Ðào - Trưởng Phòng Kinh tế Thành phố, để giảm tối đa sự cố lưới điện do gió lốc, mưa bão, UBND Thành phố đã chỉ đạo các ngành phối hợp triển khai thực hiện nhiều giải pháp.

Hằng năm, Ðiện lực Thành phố kiểm tra lưới điện trước mùa mưa bão, gia cố đường dây điện tại các vị trí xung yếu, phát quang cây xanh dọc các tuyến đường dây điện.

Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế Thành phố, UBND các phường, xã phối hợp với Ðiện lực Thành phố tuyên truyền an toàn sử dụng điện trong nhân dân, xử lý các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp và sử dụng điện; Phòng GD&ÐT Thành phố, các trường THPT phối hợp với Ðiện lực Thành phố tuyên truyền an toàn sử dụng điện đến học sinh.

Bà Ðoàn Thị Minh Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên cho biết, Tân Biên không nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của mưa giông. Tuy nhiên, theo thống kê từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 5 trận lốc, sét, kèm theo mưa giông gây thiệt hại về tài sản và sản xuất của nhân dân; trong đó có 2 trường hợp va chạm vào lưới điện và gây ra sự cố lưới điện tại các xã Thạnh Bình, Thạnh Bắc. Thiệt hại do giông lốc gây ra đối với lưới điện là không lớn, Ðiện lực Tân Biên khắc phục tất cả các sự cố kịp thời, bảo đảm cung cấp điện trở lại để phục vụ người dân.

Ðể chủ động ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất sự cố lưới điện do gió lốc, mưa, UBND huyện Tân Biên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng, triển khai và  thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp và sử dụng điện an toàn trước mùa mưa.

Trúc Ly

Do nhu cầu kinh doanh, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các biển hiệu, biển quảng cáo gần đường dây điện ở khu đô thị, đông dân cư. Theo Công ty Ðiện lực Tây Ninh, các biển quảng cáo khi lắp đặt phải bảo đảm khoảng cách an toàn đúng quy định tại Nghị định số 14 ngày 26.2.2014 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Luật Ðiện lực về an toàn điện.

Cụ thể: Ðối với lưới điện 22kV, cách dây pha gần nhất theo chiều ngang là 2m (dây trần), 1m (dây bọc), cách dây pha gần nhất theo chiều đứng là 3m. Ðối với lưới điện 110kV, cách dây pha gần nhất theo chiều ngang là 4m, cách dây pha gần nhất theo chiều đứng là 4m.

Các biển hiệu, biển quảng cáo lắp không bảo đảm khoảng cách an toàn, có thể xảy ra sự cố phóng điện gây tai nạn điện cho người dân và gây sự cố mất điện, hư hỏng thiết bị.

Ðể bảo đảm an toàn lưới điện, an toàn cho người dân trong việc xây dựng các công trình nhà cửa, kiến trúc, lắp đặt biển quảng cáo... hằng năm, Công ty Ðiện lực Tây Ninh đều lập kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan truyền thông triển khai tuyên truyền bảo đảm an toàn hành lang lưới điện cao áp.

Ngoài ra, Công ty Ðiện lực Tây Ninh đã giao nhiệm vụ cho Ðiện lực các huyện/thị/thành phố khi kiểm tra định kỳ lưới điện, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm hoặc có nguy cơ vi phạm hành lang an toàn lưới điện thì phối hợp cơ quan chức năng để xử lý dứt điểm, đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp cây xanh gần đường dây hoặc chạm vào đường dây điện rất nguy hiểm, có thể gây sự cố mất điện, nguy hiểm cho người khi tiếp xúc hoặc đứng gần, nhất là trong lúc trời mưa.

Ðể ngăn ngừa sự cố, ngoài tuyên truyền người dân hạn chế trồng cây trong hành lang an toàn lưới điện, Công ty Ðiện lực Tây Ninh thường xuyên kiểm tra và tổ chức phát quang, chặt mé cây xanh.

Tin cùng chuyên mục