Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong sản xuất nông nghiệp
Chủ nhật: 09:50 ngày 13/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sự thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu dẫn đến thiếu ý tưởng và chưa đủ khả năng thực hiện việc tổ chức xây dựng cũng như quản lý phát triển bền vững, đây được xem là vấn đề cần quan tâm giải quyết đối với ngành nông nghiệp.

Lực lượng lao động trẻ làm việc tại Công ty CP Nông nghiệp Thiên Đường.

Hiện nay, đội ngũ lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trong số những lao động trực tiếp làm nông nghiệp, có rất ít người được qua trường lớp đào tạo, dù chỉ là những lớp kỹ thuật cơ bản về trồng trọt.

Trong khi đó, mục tiêu phát triển nông nghiệp của tỉnh lại đòi hỏi người lao động không chỉ có kiến thức về kỹ thuật đơn thuần mà cần nhiều hơn nữa những kiến thức về công nghệ mới, về an toàn vệ sinh thực phẩm, về hợp tác quản lý và về kinh tế thị trường.

Sự thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu dẫn đến thiếu ý tưởng và chưa đủ khả năng thực hiện việc tổ chức xây dựng cũng như quản lý phát triển bền vững, đây được xem là vấn đề cần quan tâm giải quyết đối với ngành nông nghiệp .

Ông Trần Hoài Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nông nghiệp Thiên Đường (xã Phước Đông, huyện Gò Dầu) cho biết, Công ty đã phát triển vùng trồng nguyên liệu đinh lăng lên đến 1.000 ha để phục vụ cho nhu cầu chế biến trà túi lọc và nước ngọt đinh lăng đóng  chai; đồng thời công ty cũng đã cung ứng sản phẩm cho 300 đại lý  trong và ngoài tỉnh.

Sắp tới đây, để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, công ty sẽ đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại với thiết bị, máy móc khép kín. Để đa dạng hóa sản phẩm, công ty đang kêu gọi 3 hợp tác xã góp vốn 300 triệu đồng để chế biến trà túi lọc và một hợp tác xã góp vốn 1 tỷ đồng sản xuất nước uống đóng chai. Với mô hình này, các hợp tác xã sẽ chủ động nguồn nguyên liệu và làm chủ thương hiệu sản phẩm của mình, còn công ty sẽ chịu trách nhiệm đầu tư thiết bị, máy móc, sản xuất ra sản phẩm, báo cáo thuế, báo cáo tài chính, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm làm ra.

Ông Việt cho biết thêm, mặc dù công ty đã áp dụng quy trình khép kín trong các khâu chế biến sản phẩm, tiết kiệm nhân công lao động phổ thông, nhưng để mô hình trên đạt hiệu quả đòi hỏi công ty phải tìm được đội ngủ nguồn nhân lực có trình độ, năng lực để đồng hành cũng Ban Giám đốc lên ý tưởng kinh doanh, tìm hiểu thị trường cũng như năng lực quản lý điều hành. Trong khi đó, nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn đang thiếu hụt rất lớn cả về số lượng và chất lượng, nhất là lao động trẻ có trình độ chuyên môn.

Thực tế cho thấy, lực lượng tham gia sản xuất nông nghiệp phần lớn là người cao tuổi, sản xuất cá thể và dựa vào kinh nghiệm là chính; việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến chưa nhiều. Đây là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp của tỉnh nói chung và các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. 

Hiện nay, nguồn lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đang có xu thế giảm, mặc dù giá nhân công lao động hiện nay từ 200.000 - 250.000 đồng/ngày/người, nhưng vào vụ sản xuất hoặc thu hoạch phần lớn các chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp không tìm được người làm, vì lao động ở nông thôn không còn mặn mà với nghề nông, hoặc phần lớn lao động nông thôn đã rời quê đi kiếm việc thuộc các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ ở các tỉnh, thành phố khác.

Không chỉ  lao động nông thôn không mặn mà với nghề nông, mà học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông cũng không mấy mặn mà với lĩnh vực nông nghiệp. Em Trần Thị Hiếu, xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành chia sẻ: “Bố mẹ em quanh năm quần quật “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, mà thu nhập vẫn thấp, không đủ chi phí lo cho gia đình, nên em quyết định chọn thi vào ngành kế toán với hy vọng sau này cải thiện thu nhập cho gia đình”.

Nguyên nhân khiến lao động không mặn mà với nghề nông, là do sản xuất nông nghiệp mang tính mùa vụ và tiềm ẩn nhiều rủi ro, cộng với thị trường tiêu thụ và giá bán bấp bênh, nên khó cạnh tranh được với các ngành nghề khác. Chính vì vậy, lao động nông nghiệp hiện nay không tập trung đầu tư sản xuất, mà luôn theo đuổi việc làm ở các ngành nghề khác. Hệ quả là ngành nông nghiệp gặp khó trong việc thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế.

Lao động nông thôn làm việc tại một hợp tác xã nông nghiệp.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành nông nghiệp cũng đã đưa ra nhiều giải pháp về đào tạo lao động để tái cơ cấu sử dụng nguồn nhân lực thực hiện chính sách rút lao động khỏi khu vực nông thôn mà vẫn bảo đảm hiệu quả của lao động nông nghiệp.

Theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, phát triển nông nghiệp hàng hóa ở nông hộ, trang trại, doanh nghiệp bằng phương thức canh tác hiện đại, có hàm lượng kỹ thuật - công nghệ cao. Tuy nhiên, Tây Ninh đang đứng trước thách thức lớn về chất lượng nguồn nhân lực, trong khi chưa đáp ứng đủ, lại đang phải đối phó với tình trạng “già hóa” khó đào tạo. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp tỉnh nhà đến năm 2020, định hướng đến 2030.

Trên cơ sở đào tạo và bố trí hợp lý lao động nông nghiệp, tỉnh cũng cần thực hiện tốt chính sách phát triển thị trường lao động trong tỉnh với các nội dung chính như: Xác định cụ thể lượng lao động nông thôn sẽ chuyển sang các lĩnh vực phi nông nghiệp, đội ngũ này cần được đào tạo để được  bảo đảm về năng lực để trở thành một trong những lợi thế so sánh nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư và tạo việc làm tại địa phương, thực hiện ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại chỗ, ký hợp đồng lao động dài hạn, có đào tạo, dạy nghề cho lao động sau khi tuyển dụng; ưu tiên phát triển nhóm doanh nghiệp làm dịch vụ nông nghiệp như: doanh nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, cung ứng vật tư nông nghiệp, du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp... và doanh nghiệp chế biến nông sản, tạo giá trị gia tăng từ các sản phẩm phụ của nông nghiệp, các ngành hàng có lợi thế tại địa phương...

Ngoài ra, hình thành vùng sản xuất lớn, liên kết và thu hút doanh nghiệp đầu tư để ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phát triển nông nghiệp công nghệ cao... để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho lao động; vừa thay đổi thói quen sản xuất và quản lý, tiến tới hình thành tầng lớp công nhân nông nghiệp.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục