Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bảo đảm quyền bầu cử của cử tri
Thứ hai: 08:14 ngày 03/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật quy định. Ðiều 27, Hiến pháp năm 2013 quy định, công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.

Phát tờ rơi tuyên truyền bầu cử đến từng cử tri.

Về quyền của cử tri khi bầu cử, pháp luật quy định, trong thời gian lập danh sách cử tri, mọi công dân có quyền bầu cử đại biểu Quốc hội (ÐBQH) và đại biểu HÐND đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri, mỗi công dân chỉ có quyền ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú.

Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng; là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ÐBQH và đại biểu HÐND ở nơi tạm trú hoặc đóng quân.

Tuy nhiên, nhiều người dân còn chưa rõ về quyền bầu cử của cá nhân. Bà N.T.H.D (ngụ phường 3, TP. Tây Ninh) thắc mắc, con gái bà du học ở nước ngoài, nếu về nước trước ngày bầu cử (ngày 23.5), có được ghi tên vào danh sách cử tri không? Chị V.T.L.G (ngụ huyện Châu Thành) băn khoăn, đối với trường hợp người dân không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì phải làm sao? Ông P.T.C (ngụ TP. Tây Ninh) cho biết, ông bị kết án 15 tháng tù treo vì vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, ông không biết có được ghi tên vào danh sách cử tri để thực hiện quyền bầu cử sắp tới hay không?

Bà Nguyễn Thị Kim Hương- Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp cho biết, công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về nước trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, nếu chưa được ghi tên vào danh sách cử tri thì đến UBND cấp xã nơi mình đăng ký thường trú hoặc tạm trú (tuỳ theo nguyện vọng của bản thân), xuất trình hộ chiếu để được ghi tên vào danh sách cử tri bầu cử ÐBQH và đại biểu HÐND cấp tỉnh, huyện, xã (nếu xuất trình tại nơi đăng ký thường trú) hoặc bầu ÐBQH và đại biểu HÐND cấp tỉnh, cấp huyện (nếu xuất trình tại nơi đăng ký tạm trú).

Ðối với trường hợp cử tri vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri, có quyền xin giấy chứng nhận của UBND cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu ÐBQH, đại biểu HÐND cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu. Khi cấp giấy chứng nhận, UBND cấp xã phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi khác”.

Công dân đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự, bị kết án phạt tù nhưng được hưởng án treo, nếu không bị tước quyền bầu cử (trong bản án không ghi hình phạt bị tước quyền bầu cử) vẫn có quyền bầu cử và được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình cư trú để tham gia bầu ÐBQH và đại biểu HÐND theo quy định của pháp luật, vì họ không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, Ðiều 30 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HÐND năm 2015.

Ông Xuân Hiểu (ngụ xã Thái Bình, huyện Châu Thành) đặt vấn đề về quyền bỏ phiếu của cử tri tạm trú, thường trú sẽ khác nhau như thế nào? Về câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Kim Hương cho biết, cử tri là người đăng ký thường trú tại khu vực bỏ phiếu và cử tri là người đăng ký tạm trú, có thời gian đăng ký tạm trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có đơn vị bỏ phiếu từ đủ 12 tháng trở lên thì được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ÐBQH và đại biểu HÐND ở cả 3 cấp (trừ nơi không có đơn vị hành chính cấp xã hoặc nơi thực hiện mô hình chính quyền đô thị không tổ chức HÐND quận, phường).

Cử tri là người đăng ký tạm trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có khu vực bỏ phiếu và có thời gian đăng ký tạm trú chưa đủ 12 tháng thì chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ÐBQH, đại biểu HÐND cấp tỉnh, huyện ở nơi mình tạm trú nếu có nguyện vọng tham gia bỏ phiếu tại nơi tạm trú.

Bên cạnh đó, đối với cử tri là người ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể trực tiếp đi bỏ phiếu; người đang bị cách ly y tế tập trung tại các cơ sở điều trị Covid-19 hoặc các địa điểm cách ly y tế tập trung khác và người đang bị cách ly y tế tại nhà để thực hiện phòng, chống dịch bệnh thì cần ghi chú rõ để dự trù, có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu cử đến để những cử tri này được thực hiện quyền bầu cử.

Cũng theo bà Hương, khoản 5, Ðiều 29 của Luật Bầu cử ÐBQH và đại biểu HÐND quy định: “Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ÐBQH và đại biểu HÐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc”.

Như vậy, quy định này chỉ áp dụng đối với cử tri là người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Ðối với cử tri là người tự nguyện xin vào cai nghiện, chữa trị tại cơ sở cai nghiện bắt buộc thì việc bảo đảm thực hiện quyền bầu cử được xác định như đối với cử tri là người tạm trú quy định tại khoản 3, Ðiều 29 của Luật Bầu cử ÐBQH và đại biểu HÐND.

“Nếu đến trước ngày bầu cử, những cử tri này trở về nơi thường trú thì được bổ sung tên vào danh sách cử tri ở nơi thường trú để bầu ÐBQH và đại biểu HÐND ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã.

Trường hợp đến ngày bầu cử họ vẫn đang thực hiện việc cai nghiện, chữa trị ở cơ sở cai nghiện, nếu thời gian từ khi bắt đầu cai nghiện, chữa trị tại cơ sở đến ngày bầu cử chưa đủ 12 tháng thì những cử tri này được tham gia bầu ÐBQH và đại biểu HÐND cấp tỉnh và cấp huyện; nếu thời gian từ khi bắt đầu cai nghiện, chữa trị tại cơ sở đến ngày bầu cử là từ đủ 12 tháng trở lên thì họ được tham gia bầu ÐBQH và đại biểu HÐND ở cả ba cấp tại khu vực bỏ phiếu nơi có cơ sở cai nghiện”- bà Hương giải thích thêm.

Bầu cử ÐBQH khoá XV và đại biểu HÐND các cấp​ nhiệm kỳ 2021-2026 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp để nhân dân cả nước phát huy quyền làm chủ. Do vậy, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cuộc bầu cử ÐBQH khoá XV và đại biểu HÐND các cấp​ nhiệm kỳ 2021-2026, giúp người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử trên địa bàn tỉnh.

Thiên Di

Khoản 1, Ðiều 30, Luật Bầu cử ÐBQH và đại biểu HÐND quy định những người thuộc các trường hợp sau đây không được ghi tên vào danh sách cử tri: Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật; người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án; người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo và người mất năng lực hành vi dân sự.

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục