Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Thứ hai: 00:17 ngày 18/01/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp là những vấn đề “nóng”, được toàn xã hội quan tâm.

Lực lượng Hải quan giám sát hàng hoá nhập cảnh tại cửa khẩu Mộc Bài.

Còn nhiều vi phạm

Năm 2020, tỉnh thành lập 364 đoàn kiểm tra 4.760 cơ sở, tập trung các dịp cao điểm như tết nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, tết Trung thu. Kết quả, có 3.901 cơ sở đạt yêu cầu và 859 cơ sở vi phạm. Các đoàn đã lấy 68 mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm, có 12 mẫu thực phẩm không đạt các chỉ tiêu về ATTP.

Các đoàn kiểm tra nhắc nhở 784 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 65 cơ sở với số tiền trên 300 triệu đồng. Trong năm, xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại huyện Dương Minh Châu và Bến Cầu, không có trường hợp tử vong. Ðiều đó cho thấy, tình hình ATTP trên địa bàn tỉnh còn phức tạp.

Về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh, theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, năm 2020, lực lượng QLTT kiểm tra 1.142 vụ, phát hiện 392 vụ vi phạm; thu phạt, nộp ngân sách hơn 4 tỷ đồng.

Trong đó, lực lượng QLTT kiểm tra và phát hiện nhiều vụ vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, như: ngày 20.6.2020, đoàn kiểm tra của Ðội QLTT số 6 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với Ðội Cảnh sát kinh tế và Cảnh sát giao thông của Công an thị xã Trảng Bàng tổ chức bắt giữ phương tiện là ô tô tải biển số 51C-225.90 vận chuyển hàng hoá là đồ điện tử đã qua sử dụng. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế để lại phương tiện và bỏ trốn. Ngành chức năng tịch thu 664 đơn vị đồ điện tử đã qua sử dụng nhập lậu, trị giá phương tiện và tang vật ước tính 950.000.000 đồng.

Ngày 22.7.2020, Ðội QLTT số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với Ðội QLTT số 6 kiểm tra xe ô tô biển số 70C-054.95 vận chuyển hàng hoá nhập lậu tại xã Bàu Ðồn, huyện Gò Dầu. Qua kiểm tra, phát hiện 22.900kg vải cây các loại và dây thun bẹ do Campuchia sản xuất, tổng trị giá 1.662.000.000 đồng. Toàn bộ hàng hoá không có hoá đơn chứng từ và không có chủ sở hữu. UBND tỉnh đã ra quyết định tịch thu hàng hoá và phương tiện.

Tiếp đó ngày 5.10.2020, Cục QLTT tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH ND Ngọc Dung do bà N.N.D làm giám đốc, với ngành nghề kinh doanh là bán buôn mỹ phẩm tại xã Bàu Ðồn, huyện Gò Dầu. Quá trình làm việc, bà N.N.D thừa nhận hành vi vi phạm về kinh doanh mỹ phẩm không có hồ sơ thông tin sản phẩm theo quy định của pháp luật. Tang vật vi phạm là 244 chai mỹ phẩm hiệu ND White các loại. Công ty Ngọc Dung bị phạt tiền 70 triệu đồng.

Ngày 4.12.2020, Cục QLTT Tây Ninh trình UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Ðại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật Nông Tín do ông N.C.N làm đại diện, với ngành nghề kinh doanh là mua bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống, vật tư nông nghiệp tại xã Bàu Ðồn, huyện Gò Dầu. Làm việc với cơ quan chức năng, ông N.C.N thừa nhận hành vi vi phạm là bán hàng hoá có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng và hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng và công dụng. Cục QLTT đề xuất phạt tiền và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với đại lý, với tổng số tiền nộp phạt trên 92 triệu đồng. 

Nỗ lực từ ngành chức năng

Ông Hồng Văn Hoàng- Phó Cục trưởng Cục QLTT cho biết, trong năm 2020, dịch bệnh diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, số vụ kiểm tra ít hơn năm 2019; số vụ vi phạm giảm nhưng tăng về quy mô. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra với tính chất, mức độ ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Như các đối tượng buôn lậu dùng phương tiện xe ô tô, xe tải vận chuyển hàng hoá từ biên giới đến nơi tiêu thụ chứ không vào trung chuyển ở nội địa. Một phần do nguồn lực, lực lượng QLTT còn thiếu nên công tác quản lý địa bàn có lúc không được sát, việc nắm bắt tình hình, nguồn tin, tiếp cận thông tin khó khăn, nên việc phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm có lúc chưa kịp thời.

Trong năm 2020, lực lượng QLTT phối hợp các lực lượng chức năng trên địa bàn vừa phòng, chống dịch vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt là phòng, chống buôn lận, gian lận thương mại và hàng giả. Lực lượng QLTT kiểm tra, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh.

Tập trung tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về các điều kiện trong kinh doanh, sản xuất thực phẩm; kiểm tra, xử lý việc buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu ngoại, đường cát nhập lậu và các nhóm mặt hàng khác như: xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng, rượu; thực phẩm; mỹ phẩm; thương mại điện tử; kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Theo ông Hồng Văn Hoàng- Phó Cục trưởng Cục QLTT, thời điểm cuối năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả gia tăng. Cục QLTT tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra thị trường trước, trong và sau tết; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, thành viên của Ban Chỉ đạo 389, trong đó có lực lượng QLTT tăng cường công tác nắm bắt địa bàn, bảo đảm ngăn chặn các hành vi vi phạm trong dịp tết.

Cục QLTT chỉ đạo các đội QLTT nắm chắc tình hình, tăng cường công tác nghiệp vụ, công tác phối hợp với các lực lượng trên địa bàn, tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng trọng điểm, các địa bàn, tuyến trọng điểm, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, chú trọng các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán 2021, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá, bảo đảm ổn định thị trường để phục vụ cho người dân vui xuân đón tết an toàn.

Ông Trần Văn Sỹ- Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, những năm qua, công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm ATTP trên địa tỉnh được ngành tăng cường, qua đó, ý thức của người dân về bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, lựa chọn thực phẩm được nâng cao.

Năm 2020, mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng hoạt động kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm vẫn được tăng cường và hoàn thành tốt kế hoạch đề ra; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm, công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo đảm ATTP vẫn còn khó khăn, vướng mắc như: hoạt động mua bán, quảng cáo thực phẩm chức năng qua mạng xã hội (zalo, facebook) khó kiểm soát, quản lý. Một bộ phận người dân chưa có ý thức trong việc bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến thực phẩm; một số cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ chưa thực hiện tốt quy định về ATTP.

Ngoài ra, công tác quản lý về ATTP phân chia giữa 3 ngành Y tế, Công Thương, Nông nghiệp làm người dân gặp khó khăn trong việc thực hiện các hồ sơ pháp lý về ATTP. Nhân lực phụ trách công tác vệ sinh ATTP của tuyến huyện và xã còn mỏng, chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa đủ sức quản lý chặt chẽ bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Ông Trần Văn Sỹ- Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm, để bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, Sở Y tế - Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành Kế hoạch số 5095/KH-BCÐ ngày 28.12.2020 về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân năm 2021.

Theo kế hoạch, 3 đoàn kiểm tra ATTP tỉnh được thành lập với sự chủ trì của 3 ngành Y tế, Công Thương, Nông nghiệp triển khai công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội Xuân năm 2021.

Hiện nay, các đoàn ra quân kiểm tra ATTP tại các địa phương, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp tết nguyên đán. Trong quá trình kiểm tra, đoàn kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP, đồng thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm ATTP.

Phó Giám đốc Sở Y tế khuyến cáo, bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng trong công tác bảo đảm ATTP, rất cần sự chung tay của cộng đồng, mỗi người tiêu dùng hãy là một giám sát viên, đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm ATTP. Mọi người dân cần cẩn trọng trong việc sử dụng thực phẩm, thực phẩm chức năng qua các kênh mua bán, mạng xã hội. Người tiêu dùng chỉ mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, hạn sử dụng rõ ràng. Tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm hoang dại, nấm non chưa xoè mũ và nấm đã bị giập nát, ôi thiu.

Thế Anh

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục