Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bảo đảm sự minh bạch trong tiếp cận thông tin
Thứ sáu: 12:15 ngày 21/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn: “Cần phải có những thông tin chính xác, kịp thời trên những phương tiện thông tin truyền thông chính thống của chúng ta. Do đó, việc quy hoạch báo chí, làm trong sạch đội ngũ những người làm báo, chấn chỉnh những tiêu cực và bảo đảm sự minh bạch trong tiếp cận thông tin là giải pháp căn bản nhất để áp đảo những thông tin xuyên tạc, sai trái trên mạng xã hội”.

Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Tây Ninh.

Chiều 18.4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn về nhóm vấn đề: công tác quản lý an toàn thông tin mạng; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin có tính xuyên tạc, sai sự thật trên các phương tiện thông tin điện tử gây hoang mang dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác; việc kiểm duyệt chương trình, nội dung quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ðến dự có Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch nước Ðặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam.

GỠ BỎ MỘT SỐ LƯỢNG LỚN VIDEO CLIP SAI PHẠM TRÊN YOUTUBE

Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cho biết, ở Việt Nam hiện nay, số lượng người sử dụng mạng xã hội thuộc hàng rất cao trên thế giới. Riêng Facebook, hiện có khoảng 45 triệu người sử dụng; với Youtube, Việt Nam là 1 trong 10 nước có lượng người sử dụng cao nhất thế giới. Thời gian qua, các thế lực thù địch tận dụng mạng xã hội để tuyên truyền chống Ðảng và Nhà nước, thông tin sai sự thật, thật giả lẫn lộn, gây hoang mang cho người dân. Bên cạnh đó, mạng xã hội còn bị những kẻ bất lương lợi dụng để bôi nhọ danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác… Không chỉ riêng Việt Nam mà hầu hết các nước trên thế giới đều rất đau đầu về những kẻ xấu, tin xấu trên mạng xã hội.

Theo lãnh đạo Bộ TT-TT, đối với các trang do các tổ chức cá nhân trong nước, đặc biệt là các trang đã được cấp phép hoạt động phần lớn đều tuân thủ quy định của pháp luật. Một số ít trường hợp để xảy ra sai phạm, chủ yếu là do cho phép các thành viên chia sẻ những nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục, phản cảm, thông tin sai sự thật. Những thông tin tiêu cực như xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu, kêu gọi kích động bạo lực, chống phá Ðảng, Nhà nước... chủ yếu tồn tại trên mạng xã hội nước ngoài.

Về việc xử lý các vi phạm, Bộ trưởng Bộ TT-TT cho biết, đối với các trường hợp xác định được nhân thân người vi phạm sẽ áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành để xử lý. Ðối với các trường hợp không xác định được nhân thân, trước đây việc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài như Google, Youtube, Facebook gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam rất khó khăn, nhất là các trường hợp có yếu tố chính trị do có sự khác biệt về môi trường pháp lý giữa Việt Nam với các nước khác. Tuy nhiên từ giữa tháng 2.2017, khi có Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT ngày 26.12.2016 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới thì Bộ TT-TT đã có cơ sở pháp lý để yêu cầu các doanh nghiệp nêu trên phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

Phía Google đã đồng ý thiết lập cơ chế riêng để Bộ TT-TT có thể yêu cầu Google gỡ bỏ một số lượng lớn các video clip vi phạm trên Youtube. Ðến ngày 12.4.2017, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ 1.299 video clip xấu độc trên kênh Youtube theo đề nghị của Bộ TT-TT. Gần đây nhất, trong buổi làm việc ngày 4.4.2017, Bộ TT-TT đã tiếp tục làm việc và yêu cầu Google đồng ý thiết lập cơ chế ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, vi phạm quy định pháp luật Việt Nam trên các nền tảng khác của Google. Trong tháng tới, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục làm việc với Facebook để gỡ bỏ các trang mạo danh các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước trên trang Facebook.

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn: “Cần phải có những thông tin chính xác, kịp thời trên những phương tiện thông tin truyền thông chính thống của chúng ta. Do đó, việc quy hoạch báo chí, làm trong sạch đội ngũ những người làm báo, chấn chỉnh những tiêu cực và bảo đảm sự minh bạch trong tiếp cận thông tin là giải pháp căn bản nhất để áp đảo những thông tin xuyên tạc, sai trái trên mạng xã hội”.

Hiện nay, Bộ TT-TT đã tổng hợp, nắm bắt thực trạng các doanh nghiệp trong nước cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam, để từ đó, cung cấp thông tin công cộng cho người sử dụng Việt Nam, trong đó chủ yếu cho Google và Facebook thuê. Tới đây, Bộ TT-TT sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết đối với các doanh nghiệp này, và yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Ðây là một trong những giải pháp then chốt về mặt kỹ thuật mà Bộ TT-TT sẽ triển khai trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người sử dụng mạng xã hội. Bộ trưởng cho biết: “Chúng tôi đang thúc đẩy mạng xã hội do doanh nghiệp Việt Nam tại Việt Nam cung cấp dịch vụ để phát triển mạng xã hội. Hiện nay, tại Việt Nam, một số mạng xã hội của nước ngoài như Facebook, Youtube vẫn đang chiếm thị phần lớn, chính vì vậy, trong ngắn hạn thì các giải pháp quản lý và tuyên truyền vẫn cần tiến hành với các mạng xã hội này, nhưng về dài hạn thì chúng ta cần có mạng xã hội tương đương và có khả năng thay thế, cạnh tranh được với Facebook tại Việt Nam, do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ”.

SIM RÁC: “VẤN NẠN” NHỨC NHỐI

Ðối với vấn đề sim rác, tin nhắn rác, nhiều đại biểu cho rằng đây là đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Ðồng tình với ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ TT-TT nhận định, sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực viễn thông, CNTT thời gian qua đã mang lại nhiều thay đổi, tác động lớn lao trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, đi kèm với những lợi ích và sự phát triển thì CNTT cũng làm phát sinh một số vấn đề tiêu cực mà cụ thể là vấn nạn tin nhắn rác khiến toàn xã hội đang bức xúc hiện nay. Vấn đề này đang gây ra ảnh hưởng lớn đến xã hội, gây phiền nhiễu đến nhiều người sử dụng điện thoại, có nguy cơ gây mất an ninh an toàn thông tin.

Bộ trưởng Bộ TT-TT cho biết, nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là do bán sim điện thoại trả trước tràn lan. Ở nước ta, việc mua sim trả trước quá dễ dàng, trong khi đó, nếu ra nước ngoài, việc mua sim điện thoại để sử dụng trong thời gian lưu trú là rất khó khăn. Ðiều này thể hiện việc thiếu quản lý, giám sát nghiêm túc của các cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan, trong đó có trách nhiệm của ngành TT-TT và của người đứng đầu ngành.

Mặc dù đã tồn tại nhiều năm nhưng vấn nạn này chưa được giải quyết một cách triệt để vì nó xuất phát từ lợi ích của nhiều bên như nhà mạng, đại lý và của người sử dụng. Bộ trưởng cho rằng, các cách làm trước đây như xử lý các đại lý hay đi thu gom, xử lý sim rác khi nó đã tràn lan ra thị trường không mang lại hiệu quả vì không được xử lý từ gốc. Do đó, Bộ TT-TT đã đưa ra giải pháp là kiên quyết chặn ngay từ nguồn đầu ra, đó là từ nhà mạng và chặn trên hệ thống.

Ðối với các doanh nghiệp viễn thông thuộc ngành TT-TT, Bộ TT-TT yêu cầu nếu không xử lý được thì Bộ sẽ xử lý người đứng đầu, cần thiết thì thay thế người đứng đầu nếu doanh nghiệp không bảo đảm xử lý được sim rác, tin nhắn rác từ kho số mà doanh nghiệp đã phát hành. Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT, từ tháng 10.2016 đến nay, đã thu hồi được 20 triệu sim rác, tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn số lượng khá lớn, vì vậy, Bộ TT-TT đang tiếp tục thực hiện quyết liệt và triệt để hơn.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn.

XỬ LÝ NGHIÊM KHẮC GAMESHOW CẨU THẢ

Tại phiên chất vấn, các đại biểu cũng có ý kiến, qua phản ánh của cử tri, hiện nay, có một số chương trình của Ðài truyền hình Việt Nam và các chương trình của đài truyền hình khác, trong đó nổi lên các chương trình truyền hình thực tế, các gameshow có nội dung chưa mang tính giáo dục cao, một số chương trình dàn dựng còn cẩu thả, chưa trung thực, gây dư luận không tốt; đặc biệt hoạt động quảng cáo trên truyền hình có những nội dung thiếu tế nhị, gây phản cảm, bức xúc trong nhân dân. Cử tri rất mong Bộ trưởng Bộ TT-TT quan tâm, xử lý khắc phục những vấn đề này trong thời gian sắp tới. Và vấn đề đặt ra là có giải pháp nhằm tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật đối với lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cho biết, thực trạng vấn đề này đang được dư luận hết sức quan tâm. Thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong thời gian qua, Bộ TT-TT đã tăng cường công tác giám sát, hậu kiểm, qua đó phát hiện nhiều chương trình có sai phạm trong nội dung thông tin, nổi bật là những sai phạm về thông tin thiếu kiểm chứng, không chính xác, sai sự thật gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bộ cũng phát hiện nhiều chương trình gameshow hài, truyền hình thực tế để xảy ra những sai phạm như lời thoại, hình ảnh phản cảm, chi tiết dàn dựng không đúng sự thật...

Trước những sai phạm trong nội dung thông tin, Bộ TT-TT đều có các biện pháp xử lý nghiêm khắc. Ðể bảo đảm tránh những sai sót đó trong thời gian tới, Bộ TT-TT đang tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm. Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên...

Phát biểu kết thúc toàn bộ phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong ngày 18.4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao, phần chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Uỷ ban TVQH khoá XIV đối với Bộ trưởng Bộ LÐ-TB&XH, Bộ trưởng Bộ TT-TT đã kết thúc với kết quả tích cực.

Sau phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị thông báo kết luận của UBTVQH về phiên chất vấn để làm căn cứ cho việc giám sát thực hiện. Cùng với hoạt động chất vấn tại phiên họp, theo lĩnh vực phụ trách, đề nghị Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội, các ÐBQH tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành; tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề bức xúc trong lĩnh vực được phân công để góp phần cùng với Chính phủ tháo gỡ những vấn đề nảy sinh, đáp ứng các yêu cầu của cử tri và nhân dân cả nước.

TRÚC LY

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục