Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020:
Bảo đảm công bằng cho tất cả thí sinh
Thứ tư: 06:53 ngày 10/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dự kiến số thí sinh đăng ký dự thi là 8.718 thí sinh, trong đó có 8.108 thí sinh đang học (giảm 294 thí sinh so với kỳ thi năm 2019); 610 thí sinh tự do. Thí sinh hệ giáo dục phổ thông có 7.803 người, thí sinh hệ giáo dục thường xuyên có 305 người.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT năm 2018. Ảnh minh hoạ: Việt Đông

Cách nay vài ngày, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức phiên họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2020. Kỳ thi diễn ra trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động dạy học. Do thời gian còn lại của năm học không nhiều, không còn cách nào khác, Bộ GD&ĐT đành phải cắt giảm nội dung chương trình.

Từ đó, Bộ GD&ĐT và UBND các tỉnh, thành phố đã có bước chuẩn bị để kỳ thi năm nay diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan, công bằng. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ thị, yêu cầu các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương phải chuẩn bị hết sức chu đáo.

Kế hoạch chi tiết, tinh thần nghiêm túc

Thông tin mới nhất từ Sở GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Tây Ninh dự kiến tổ chức một cụm thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy. Dự kiến cụm thi có 16 điểm thi, khoảng 365 phòng thi, được bố trí tại các trung tâm các huyện, thành phố. Sở GD&ĐT tổ chức coi thi, chấm thi và xét tốt nghiệp THPT theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Dự kiến số thí sinh đăng ký dự thi là 8.718 thí sinh, trong đó có 8.108 thí sinh đang học (giảm 294 thí sinh so với kỳ thi năm 2019); 610 thí sinh tự do. Thí sinh hệ giáo dục phổ thông có  7.803 người, thí sinh hệ giáo dục thường xuyên có 305 người.

Ước tính, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia coi thi khoảng 1.120 người. Trong đó, 1.100 cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, chấm thi, 120 người còn lại là nhân viên phục vụ. Ngoài số người nêu trên, còn có các đội trật tự, trực điện, trực cấp cứu của các ngành Công an, Y tế, Điện lực được điều động theo chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo thi.

Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị căn cứ vào bộ đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT, tổ chức cho học sinh đăng ký môn thi làm cơ sở để tổ chức ôn tập, phụ đạo cho các em nhằm bảo đảm tốt nhất về mặt kiến thức giúp các em tự tin bước vào kỳ thi. Các đơn vị thông báo cho học sinh rà soát, chuẩn bị các hồ sơ liên quan đến chế độ cộng điểm ưu tiên, khuyến khích và các giấy tờ khác liên quan đến kỳ thi.

Sở đã khảo sát các trường dự kiến đặt điểm thi, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra, sửa chữa, trang bị thiết bị... bảo đảm yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho kỳ thi. Xây dựng các phương án về tổ chức nhân sự, về thành lập các ban và phương án phối hợp với các ban, ngành, các địa phương để tổ chức tốt ỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, cũng đã được Sở tính tới.

Kỳ thi năm nay, Sở GD&ĐT tiếp tục kết hợp cùng Hội Khuyến học tỉnh trong việc tiếp sức, chăm sóc và hỗ trợ các thí sinh là con em diện chính sách, dân tộc thiểu số, hộ nghèo, vùng khó khăn tham dự tốt kỳ thi.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch phối hợp cùng Tỉnh đoàn ban hành kế hoạch Tiếp sức mùa thi năm 2020. Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị kết hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh có phương án tổ chức tốt việc ăn, ở, đi lại cho thí sinh trong các ngày thi. Những trường hợp khó khăn không giải quyết được, đơn vị phải báo cáo ngay về Sở để có phương án thích hợp, không để xảy ra bất kỳ trường hợp nào không dự thi vì hoàn cảnh khó khăn.

Về những việc làm sắp tới, Sở phối hợp cùng Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tỉnh Tây Ninh theo đúng chỉ đạo của Bộ. Hộp thư trực tuyến, thiết lập đường dây nóng để giải đáp các thắc mắc liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và tuyển sinh đại học; cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy cũng sẽ được thực hiện. Tính đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã và đang được chuẩn bị chi tiết, nghiêm túc.

Thông tin kịp thời, bảo đảm an ninh

Tại hội nghị trực tuyến tổ chức hôm 6.6, trên cơ sở tham mưu của Bộ GD&ĐT, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị (dự thảo) về tăng cường chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020.

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học năm 2018, lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và nhất là ứng phó với tác động của dịch Covid-19, Chính phủ cơ bản thống nhất với phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 của Bộ GD&ĐT.

Kỳ thi này để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, cung cấp thông tin phục vụ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, là một trong các căn cứ xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Để kỳ thi và tuyển sinh năm 2020 được triển khai nghiêm túc, khách quan, an toàn, gọn nhẹ, thiết thực, hiệu quả, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh trong điều kiện còn nguy cơ của dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện những công việc trọng tâm.

Theo tinh thần đó, Bộ GD&ĐT ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức kỳ thi, dự báo sát thực các khó khăn, vướng mắc có thể xảy ra trong quá trình thực hiện để chủ động phương án xử lý. Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về đề thi, phần mềm dùng chung cho các địa phương tổ chức thi, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện công tác tuyển sinh theo tinh thần tự chủ và trách nhiệm giải trình.

Chỉ thị của Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT tổ chức tốt việc thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi và tuyển sinh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với UBND cấp tỉnh và cơ quan liên quan chỉ đạo các sở GD&ĐT chuẩn bị chu đáo, tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và hỗ trợ công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Bộ GD&ĐT phải tăng cường công tác truyền thông, cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các quy định, thông tin cần thiết về kỳ thi và công tác tuyển sinh.

Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì và chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi tại địa phương bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo ngành Giáo dục việc dạy và học, hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Các khâu, bước chuẩn bị phải phù hợp với thực tế của địa phương, bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để tổ chức kỳ thi, bảo đảm các quy định phòng dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự tại các điểm thi.

Các địa phương tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh và người thân ở tất cả các điểm thi, tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ các thí sinh là con em dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, học sinh khuyết tật, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa và thí sinh cư trú tại các vùng chịu ảnh hưởng thiên tai tham dự kỳ thi.

“Không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại”- chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ. Liên quan công tác thanh tra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo thanh tra của địa phương triển khai tốt việc thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và Bộ GD&ĐT.

Chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở để thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về kỳ thi và tuyển sinh năm 2020.

Chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin bảo đảm các điều kiện về hạ tầng thông tin, cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin nhanh chóng, chính xác, an toàn, tạo thuận lợi cho thí sinh đăng ký dự thi, xét tuyển sinh và công bố kết quả thi, tuyển sinh, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ GD&ĐT, UBND cấp tỉnh triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi.

Trong đó đặc biệt chú ý công tác bảo mật đề thi, vận chuyển bài thi, chấm thi, giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn tại các điểm thi trong thời gian diễn ra kỳ thi. Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an toàn tuyệt đối việc vận chuyển đề thi, bài thi, nhất là vận chuyển bằng đường hàng không; bảo đảm an toàn giao thông, không để xảy ra ách tắc giao thông ảnh hưởng tới việc tổ chức kỳ thi.

Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện tuyến Trung ương, các sở y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện bộ, ngành, địa phương chuẩn bị vật tư thiết yếu và cơ số thuốc phù hợp để đáp ứng kịp thời các yêu cầu của khám bệnh, chữa bệnh.

Có phương án hỗ trợ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và đề phòng, ngăn ngừa các loại dịch bệnh; kịp thời xử lý các tình huống khi có dịch bệnh hoặc ngộ độc thực phẩm xảy ra ở các điểm thi trên toàn quốc. Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao các đơn vị thành viên cung cấp điện ổn định cho địa điểm ra đề thi, in sao đề thi, các địa điểm coi thi và chấm thi.

Trong chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu các đại học, học viện, các trường đại học, trường cao đẳng công bố công khai đề án tuyển sinh trước khi thí sinh đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Do kỳ thi năm nay diễn ra muộn hơn mọi năm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương chỉ đạo các ngành hữu quan phối hợp với UBND cấp tỉnh xây dựng phương án phòng chống lụt bão, hỗ trợ xử lý và khắc phục kịp thời hậu quả các tình huống bất thường về thời tiết và thiên tai, bảo đảm an toàn cho kỳ thi.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019.

Tại phiên họp trực tuyến, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lưu ý rằng, tất cả những người tham gia làm nhiệm vụ kỳ thi này phải làm việc trên tinh thần nghiêm túc nhất để bảo đảm công bằng cho mọi thí sinh. Người đứng đầu ngành Giáo dục đặc biệt lưu ý công đoạn sao in đề thi.

Ông nói: “Sao in đề thi, vận chuyển đề thi là một nhiệm vụ rất nhạy cảm, tôi đề nghị các đồng chí bên an ninh hết sức lưu ý. Những người được chọn vào thực hiện ở khâu này phải được tuyển chọn kỹ lưỡng. Công việc sao in đề thi phải có nhiều người giám sát.

Sao in, vận chuyển đề thi phải được chuẩn bị từng khâu, kể cả khâu nhỏ nhất, tránh tình trạng một lỗ thủng nhỏ làm đắm cả con tàu”. Những người, vì tính chất công việc, quan tâm đến giáo dục hoặc có điều kiện theo dõi thời sự giáo dục không khó để hiểu vì sao bộ trưởng nhấn mạnh như vậy.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh