Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 29.1, ông Ngô Văn Tường- Phó Giám đốc Sở Công thương Tây Ninh dẫn đầu đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh về tình hình dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Ông Nguyễn Ngọc Hải- Phó Giám đốc Nhà máy xuất khẩu gạo Tây Ninh (Công ty Cổ phần Mía đường Tây Ninh) cho biết, trong năm 2017, nhà máy thực hiện thu mua 12.000 tấn lúa tươi, sau khi phơi khô còn khoảng 10.000 tấn, sản xuất được khoảng 5.000 tấn gạo thành phẩm.
Đến thời điểm hiện tại, lượng hàng tồn kho của nhà máy là khoảng 500 tấn gạo thành phẩm, dự kiến trong tháng 1 và tháng 2.2018, công ty sẽ đưa ra thị trường tiêu thụ số gạo này với giá ổn định.
Đầu tháng 3.2018, nhà máy tiếp tục tổ chức thu mua lúa tươi, ban lãnh đạo công ty đã đồng thuận nâng sản lượng thu mua lúa tươi trên địa bàn tỉnh lên 22.000 tấn/năm, riêng Vụ Đông Xuân 2018, công ty phấn đấu đạt mức thu mua trên 10.000 tấn.
Kiểm tra hàng hoá phục vụ thị trường tết tại Công ty Cổ phần thương mại Sài Gòn Tây Nam (huyện Bến Cầu). |
Trong năm 2017, tình hình sản xuất và giá thu mua lúa tươi có biến động theo chiều hướng tăng hơn các năm trước, người trồng lúa trên địa bàn tỉnh rất phấn khởi vì lúa được mùa, được giá. Giá gạo theo đó cũng tăng cao, như gạo OM-1352 có giá 10.200 đồng/kg, gạo OM-5451 giá 10.700 đồng/kg, gạo OM-4900 giá 12.000 đồng/kg...
Trước đây, công suất nhà máy chỉ hoạt động 15%, bắt đầu năm 2018 Nhà máy xuất khẩu gạo Tây Ninh sẽ tăng sản lượng lên khoảng 50% công suất thiết kế. Hiện nay, nhà máy thực hiện các kênh tiêu thụ từ khách hàng công nghiệp, cung ứng cho một số đơn vị có giấy phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và bán cho các đại lý trong tỉnh, các bếp ăn tập thể của các khu công nghiệp tại huyện Bến Cầu và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh.
Tại Công ty Cổ phần thương mại Sài Gòn Tây Nam, ông Nguyễn Ngọc Quý- Giám đốc công ty cho biết, trong năm qua, các mặt hàng thiết yếu giá cả lên xuống thất thường, tuy nhiên công ty cố gắng tìm những mặt hàng tốt, đạt chất lượng cung cấp cho thị trường. Hiện mặt hàng dầu ăn tại công ty còn 300 tấn, trị giá 6,3 tỷ đồng, dành để phục vụ thị trường trong và sau tết. Năm nay, công ty đăng ký bình ổn thị trường 50 tấn dầu ăn, với giá 21.000 đồng/lít.
Còn ở Co.opmart Trảng Bàng, bà Dương Thị Tường Vi- Giám đốc siêu thị bảo đảm không thiếu hàng cung ứng thị trường tết, vì siêu thị đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa với tổng kinh phí 28 tỷ đồng, tăng 20%-30% so với năm trước, gồm những mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm, bia, nước ngọt, bánh mứt các loại... Siêu thị cũng cam kết không tăng giá các mặt hàng gạo, đường, sữa, dầu ăn... để người dân an tâm mua sắm tết.
Thanh Nhi