Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bảo đảm hàng hoá đáp ứng nhu cầu của người dân
Thứ bảy: 00:29 ngày 07/08/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Sở Công Thương phối hợp các sở, ngành liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp, nhà phân phối có kế hoạch triển khai giải pháp ứng phó, góp phần bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hoá, ổn định thị trường và an sinh xã hội.

Khách hàng lựa chọn hàng hoá tại siêu thị Co.opMart TP. Tây Ninh

Tăng dự trữ hàng hoá, bảo đảm giá cả ổn định

Để ổn định thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hoá phục vụ người dân, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai các văn bản đến hệ thống siêu thị Co.opMart, Bách Hoá Xanh, Công ty TNHH xuất nhập khẩu - thương mại - dịch vụ (XNK-TM-DV) Hùng Duy và các doanh nghiệp tham gia cung ứng, phân phối hàng hoá trên địa bàn tỉnh; yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp, phân phối và bán lẻ có kế hoạch tổ chức sản xuất, huy động nguồn cung, vận chuyển, dự trữ, xây dựng kế hoạch phục vụ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân và phòng, chống dịch trên địa bàn, bảo đảm tăng số lượng hàng hoá dự trữ với giá cả ổn định.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng và đưa vào hoạt động bãi giao nhận, trao đổi hàng hoá nông sản giữa Tây Ninh với các địa phương lân cận tại khu vực giáp ranh với huyện Củ Chi.

Thường xuyên nắm bắt tình hình thị trường; tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh ban hành kế hoạch cung ứng hàng hoá theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh; tiếp tục tham mưu kế hoạch cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân ở các khu cách ly tập trung, khu vực yêu cầu khoanh vùng giãn cách xã hội tại một số địa phương.

Đánh giá về tình hình dự trữ hàng hoá phục vụ người dân thời gian qua, Sở Công Thương cho biết, ngay khi có thông tin triển khai thực hiện Công văn số 969 ngày 17.7.2021 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 2375 ngày 17.7.2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, người dân trên địa bàn tỉnh đổ xô mua thực phẩm tích trữ (sức mua tăng gấp 5 lần ngày thường đối với một số mặt hàng: rau xanh, các loại củ quả, khô, thịt heo, gà, cá, trứng, mì gói, thực phẩm chế biến...) gây nên tình trạng thiếu hụt tạm thời, cục bộ và biến động giá cả một số mặt hàng tại không ít khu vực. Đến trưa 18.7.2021, giá cả các loại hàng hoá trở lại gần như trước kia.

Mặc dù một số nguồn cung hàng hoá từ các địa phương khác về Tây Ninh gặp khó khăn nhưng lượng hàng hoá bổ sung, dự trữ và cung ứng hằng ngày cho các chợ, siêu thị, cửa hàng bách hoá cơ bản đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng; sức mua tại một số siêu thị, cửa hàng bách hoá giảm nhiều.

Sở tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan để có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi tìm nguồn cung ứng và hỗ trợ vận chuyển, tiêu thụ, trao đổi, phân phối hàng hoá trên địa bàn tỉnh.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.opMart TP. Tây Ninh

Ông Nguyễn Văn Bảo- Giám đốc siêu thị Co.opMart thành phố Tây Ninh cho biết, so với những ngày đầu khi tỉnh chuẩn bị và thực hiện Chỉ thị 16, hiện lượng khách đến siêu thị đã trở lại bình thường, không còn tình trạng tăng đột biến.

Siêu thị đang tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch, trong đó, giới hạn số lượng người vào mua sắm trong cùng khoảng thời gian, một đợt sẽ có khoảng 25 khách hàng. Đối với khách hàng đứng đợi bên ngoài, siêu thị bố trí các dãy ghế, giữ khoảng cách 2m để khách ngồi chờ tới lượt.

Thời gian này, hầu hết khách hàng đến mua nhanh rồi về, không đi tham quan như trước nên khách đến sau không mất thời gian chờ đợi. Trước khi vào mua sắm, khách hàng phải khai báo y tế, đo thân nhiệt, rửa tay khử khuẩn.

Mua hàng trên kênh online tăng mạnh

Tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, người dân trên địa bàn tỉnh đều hạn chế đến những nơi đông người, do đó, mua hàng online là giải pháp được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Bà Nguyễn Thị Khôi, ngụ phường 3, TP. Tây Ninh cho biết, qua mạng xã hội Facebook, bà biết đến các trang bán hàng hoá, thực phẩm. Sau khi tìm hiểu, bà chọn một số nơi uy tín, có địa chỉ trong tỉnh để đặt hàng, thời gian giao hàng tương đối nhanh, hàng nhận được có chất lượng khá. Còn chị Nguyễn Thị Anh Đào, ngụ phường 3, TP. Tây Ninh chia sẻ, gia đình chị đặt mua hàng online tại siêu thị, có nhân viên giao hàng đến tận nơi nên chị rất yên tâm.

Theo ông Nguyễn Văn Bảo- Giám đốc siêu thị Co.opMart thành phố Tây Ninh, từ khi tỉnh thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16, lượng khách đặt hàng online ở siêu thị tăng lên rất nhiều, vài trăm đơn mỗi ngày. Khách đặt hàng online với 3 hình thức: qua fanpage của Co.opMart Tây Ninh, zalo của siêu thị hoặc điện thoại trực tiếp đến quầy dịch vụ đặt hàng. Những ngày qua, các kênh này đều hoạt động tối đa.

Ông Huỳnh Thế Vinh- quản lý chuỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh tại Tây Ninh cho biết, mỗi huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có một cửa hàng của Bách Hoá Xanh phụ trách giao hàng online. Những ngày qua, đơn hàng online tăng tới 300%; nhiều khách hàng khi đến mua thực phẩm ở cửa hàng cũng đề nghị ghi lại thông tin cá nhân để họ đặt hàng online.

Người dân mua hàng hóa tại siêu thị Co.opMart Tây Ninh. Ảnh: Vũ Nguyệt

Theo Sở Công Thương, hằng ngày, hằng tuần, đơn vị đều tổng hợp các nguồn cung ứng hàng hoá thiết yếu từ hệ thống siêu thị Co.opMart, Bách Hoá Xanh, Công ty TNHH XNK-TM-DV Hùng Duy và các doanh nghiệp phân phối để báo cáo với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh.

Bên cạnh đó, thường xuyên yêu cầu các siêu thị, cửa hàng bách hoá và nhà phân phối tìm nguồn hàng, dự trữ và vận chuyển hàng hoá nhằm bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời một số hàng hoá tiêu dùng thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu của người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đơn vị đã cung cấp thông tin cụ thể về địa chỉ, tên và số điện thoại người quản lý khu vực các siêu thị, hệ thống cửa hàng Bách Hoá Xanh đến chính quyền các địa phương để liên lạc, hỗ trợ cung ứng hàng hoá khi có yêu cầu.

Đồng thời, cung cấp thông tin lên hệ thống truyền thông để người dân nắm rõ tình hình hàng hoá trên địa bàn, qua đó an tâm, hạn chế tối đa tình trạng đổ xô đi mua hàng tích trữ không cần thiết, góp phần ổn định hình hình.

Ngoài ra, Sở Công Thương đề nghị Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, Phòng Kinh tế Thị xã, thành phố tích cực nắm bắt yêu cầu của thị trường, nhu cầu hàng hoá tại từng khu vực trên địa bàn để có những đề xuất, kiến nghị phương án cung ứng hàng hoá cho phù hợp; phối hợp với hệ thống siêu thị, cửa hàng bách hoá… thông tin kịp thời về tình hình hàng hoá để người dân yên tâm, khuyến cáo người dân không tụ tập đông người để mua sắm hàng hoá tích trữ không cần thiết, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục