Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bảo đảm bình ổn thị trường tết
Thứ hai: 06:36 ngày 16/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Giá các mặt hàng thiết yếu tại khu vực thành phố Tây Ninh và khu vực các huyện có sự chênh lệch, tuy nhiên không đáng kể.

Người dân thanh toán tiền tại siêu thị Co.opMart.

Dự báo nhu cầu mua sắm hàng hoá tết của người dân tăng từ 15% đến 20% trong dịp Tết Nguyên đán 2023, các siêu thị, doanh nghiệp, chuỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh, chợ và các hộ kinh doanh dự trữ nguồn cung tăng từ 20% đến 25%.

Ông Lê Anh Tuấn- Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân, Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối tập trung nguồn hàng, bố trí hệ thống kho dự trữ tập kết hàng hoá, nhân lực, bảo đảm khả năng cung ứng kịp thời, đầy đủ để điều phối, thực hiện ngay khi có yêu cầu.

Trên địa bàn tỉnh có 12 siêu thị, 1 trung tâm thương mại, hơn 60 cửa hàng Bách Hoá Xanh, 108 chợ truyền thống đang hoạt động và hàng loạt điểm bán hàng lưu động ở các xã vùng sâu, vùng xa nhằm đưa hàng hoá thiết yếu bình ổn đến với người nghèo, người còn khó khăn, để mọi người đón tết được đầy đủ hơn.

Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hoá phục vụ tết với số lượng tăng từ 2-3 lần so với tháng thường.

Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi đã có kế hoạch dự trữ, cung ứng nguồn hàng phong phú, dồi dào, bảo đảm cung cầu hàng hoá, không để tăng giá bất hợp lý... phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2023.

Tết nguyên đán năm nay, ông Nguyễn Văn Bảo- Giám đốc siêu thị Co.opMart TP. Tây Ninh cho biết, siêu thị có kế hoạch dự trữ hàng hoá tăng 20% so với cùng kỳ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trước, trong và sau tết.

Trong đó, tập trung vào các mặt hàng lương thực thực phẩm, rau củ quả, trái cây, nước giải khát và các dòng sản phẩm bảo đảm sức khoẻ người tiêu dùng. Nhìn chung, giá cả năm nay ổn định, hàng hoá bảo đảm chất lượng.

Ông Võ Quang Hùng- Phó Giám đốc siêu thị Co.opMart thị xã Trảng Bàng cho biết, dịp tết, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm để hàng hoá khi vào siêu thị phục vụ khách hàng có chất lượng tốt nhất, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Theo đó, siêu thị đã dự trữ hàng hoá gồm thực phẩm, rau củ quả, bánh mứt kẹo, hàng thiết yếu… với tổng trị giá khoảng 15,4 tỷ đồng. Mặt hàng rau củ quả dự báo tiêu thụ mạnh trong những ngày cận tết nên siêu thị đã tăng cường nhập hàng từ 4-5 tấn rau củ quả các loại.

Tuỳ theo tình hình và nhu cầu của thị trường, Co.opMart Trảng Bàng sẽ cân đối tăng hoặc giảm lượng hàng hoá cho phù hợp, bảo đảm không để thiếu mặt hàng thuộc nhóm nhu yếu phẩm.

Đại diện nhà máy gạo xuất khẩu Tây Ninh (huyện Bến Cầu) cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, nhà máy dự trữ 148 tấn gạo OM-5451, trị giá 2,1 tỷ đồng phục vụ các bếp ăn công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các đại lý phân phối gạo.

Ông Lê Anh Tuấn cho biết thêm, hiện tại, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch dự trữ hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng phục vụ tết, không để tăng giá bất hợp lý... Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường và nguồn cung ứng của các hộ kinh doanh, hợp tác xã do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hoá ước khoảng 1.315 tỷ đồng, tăng 8% so với kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, các tiểu thương cũng dự trữ hàng hoá bán tết. Doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường tự cân đối nguồn vốn, dự trữ các mặt hàng đăng ký bình ổn thị trường và lập kế hoạch bán hàng lưu động đến vùng sâu, vùng xa và các khu, cụm công nghiệp để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Xe bồn vận chuyển xăng dầu tại Công ty Xăng dầu Tây Ninh.

Theo Sở Công Thương, thời điểm này chỉ có một số nhóm mặt hàng lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng… tăng nhẹ so với tháng trước. Hoạt động mua bán hàng hoá trên địa bàn diễn ra bình thường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn tỉnh.

Đối với mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, bảo đảm nguồn hàng đủ cung cấp. Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 627 trang trại chăn nuôi gia súc (125 trang trại chăn nuôi heo tập trung với tổng đàn 183.546 con; 51 trang trại chăn nuôi trâu với 1.353 con; 451 trang trại bò với 19.576 con) và 107 trang trại chăn nuôi gia cầm, trong đó: 76 trang trại gà với 6.479.481 con và 31 trang trại vịt với 186.900 con.

Đối với mặt hàng xăng dầu, trên địa bàn tỉnh có 401 cửa hàng xăng dầu có sức chứa khoảng 36.090m3, mức dự trữ thường xuyên khoảng 24.060m3, được bố trí đều khắp 9 huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh.

Trong đó, Công ty Xăng dầu Tây Ninh có 115 cửa hàng trực thuộc với mức dự trữ thường xuyên khoảng trên 65m3/cửa hàng, công ty đã có phương án dự trữ khoảng 8.000m3 xăng dầu tại các cửa hàng.

Công ty cổ phần Xăng dầu Dầu khí Tây Ninh dự trữ 8.000m3 xăng dầu tại kho xăng dầu ở thị xã Hoà Thành để duy trì hoạt động cho 85 cửa hàng kinh doanh xăng dầu (với mức dự trữ thường xuyên trên 48m3/cửa hàng) và hệ thống đại lý thuộc khu vực các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Về giá cả, do lượng cung dồi dào, không có biến động lớn nên giá cả cơ bản ổn định. Giá các mặt hàng thiết yếu tại khu vực thành phố Tây Ninh và khu vực các huyện có sự chênh lệch, tuy nhiên không đáng kể. Riêng đối với mặt hàng thịt heo ổn định trong những tháng gần đây và có xu hướng tăng so với tháng cùng kỳ năm trước.

Tại các chợ truyền thống, giá mứt các loại và rau củ quả như sau: mứt khoai lang 100 ngàn đồng/kg, mứt bí 80-100 ngàn đồng/kg, mứt gừng 80-100 ngàn đồng/kg, mứt chà là 120 ngàn đồng/kg, bí đao 10 ngàn đồng/kg, bí rợ 15 ngàn đồng/kg, dưa leo 10 ngàn đồng/kg...

Nhằm bảo đảm chất lượng hàng hoá và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra trước, trong và sau tết. Trong đó, tập trung vào công tác chống các hành vi gian lận thương mại, lợi dụng nhu cầu mua sắm của người dân để tăng giá bất hợp lý; chỉ đạo các tổ quản lý thị trường kiểm tra bám sát địa bàn, không để xảy ra đầu cơ, găm hàng, bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi mua bán vận chuyển trái phép pháo, giám sát việc thực hiện kinh doanh xăng, dầu, khí hoá lỏng bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp tết.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục