Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thủ tướng Chính phủ:
Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục
Thứ tư: 00:03 ngày 21/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm: “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể; thầy cô giáo là động lực; nhà trường làm bệ đỡ; gia đình là điểm tựa; xã hội là nền tảng”.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức theo hình thức trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm: “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể; thầy cô giáo là động lực; nhà trường làm bệ đỡ; gia đình là điểm tựa; xã hội là nền tảng”.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung triển khai thực hiện hiệu quả phương châm nêu trên; ưu tiên bố trí nguồn lực, nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn trường học; đánh giá rõ kết quả hằng năm để rút kinh nghiệm và tiếp tục làm tốt hơn trong thời gian tới.

Các đại biểu chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Đến dự hội nghị hôm 19.8 có nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Tại điểm cầu Tây Ninh có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Thanh, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Phước, lãnh đạo các phòng GD&ĐT.

10 điểm sáng của giáo dục

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu bật mười điểm sáng của ngành Giáo dục, năm học 2023-2024.

Năm học vừa qua đánh dấu 10 năm toàn ngành Giáo dục triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực đạt được nhiều kết quả đáng tự hào.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Cùng với tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu. Bộ GD&ĐT tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định, nghị quyết, đề án, kế hoạch về phát triển giáo dục, đào tạo; đang tích cực hoàn thiện Dự án Luật Nhà giáo.

Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và xoá mù chữ được các địa phương quan tâm. Mạng lưới, quy mô trường, lớp tiếp tục được đầu tư. Các địa phương rà soát, sáp nhập trường có quy mô nhỏ để tập trung đầu tư, bảo đảm chất lượng giáo dục.

Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế tại Hoa Kỳ, các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định.

Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ bổ sung 27.826 biên chế cho năm học 2023-2024, trên cơ sở đó, các địa phương tổ chức tuyển dụng được 19.474 giáo viên. Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu.

Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, trong hoạt động dạy và học, với 100% các cơ sở dữ liệu của ngành Giáo dục từ mầm non, phổ thông, kết nối Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm. Ngành Giáo dục tổ chức thành công các giải thể thao học sinh, sinh viên, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện về đức - trí - thể - mỹ.

Ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2024-2025 là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng” gồm 12 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục triển khai, cụ thể hoá các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục, đào tạo, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng; phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân cả nước, nhất là sự nỗ lực của toàn ngành Giáo dục trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo bứt phá.

Nêu những điểm sáng nổi bật trong kết quả năm học 2023-2024, Thủ tướng Chính phủ cho biết, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục đào tạo tiếp tục được quan tâm; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên phát triển; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông dần đi vào ổn định, bước đầu đạt được hiệu quả theo mục tiêu đề ra; công tác phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, THCS và xoá mù chữ tiếp tục được chú trọng, đạt kết quả toàn diện; chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định, đào tạo giáo dục đại học ngày càng được chú trọng và được cải thiện rõ rệt về chất lượng; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được tiếp tục bổ sung chỉ tiêu biên chế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về số lượng theo quy định; toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin...

Nhiều thách thức mới

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của ngành Giáo dục trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tình trạng thiếu giáo viên cục bộ; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp; điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu; chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu...

Giáo viên hướng dẫn học sinh chơi cờ vua. (Ảnh: Vi Xuân - Ngọc Bích)

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mang lại những cơ hội thuận lợi, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho phát triển giáo dục và đào tạo. Năm học 2024-2025 là năm kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, bắt đầu triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo. Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Giáo dục, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. 2025 là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, cùng các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho học sinh.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục khuyết tật, giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm. Trong đó, Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương lưu ý việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hoá, dịch chuyển dân số.

Liên minh các trường đại học về kỹ thuật

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nêu một số kết quả nổi bật năm học 2023-2024. Theo đó, toàn ngành Giáo dục đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Qua đó, đánh giá toàn diện kết quả 10 năm đổi mới và đề xuất định hướng phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tiếp theo, phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế.

Học sinh phổ thông Tây Ninh.

Ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo yêu cầu của Nghị quyết 29 của Trung ương.

Lãnh đạo Bộ khẳng định, công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và xoá mù chữ được quan tâm, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm mới đã được triển khai đồng bộ, đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 trên phạm vi cả nước.

Việc tổ chức biên soạn, thẩm định sách giáo khoa được triển khai theo đúng lộ trình, bảo đảm chất lượng và tiến độ. Đặc biệt, việc cố gắng giảm giá thành sách giáo khoa từ năm học 2024 - 2025 đã khẳng định được vai trò, trách nhiệm của ngành Giáo dục trước thềm năm học mới, giúp giảm gánh nặng cho xã hội- nhất là đối với phụ huynh, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, hiện đã hình thành nhóm hợp tác liên minh các trường đại học hàng đầu về kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam. Qua đó, số lượng đăng ký tuyển sinh đại học năm 2024 tăng rõ rệt, có gần 25.000 hồ sơ đăng ký các chuyên ngành về vi mạch bán dẫn, gần 125.000 hồ sơ đăng ký các chuyên ngành liên quan.

Việt Đông - Hoàng Yến

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan nhìn nhận, sự phát triển như vũ bão của công nghệ đã và đang tác động rất lớn đến ngành Giáo dục nước ta, “một thế hệ (học sinh mới) đang hình thành, điều đó hòi hỏi đội ngũ giáo viên, giảng viên phải thay đổi, tự đổi mới mình, trong đó phải đổi mới tư duy theo tinh thần giáo dục khai phóng”.

Tin cùng chuyên mục